THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:25

Đột nhập hệ thống đường ống từ Formosa xả thải xuống biển Vũng Áng

 

Để tìm hiểu được hệ thống dẫn nước thải của dự án, PV Báo Infonet đã "xâm nhập’’ khu vực này.

Chất xả thải xuống đáy biển là nước sinh hoạt?

Trước hiện tượng thủy sản chết hàng loạt trên vùng biển Hà Tĩnh thời gian gần đây, cơ quan chuyên môn kết luận nước biển bị nhiễm độc, nhưng chất độc gì thì chưa rõ.

Ngay sau đó, một ngư dân phát hiện hệ thống ống xả thải của dự án này dưới đáy biển, nghi vấn cá chết là bắt nguồn từ đây.

Qua khảo sát, lực lượng biên phòng Hà Tĩnh xác nhận, chất xả thải mà ngư dân báo cáo lại chỉ là nước sinh hoạt của Formosa.

Điều đáng nói là hiện tượng cá chết không chỉ ở vùng biển Hà Tĩnh mà còn lan ra tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Dư luận hoang mang, nghi vấn cá bị nhiễm chất độc, độc tố của nó phải cực mạnh, có thể là hóa chất bị đổ ra biển.

Cá chết hàng loạt trên biển Kỳ Anh, nguyên nhân được cho là bị nhiễm độc nguồn nước (ảnh: T.Hoa)

Vấn đề tiếp tục nóng lên trong dư luận, ngư dân tên Nguyễn Xuân Thành, 36 tuổi, trú tại thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương,(thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phát hiện dưới đáy biển Vũng Áng có một đường ống dẫn nước thải khổng lồ.

Anh Thành cho biết, hệ thống ống xả nước xuống biển của Formosa có cách đây hơn 2 năm, nhưng xả mạnh và có dấu hiệu lạ bắt đầu từ ngày 29/3 đến 4/4.

Trong một đợt lặn xuống biển bắt cá thì anh phát hiện sự bất thường này.

Cũng theo anh Thành, đường ống nước được chôn dưới đất chạy dài từ dự án Formosa, chảy ra biển. Chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m.

Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm).

Hệ thống ống dẫn nước kéo dài (ảnh: T.Hoa)

"Thời điểm tôi lặn xuống lúc đó là 23h đêm ngày 4/4, khi ngụp xuống lòng biển tôi thấy một đường ống nước rất to, đang phun chảy, nước có màu vàng đục, rất bẩn.

Tôi nghi chất độc nên bơi lên khỏi mặt nước. Sau sự việc đó, tôi đem chuyện kể cho mọi người nghe. Đồng thời trình báo sự việc lên Đồn Biên phòng Đèo Ngang (Kỳ Anh)’’ – anh Thành cho biết.

Để xác minh thông tin của anh Thành cung cấp, PV Báo Infonet đã có cuộc trao đổi trực tiếp với trung tá Nguyễn Khắc Minh, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Đèo Ngang, anh cho biết, sau khi nhận được thông tin từ ngư dân Thành, phía đồn đã cử đoàn cán bộ vào dự án tìm hiểu, khảo sát thực tế.

Phát hiện, hệ thống ống dẫn nước thải xuống đáy biển "chỉ là nước xả sinh hoạt đã qua xử lý của Formosa’’.

Công ty FHS từng nhập 297 tấn hóa chất để xử lý đường ống?

Trả lời về hiện tượng cá bị nhiễm độc chết hàng loạt có liên quan đến dự án Formosa, ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Cty FHS cho biết, phía công ty rất quan tâm đến hiện tượng cá chết, theo dõi kỹ kênh truyền thông đưa tin.

Tuy nhiên, nói ống xả nước thải của công ty ảnh hưởng đến cá chết là chưa đúng.

Hệ thống xả thải của Cty FHS trước khi được thải ra biển các điểm xả thải phải tập trung về một chỗ. Sau đó nước thải đi qua một trạm quan trắc tự động.

Ống xả thải ra biển này, là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Ống xả này đã được sự cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam.


Đường thoát lũ trong dự án rộng, có thể một ô tô đi lọt (ảnh: T.Hoa)

 

Điều dư luận quan tâm nữa, gần đây Cty FHS nhập 297 tấn hóa chất lớn để xử lý đường ống.

Đại diện Cty FHS cũng xác nhận việc này nhưng vẫn khẳng định đây không phải là nguyên nhân gây ra sự việc, vì các số liệu tại trạm quan trắc tự động thể hiện điều này.

Tất cả đều có nhật ký làm việc, vận hành tự động của nhà máy ghi lại.

Để tìm hiểu cụ thể, ngày 22/4/2016, PV Infonet đã xâm nhập vào khu dự án Formosa, khi bước chân vào, đập trước mắt một dự án khổng lồ, các hệ thống nhà máy nối đuôi nhau, kéo dài chằng chịt như một mê cung.

Tại các cổng ra vào được kiểm tra chặt chẽ bằng thẻ quẹt, lực lượng bảo vệ trực kín tại các chốt.

Mọi di động ra vào dự án đều được theo dõi, báo cáo từng phút. Thậm chí 2 ngày nay, Formosa ‘’cấm cửa’’ luôn báo chí.

 


Hệ thống nhà máy xử lý chất thải của công ty, rất rộng lớn

Đi về phía đông, khu vực xử lý chất thải của dự án, rộng mênh mông, khép kín. Hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt, chất thải, đường thoát lũ nối dài ra tận biển hàng nghìn mét.

Đường thoát lũ ô tô tải đi lọt, hệ thống ống dẫn nước là những ống có kích thước lớn "một người ôm không xuể".

Một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Vũng Áng cho phóng viên Infonet biết, hệ thống nước thải của dự án được chôn ngầm dưới đất, đường đi của nó chỉ có người thực hiện dự án và lãnh đạo mới nắm rõ.

Vì thế, bản thân chất thải đi về đâu, đã qua xử lý chưa, độc hại không, họ cũng không rõ.

Sao chỉ có Bộ vào cuộc mà tỉnh chưa có động thái gì?

Liên tiếp mấy ngày nay (từ 20-22/4), nhiều đoàn của Bộ như Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT... về Hà Tĩnh để tìm hiểu, khảo sát thực tế hiện tượng cá chết, tìm nguyên nhân, thì phía lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vẫn ‘dậm chân tại chỗ’’ chưa có động thái gì.

Lãnh đạo tỉnh chưa có cuộc thị sát thực tế, có chăng chỉ là cơ quan chuyên môn lấy mẫu nước, cá để đi xét nghiệm.

Ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết, khi xuất hiện cá chết hàng loạt, tỉnh đã có chỉ đạo các ban, ngành địa phương khảo sát thực tế và tìm hiểu nguyên nhân.

Còn phía lãnh đạo tỉnh thì vừa mới được bầu xong, cụ thể như bầu Chủ tịch UBND tỉnh, rồi 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Thậm chí, PV liên tục liên lạc với Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh hỏi về hiện tượng cá chết, lãnh đạo đã có những động thái gì thì đều nhận được câu trả lời từ chối, đang bận việc.

Như vậy, đến nay, nhiều đoàn công tác của Bộ vào làm việc cũng khó tiếp cận với các đơn vị nghi xả thải này.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa thành lập bất kỳ đoàn công tác nào làm việc với các nhà máy nghi xả thải trên.

Ngày 22/4, đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT có cuộc làm việc với ban lãnh đạo Dự án Formosa, có rất nhiều PV của các cơ quan Báo T.Ư theo chân nhưng khi đến tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng rồi Dự án Formosa (nơi nghi vấn có chất thải gây ảnh hưởng đến nguồn nước, làm cá chết-PV) đều bị lực lượng bảo vệ chặn cửa, đồng thời ‘’cấm cửa’’ luôn báo chí khi có đề nghị được vào tham gia cuộc họp và tìm hiểu thông tin.

Nguyên nhân cá chết bất thường tại các lồng bè, bờ biển được kết luận là do nhiễm độc nguồn nước, còn chất độc đó tên gì thì chưa thể biết?

Thậm chí một lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh còn khẳng định tại cuộc họp vào chiều 20/4 với Bộ NN&PTNT rằng, ‘Chất độc đó đến Bộ cũng khó tìm ra?’’.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh