THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:51

Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp 11

 

Công dân Hoa Kỳ sẽ được cấp thị thực 1 năm      

 Cho ý kiến về đàm phán và trao đổi Công hàm Thỏa thuận việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, UBTVQH nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Theo đó, Việt Nam sẽ cấp thị thực thời hạn 1 năm nhiều lần (thay vì 3 tháng như hiện nay) cho công dân Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho nhập xuất cảnh cũng như hợp tác kinh tế - thương mại, với các mục đích: du lịch, hội thảo, hội nghị, việc riêng, làm việc với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam và đáp ứng các điều kiện khác để nhập cảnh Việt Nam theo quy định của luật pháp Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp

Phía Hoa Kỳ cũng cấp thị thực có thời hạn 1 năm nhiều lần cho công dân Việt Nam nhập cảnh Hoa Kỳ với các mục đích tương tự, hoặc phù hợp với loại thị thực B-1 (đi lại vì mục đích công việc ngắn hạn) hoặc loại B-2 (đi lại vì mục đích du lịch) hoặc loại thị thực kết hợp B-1/B-2, và đáp ứng các điều kiện khác để nhập cảnh Hoa Kỳ theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ. “Thời gian tạm trú mỗi lần nhập cảnh phụ thuộc vào mục đích nhập cảnh, theo luật pháp và quy định hiện hành của từng nước. Mỗi nước có thể rút ngắn thời hạn thị thực và số lần nhập cảnh đối với các trường hợp cụ thể theo luật pháp và quy định hiện hành của nước này”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết.

Thỏa thuận được xây dựng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của hai nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế; không có nội dung trái với Hiến pháp, phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của Việt Nam. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày phía Việt Nam nhận được công hàm xác nhận đồng ý của phía Hoa Kỳ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, Việt Nam đã hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới, Việt kiều rất đông, trong đó đông nhất là ở Mỹ. Việc cấp thị thực giữa hai nước như đề xuất của Chính phủ là phù hợp.

 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ được thông qua

Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 10 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết,  kỳ họp 10 vừa qua đã có sự đổi mới về nội dung và cách thức tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Cùng với đó, QH tán thành việc tổ chức lại Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) theo hướng thu gọn đầu mối. Giai đoạn 2016-2020 chỉ đầu tư 2 chương trình: CTMTQG xây dựng Nông thôn mới và CTMTQG giảm nghèo bền vững. “Đây là chủ trương đúng đắn, nhằm giải quyết những vấn đề có tầm quốc gia và cũng là những nhiệm vụ hết sức cấp thiết hiện nay”, ông Phúc nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đọc trình bày Tờ trình chuẩn bị cuộc họp thứ 11

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến kỳ họp thứ 11, QH sẽ diễn ra 12,5 ngày. Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật như Luật tiếp cận thông tin; Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)... Đáng chú ý, QH sẽ dành 1 ngày cho ý kiến 1 dự án Luật biểu tình.

 Ngoài ra, QH sẽ dành 7,5 ngày để làm việc để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2015, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2016; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm 2011- 2015, quyết định kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016- 2020; kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016- 2020 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016- 2025... Riêng nội dung về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 sẽ chuyển sang trình QH khóa XIV tại kỳ họp thứ nhất.

Về dự Luật bBểu tình, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, Bộ Công an được Chính phủ giao soạn thảo Luật Biểu tình để trình Quốc hội. Đến nay, dự thảo Luật Biểu tình đã xây dựng xong và đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, về một số vấn đề nhạy cảm, hiện các bộ liên quan chưa cho ý kiến, như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.

Do đó, theo ông Nam, nếu đưa Luật Biểu tình vào để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tập hợp ý kiến các bộ liên quan.

Chủ trì phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận, với Luật Biểu tình thì phải cho ý kiến trong nhiệm kỳ khóa XIII này. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cố gắng hoàn thiện, trình ra để Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 11 tới.

Trước đó, UBTVQH cho ý kiến và biểu quyết thông qua các dự thảo: Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của UBTVQH;  dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban thư ký và Văn phòng QH.

Sau 2,5 ngày làm việc tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, chiều 11/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bế mạc phiên họp 43. 

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh