THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:18

Đột phá mạnh vào đào tạo nghề và giải quyết chính sách người có công

Tại Hội nghị giao ban, Bộ trưởng có nói năm 2018 sẽ đột phá mạnh vào lĩnh vực đào tạo nghề. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp để tạo nên sự đột phá này?

Giáo dục nghề nghiệp có một vị trí đặc biệt quan trọng nhất là Việt Nam đang trong quá trình hình thành thị trường lao động đồng bộ và phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu lâu dài cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Để giải quyết vấn đề này thì đòi hỏi chúng ta phải có sự đổi mới căn bản, đặc biệt phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong các đổi mới này chúng ta lựa chọn 3 khâu đột phá căn bản.

Thứ nhất là giao tự chủ cho các trường, hình thành hệ thống các trường đồng bộ với sự linh hoạt và chất lượng.

Thứ hai là đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, tạo cho doanh nghiệp đồng hành cùng với trường và trường đi cùng với doanh nghiệp.

Thứ ba là đẩy mạnh chuẩn hóa, tức là chúng ta thiết lập một hệ thống trên cơ sở các tiêu chí, các định mức tiêu chuẩn kỹ thuật được chuẩn hóa. Chuẩn hóa cả về đội ngũ giáo viên, giáo trình cơ sở vật chất và các điều kiện để hoàn thiện nó.

Điều quan trọng nhất là phải làm sao để sinh viên học nghề nhiều hơn và sinh viên ra trường có việc làm, có thu nhập. Và sau khi ra trường, khi có nhu cầu và đủ điều kiện người ta có thể học lên cao hơn. Muốn như vậy thì chúng ta phải thay đổi căn bản về đào tạo, trước đây chúng ta đào tạo ra, người lao động muốn làm gì thì làm thì giờ đây phải chuyển đào tạo theo hướng đào tạo theo nhu cầu của xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp hay nói cách khác là chúng ta phải dự báo được nhu cầu về nhân lực trong từng ngành nghề, từng lĩnh vực để các trường căn cứ vào đó đào tạo. Muốn như vậy có hai việc rất quan trọng cần phải thực hiện.

Thứ nhất là chúng ta phải dự báo được cung cầu lao động. Cung cầu lao động phải dự báo trên cơ sở ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Chẳng hạn, cũng là lĩnh vực du lịch thì chúng ta phải dự báo được xem 10 năm tới sự phát triển du lịch sẽ như thế nào, cần bao nhiêu nhân lực và trong ngành du lịch thì bao nhiêu người trong khu vực nhà hàng, bao nhiêu người trong lĩnh vực khách sạn, bao nhiêu hướng dẫn viên…

Chính vì vậy, năm 2018, trong tất cả những đột phá này, chúng tôi đặt ra vấn đề kết nối doanh nghiệp. Doanh nghiệp cùng đồng hành với nhà trường ngay từ khâu xác định công việc, xác định nhu cầu, cùng nhau phối hợp để bàn giáo trình, bàn về vấn đề thực tập, vấn đề đầu tư và  vấn đề tiếp nhận sinh viên khi ra trường. Theo cách này có nghĩa là sinh viên vào trường các em đều biết sau khi học xong các em sẽ làm nghề gì, làm ở đâu thay vì việc chúng ta cứ đào tạo ra rồi sinh viên muốn đi đâu thì đi. Việc này chúng tôi đang làm thí điểm, phấn đấu trong năm 2018 chúng ta sẽ kết nối với khoảng vài chục tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Và số lượng đặt ra là phải kết nối được, có sự cam kết, ký kết với nhà trường khoảng 200.000 lao động trong 3 năm, từ nay đến năm 2020.

Vừa rồi, tôi vào Dung Quất, 22 năm qua, Dung Quất đào tạo mới được 20.000 lao động nhưng  trong tháng 3 vừa rồi, riêng trường Dung Quất  chúng tôi đã chỉ đạo kết nối với 5 tập đoàn trong 3 năm từ nay đến 2020 phải đào tạo 15.986 lao động có địa chỉ và có vị trí việc làm ngay từ đầu. Sau Dung Quất, trong tháng 4, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ đứng ra và các trường của Bộ kết nối để làm sao chúng ta đạt được con số 200.000. Tôi cho rằng đây là một cách tư duy mới và tư duy này đã được kiểm nghiệm ở các nước phát triển như Đức và Australia và New Zealand. Đây là việc họ đã làm từ lâu và đó chính là đột phá hàng đầu trong giáo dục nghề nghiệp.

Thưa Bộ trưởng, xét về tổng thể, chúng ta đã có dự báo nghề nghiệp chung trên cả nước chưa?

Chúng tôi đã bàn và sẽ trình với Chính phủ Đề án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo trong tháng 5 sẽ bàn chuyên đề về vấn đề Nâng cao năng suất lao động, tháng 6  là chuyên đề Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Và để nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì nhất thiết chúng ta phải xây dựng được một Đề án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong đó có vấn đề dự báo được cung cầu lao động. Tất nhiên, để xây dựng được Đề án này không hề đơn giản. Bởi muốn dự báo được thì phải xác định được nhu cầu việc làm trong từng lĩnh vực. Ví dụ ngành công nghiệp bao nhiêu, du lịch cần bao nhiêu, nông nghiệp cần bao nhiêu. Trong nông nghiệp thì cây trồng bao nhiêu, thú y bao nhiêu. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có một Đề án rất tổng thể, đánh giá về từng lĩnh vực, từng ngành nghề và trên cơ sở đó, chúng ta định hướng dài hạn trong quy hoạch 10 năm là bao nhiêu, rồi 3 năm là bao nhiêu và trước mắt mỗi năm cần bao nhiêu. Và dự báo này sẽ được điều chỉnh theo từng năm và từng ngành nghề tùy theo sự phát triển của đất nước. Tinh thần là Thủ tướng đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ giáo dục, các tổ chức quốc tế để xây dựng Đề án cung cầu lao động. Vừa rồi đi Đức, Australia, chúng tôi cũng đã và đang phối hợp với các nước này để trên cơ sở kinh nghiệm của họ, họ sẽ giúp mình.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm Trường nghề CĐ Nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn (Ảnh: Mạnh Dũng)


XKLĐ năm 2017 vượt chỉ tiêu và mới đây chúng ta cũng đã ký lại với Hàn Quốc chương trình EPS. Xin Bộ trưởng có thể nói cụ thể hơn về chương trình này và triển vọng hợp tác về XKLĐ trong thời gian tới?

Xuất khẩu lao động năm 2017 đạt 134.000 người, vượt 28% so với chỉ tiêu đặt ra, có thể nói đây là năm chúng ta cán mốc đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Và điều quan trọng là chúng ta thiết lập được một số thị trường có tính chất ổn định, bền vững và hiệu quả. Những thị trường này rất phù hợp với giới trẻ Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Và hiện nay chúng ta đang thí điểm đào tạo thực tập sinh cho Đức và cho một số nước có nền công nghiệp, có năng suất lao động cao. Vừa rồi, việc chúng ta lại tiếp tục ký các thỏa thuận hợp tác với Hàn Quốc, với Nhật, trong đó, tập trung vào một số vấn đề:

Một là mở thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới, những lĩnh vực phù hợp với năng suất lao động, trình độ và đặc biệt là phù hợp với sức khỏe của người Việt Nam, phù hợp với khả năng cho phép người Việt Nam  để có thể phát huy tốt nhất năng lực sở trường của mình.

Thứ hai là đối tượng sẽ được mở rộng hơn, ngoài đối tượng thuộc diện chính sách, hỗ trợ các huyện nghèo, các vùng 30a thì mở thêm nhiều ngành nghề như đánh bắt xa bờ, một số ngành nghề có tính chất dịch vụ.

Thứ ba là thời gian cũng sẽ được kéo dài hơn.

Thứ tư, bên cạnh việc trả lương, chúng ta cũng quan tâm hơn đến vấn đề an sinh, ví dụ như chúng ta ký hiệp định giữa hai nước về vấn đề bảo hộ, vấn đề bảo hiểm cho người lao động, vấn đề đảm bảo bình đẳng giữa người lao động Việt Nam đi xuất khẩu với lao động bản địa.

Đằng sau tất cả những thỏa thuận đó chính là tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động để không những giải quyết việc làm, thu nhập mà quan trọng hơn là họ được tiếp cận những công nghệ mới, được đảm bảo an sinh. Đó là vấn đề được đặt ra trong chuyến thăm vừa rồi của tổng thống Hàn Quốc cũng như việc chúng tôi tháo gỡ thị trường Australia hay Nhật Bản trong thời gian qua. Chúng tôi tin tưởng về số lượng, chắc chắn năm 2018 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng, ngành nghề cũng sẽ tăng, nhưng quan trọng hơn là đời sống và những điều kiện đảm bảo cho người lao động tốt hơn.

Liên quan đến chính sách cho người có công, năm ngoái Bộ trưởng đã rất kỳ vọng về Quyết định 408 sẽ tạo sự đột phá mới trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng. Sau một năm triển khai, xin Bộ trưởng cho biết đã có đột phá cụ thể thế nào?

Có thể nói rằng, Quyết định 408 của Bộ hay nói cách khác là chủ trương của tập thể Chính phủ thông qua Quyết định 408 đã được hiện hữu trong cuộc sống, và thực sự nếu không có chủ trương của Chính phủ và không có cách làm mới thì chắc chắn chúng ta không thể tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực người có công đặc biệt giải quyết những tồn đọng người có công với đối tượng là liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Chỉ trong vòng một năm mà chúng ta đã giải quyết gần 6.000 hồ sơ trong đó 1.250 trường hợp đã được công nhận là liệt sỹ và chắc trong tháng 4 này chúng ta công nhận khoảng 500 trường hợp nữa, 2570 trường hợp chúng ta đã giải quyết được xác nhận là thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, gần 2000 trường hợp chúng ta xác định  là từ nay không xem xét nữa vì kết luận là không đủ điều kiện. Những trường hợp này đa phần là những người có công, những người hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tới 70%, cá biệt có người đã nằm trong nghĩa trang liệt sỹ tới 86 năm. Với một phương châm là bám sát vào những chủ trương chính sách, bám sát vào quy định những điều kiện cần thiết tối thiểu phải có nhưng với một tư tưởng là quyết liệt, công khai, minh bạch lấy dân làm cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo sự ủng hộ công khai trong nhân dân và báo chí, nếu không có cách làm như vậy thì chúng ta không thể làm được.  

Tôi tin rằng, đến giờ, trên 6.000 trường hợp chúng ta giải quyết và được công khai tất cả trên báo chí, trong nhân dân , không có một điều tiếng gì, không có một đơn thư nào phàn nàn sau khi Thủ tướng Chính phủ công nhận. Đây chính là lòng dân, là ý Đảng và đó là thành công lớn nhất của chúng ta. Trên cơ sở những kết quả đạt được sau khi thực hiện Quyết định 408, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng. Mở rộng ở đây là mở ra 3 vấn đề:

Một là đối tượng sẽ mở xuống cơ sở, không chỉ dừng lại ở hồ sơ tồn đọng cấp tỉnh, trong công an, quân đội. Dĩ nhiên khi càng mở thì tính phức tạp của nó càng lớn, trách nhiệm của các ngành vào cuộc ngày càng quyết liệt hơn, trách nhiệm sẽ nặng nề hơn.

Thứ hai là mở phạm vi, nghĩa là ngoài 3 đối tượng (liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh) sẽ tiến hành mở tiếp các đối tượng như cựu thanh niên xung phong, người hưởng chất độc hóa học và con của những người tham gia kháng chiến, cháu của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học.

Cái mở thứ 3 là sự tham gia của xã hội nhiều hơn, công khai hơn, minh bạch hơn để làm sao phấn đấu hết quý I năm 2019 chúng ta sẽ giải quyết căn bản số hồ sơ liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Nếu làm được điều này chúng ta sẽ đi trước chỉ thị 14 của Ban bí thư khoảng 2 năm. Với một quyết tâm như thế này, một cách làm công khai minh bạch và đặc biệt là được sự ủng hộ của các cấp, các ngành thì chúng tôi tin rằng ngành lao động sẽ cố gắng giải quyết căn bản những vấn đề đặt ra. Tôi cũng rất mong muốn các cơ quan thông tin báo chí vừa cổ vũ, vừa theo dõi, vừa giám sát nhưng đồng thời cũng góp tiếng nói để toàn xã hội chung tay chăm lo cho người có công.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

CHÂU GIANG - THANH HUYỀN (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh