CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:55

Dự án cuồng ngông, phản lịch sử

Sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai

Nguyên cớ gây “bão” không phải từ  số tiền tỷ đô của tập đoàn kinh tế tư nhân nọ bỏ ra đầu tư. Bởi thời nay kiểu dự án tỷ đô, hay chục tỷ đô không còn là chuyện hiếm, chuyện lạ, cái mà mọi người đặc biệt quan tâm là sông Hồng - Con sông Cả của vùng đồng bằng Bắc bộ. Con sông của lịch sử, con sông của thi ca, nhạc, họa, và cao hơn là con sông của đời sống tâm linh, con sông đang trực tiếp nuôi sống hàng chục triệu con người, từ xưa đến bây giờ một phần Tổ quốc Việt tươi xanh cũng nhờ sự dung dưỡng của  Hồng Hà.

Chạm vào sông Hồng là chạm vào đời sống tâm linh người Việt, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu con người. Không những thế, nó còn ảnh hưởng, tác động lâu dài đến sự phát triển của vùng núi phía Bắc và khu vực đồng bằng Bắc bộ.Nghe đâu trong cái dự án quỷ quái trên, có việc “chặt” sông Hồng làm 6 khúc, bằng 6 cái đập khổng lồ. Thoạt nghe đã thấy ớn lạnh!. Sông Hồng chảy vào đất Việt được mấy trăm cây số, mà phải chịu 6 nhát băm chí mạng như thế?. Liệu sông Hồng có còn là sông?.

Nhiều người biết, chắc những nhà quản lý nhà nước và các nhà khoa học lại càng tường tận hơn, trong những năm qua đã có lúc, có nơi nước sông Hồng chỉ sâu hơn 1 mét. Sông Hồng đang bị khai thác quá tải, thậm chí nhiều nơi sông bị tổn thương nghiêm trọng. Không ít người kêu gọi các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể xã hội và mọi người phải chung tay bảo vệ sông Hồng, cứu lấy sông Hồng. Con sông huyền thoại của nước Việt, con sông tạo nên vùng đất Tổ Hùng Vương, con sông làm nên thế địa linh, nhân kiệt cho kinh đô Thăng Long - Hà Nội từ ngày xưa, đến bây giờ và cho cả mai sau.

Động vào sông Hồng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người, mà còn động vào Trời - Đất, nhất là hiện nay biến đổi khí hậu đang diễn ra vô cùng khắc nghiệt, phức  tạp và khó lường. Một con đập được xây, nước dâng lên, bao vùng đất bị ảnh hưởng. Với các doanh nhân, vì lợi nhuận họ có thể bỏ qua, nhưng mặt trái của cái lợi trên, các nhà khoa học, những người quản lý, những người có chức, có quyền có nhìn ra không?. Hơn 30 năm qua, chúng ta đã có quá nhiều bài học cay đắng về đắp đập, ngăn sông làm thủy điện, lẽ nào giờ đây không soi  vào khi nghe ai đó đề nghị xây đập ngăn sông Hồng?. Chẳng cần các nhà chuyên môn đưa ra con số, người bình thường cũng thấy rất nhiều con sông ở vùng đồng bằng Bắc bộ sẽ chết, nếu dự án trên được thực thi.

Sông Hồng là báu vật của Quốc gia, không thể mua được bằng tiền, hay rất nhiều tiền, càng không phải là cái để đưa ra thăm dò, đùa giỡn. Khai thác nguồn lợi, cải tạo sông Hồng để phục vụ lợi ích quốc dân cần sự vào cuộc với lương tâm và trách nhiệm của các cơ quan chức năng; cần có sự thẩm định, đánh giá của các nhà khoa học ở tất cả các lĩnh vực, kể cả khoa học về tâm linh, tín ngưỡng. 

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh