THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:05

Đóng vai Bác Hồ: Khó khăn vô cùng, hạnh phúc vô biên

 

Diễn viên Tiến Hợi trong vai Nguyễn Tất Thành phim “ Hẹn gặp lại Sài Gòn”. 

“Mọi người thấy tôi giống Bác sau khi đã đóng vai Bác Hồ, chứ không phải đạo diễn thấy ngoại hình tôi giống mà giao vai”, Tiến Hợi - diễn viên Nhà  hát Kịch Hà Nội, một trong những nghệ sĩ thể hiện nhiều và thành công nhất vai diễn Hồ Chí Minh thổ lộ.

Đã gần 30 năm kể từ khi được đảm nhận vai diễn Bác Hồ, anh luôn thấy Bác ở bên, đặc biệt mỗi lần được hóa thân vào vai diễn của Người. Hàng năm, mỗi khi đến ngày sinh nhật Bác, anh lại thấy lòng bồi hồi. Đến nay, anh là người đóng vai Bác nhiều nhất trong cả hai thể loại phim và kịch. Kể từ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, Tiến Hợi gần như tạo cho mình một thương hiệu về việc hóa thân vào vai Bác. Để chuẩn bị tốt cho việc hóa thân vào vai lãnh tụ dân tộc, nghệ sĩ Tiến Hợi dành rất nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu về Bác. Anh cũng thu băng giọng nói của Người để luyện tập ngày đêm với hy vọng mang tới cho khán giả hình ảnh Bác Hồ thật ấn tượng.

Điểm nhấn đầu tiên cần khai thác là cái thần bên trong của vai diễn, tiếp đó là đôi mắt. Điều khó là làm thế nào thể hiện được sự khao khát, cố gắng vươn lên, tìm tòi học hỏi toát lên trong ánh mắt của Người.

Anh kể, năm 1987 khi dựng vở kịch “Đêm trắng”, anh được đạo diễn giao vai Bác Hồ một cách rất bình thường. Lúc này, anh đang công tác tại Đoàn nghệ thuật Trường Sơn và mới 28 tuổi. Đây là lần đầu tiên anh được giao vai diễn về lãnh tụ. Cả Tiến Hợi và các đồng nghiệp đều không nghĩ anh được chọn. Sau khi hóa trang, mọi người phát hiện hình như Tiến Hợi có nhiều nét giống Bác. “Lúc chụp ảnh, so sánh với ảnh thật của Bác tôi mới công nhận mình giống”, Tiến Hợi cho biết.

Rồi anh học nói tiếng giống Bác. Trong vòng gần ba tháng, anh liên tục nghe băng những đoạn phim, ghi âm Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, nói chuyện với thanh niên, phụ lão mà mình sưu tầm được. Anh nghe, học nhấn như cách nói của Bác đến mức, tắt đài, nhắm mắt thì dư âm giọng nói của Bác vẫn còn vang vọng. “Khi diễn kịch, tôi luôn phải tập trung cao độ vì lúc diễn mình nói giọng Bác Hồ chứ không phải giọng thật của mình, lỡ nói giọng thật thì… chết”, anh  tâm sự.

“Đêm trắng” là vở kịch nói đầu tiên về Bác với hình tượng rõ nét nhất. Vở kịch kể câu chuyện về một đại tá được Bác yêu quý nhờ có nhiều công trạng nay biến chất, trở thành kẻ biển thủ công quỹ, ăn chơi và ngông cuồng. Chuyện đến tai Bác. Sau khi cải trang thị sát tình hình, biết được sự thật, Bác đã gọi người cán bộ đó lên hỏi tội. Khi vị đại tá quỳ xuống nhận tội, Bác đã chỉ mặt và quát: “Chú đứng dậy ngay, dù sao chú cũng đã là đại tá, tại sao chú lại quỳ gối!”, rồi Bác nói những câu rất đau: “Cộng sản mà không có nhân cách, Cộng sản mà sống sa đọa luồn cúi trên, trù úm dưới thì còn ai tin, ai theo Cộng sản nữa!”. Vở kịch “Đêm trắng”  nói về những trăn trở suy nghĩ của Bác khi tòa án Pháp xử viên đại tá tội tử hình và trình đơn quyết định xin chữ ký Bác. Cả đêm Bác trăn trở, suy nghĩ, Bác bảo: “Cũng giờ này 4 năm trước, Bác ký quyết định bổ nhiệm con người này, vậy mà, ngày hôm nay…”. Vai Hồ Chủ tịch trong kịch “Đêm trắng” là vai Tiến Hợi đã thể hiện sự đột phá, tính cách, sự xúc động của Bác khi phải quyết định xử tử một con người. Vở diễn thành công rực rỡ vì đã gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ thời điểm đó, nhất là vai diễn Bác Hồ, đến mức đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) phải đến tận nơi để xem và gặp người diễn viên đã đóng vai Bác Hồ.

Diễn viên Tiến Hợi vai Bác Hồ trong vở kịch “Đêm trắng”.

Tiến Hợi thật sự nổi tiếng khi vào vai Bác Hồ thời trẻ trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, một phần cũng nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ, nhanh chóng của điện ảnh. Trước khi hóa thân thành cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành sáng dạ, yêu nước, Tiến Hợi lặn lội vào tận Huế gặp các cụ già để hỏi xem thanh niên ngày xưa sống như thế nào, yêu và thể hiện tình cảm ra sao. Tài liệu về Bác lúc đó không nhiều, anh phải hỏi nhà văn Sơn Tùng, bác Vũ Kỳ. Anh cố gắng khai thác, tìm hiểu tình cảm của Bác đối với nhân dân. Sau đó, nam diễn viên chọn cách thể hiện hình ảnh Bác thật mộc mạc, giản dị và toát lên tình cảm thân thương.

Khi phim hoàn tất, Tiến Hợi cũng thấy hài lòng vì đã lột tả được phần nào đó về nhân vật Nguyễn Tất Thành cũng như nét tiêu biểu của thanh niên, trí thức ngày đó. Nhiều người cho rằng, sở dĩ Tiến Hợi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công đến vậy, một phần nhờ ngoại hình và giọng nói khá giống Bác. Song ít ai biết, anh đã phải khổ cực thế nào cho vai diễn ấy. Ưu điểm về ngoại hình, nếu có cũng chỉ là một phần rất nhỏ.

Thế nhưng, càng hóa thân vào Bác anh càng thấy lo, sợ sẽ lặp lại chính mình mà đấy là điều tối kỵ trong nghệ thuật. Vào vai Bác Hồ trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời không hề đơn giản như nhiều người vẫn tưởng đối với một diễn viên có ngoại hình giống Bác như anh. Nếu như Tiến Hợi nhận vai cậu thanh niên tuổi đôi mươi Nguyễn Tất Thành trong “Hẹn gặp lại Sài Gòn” năm 31 tuổi, thì chỉ vài năm sau anh lại được đạo diễn Đặng Nhật Minh mời vào vai Bác trong phim “Hà Nội mùa đông 46”. Lúc này, Bác đã là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, râu tóc đã bạc, dáng dấp cũng khác xưa vì thế anh phải làm việc nhiều với chuyên gia hóa  trang để có được chân dung Bác một cách thuyết phục nhất.

Tiến Hợi phải tìm cách khai thác sự lịch lãm, dí dỏm, kiên quyết của Bác qua những cử chỉ, cách hành xử rất đời thường. Ví như lúc Bác rút diêm định châm thuốc hút thì nhìn thấy ngọn đèn trước mặt. Bác liền nhét que diêm vào bao, ghé môi châm lửa tại ngọn đèn. Đấy là sự sáng tạo của anh dành cho cảnh diễn không có trong kịch bản. Theo anh, ngọn lửa khi ấy cũng là biểu tượng cho cách mạng Việt Nam. Từ một đốm nhỏ sẽ bùng cháy rất mạnh mẽ trong tương lai.

 

Diễn viên Tiến Hợi.

Năm 2001, một đạo diễn người Pháp làm phim “Tuyết Đông Dương”, nói về cuộc đời và sự nghiệp của Bác cũng mời anh tham gia.  Không biết có phải là "duyên nợ" không mà anh đã vào vai Bác Hồ trong rất nhiều vở kịch như  “Một kỷ niệm khó quên”, “Một sáng tháng 5”, “Người công dân số 1”, “Lịch sử và nhân chứng”, “Một chặng đường lịch sử”, “Xin lĩnh án tử hình”, “Vị thánh trong mơ”...

Ngoài những tác phẩm sân khấu, điện ảnh nổi tiếng, Tiến Hợi còn tham gia một seri kịch truyền hình ngắn, mỗi tập khoảng 30 phút, trong đó, anh vào vai Bác Hồ ở các giai đoạn khác nhau và một chùm ba kịch ngắn chuyên đề “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nam nghệ sĩ cho biết, anh đã thực sự sống cuộc sống của Bác, đã học tập Bác rất nhiều từ ngày đó mà không chờ đến cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mới phát động sau này. 

KIM NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh