Đồng Tháp: Nhiều chương trình hỗ trợ xuất khẩu lao động
- Bài thuốc hay
- 00:57 - 15/10/2017
Để làm tốt điều này, tỉnh đặc biệt coi trọng hoạt động dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện nhiều sự hỗ trợ với người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Hội nghị về an sinh xã hội tại Đồng Tháp
Tỉnh thực hiện hỗ trợ 90% lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng đã về nước và về nước trước thời hạn do yếu tố khách quan được tiếp cận những chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, nghề nghiệp, việc làm và khởi nghiệp. Hỗ trợ tư vấn định hướng cho 70% người lao động đầu tư và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Sở Lao động – TB&XH phối hợp với các công ty, doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho 50% lao động phù hợp với tay nghề và trình độ người lao động; vận động người lao động tham gia sinh hoạt câu lạc bộ khởi nghiệp tại các địa phương....
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động. Tổ chức cập nhật danh sách người lao động trước khi kết thúc quá trình làm việc ở nước ngoài để tổ chức các chương trình gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ qua đó giúp đỡ người lao động sau khi về nước phát huy kinh nghiệm, tay nghề, sử dụng hiệu quả nguồn vốn để tiếp tục khởi nghiệp tại địa phương.
Tư vấn về xuất khẩu cho người lao động tại Trung tâm DVVL
Cùng với đó, tỉnh đặc biệt chú ý đến công tác truyền thông băng nhiều hình thức để người dân tiếp cận thông tin lắp đặt hệ thống loa gắn phía sau xe máy, phát tại khu vực đông dân cư. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông tin về các phiên giao dịch việc làm, chuyên đề đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các xã, phường, thị trấn, in, treo băng rôn, bảng điện tử tại các bến phà, tuyến đường nơi có nhiều phương tiện lưu thông để thu hút sự quan tâm của người dân.
Nhờ vậy, trong giai đoạn 2014 - 2016, toàn tỉnh có gần 2.000 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó có 1.007 nữ, đạt 107% kế hoạch. Các thị trường người lao động đến làm việc gồm: Nhật Bản 909 lao động, Đài Loan 674 lao động, Hàn Quốc 100 lao động, Malaysia 159 lao động và các nước khác 21 lao động. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho LĐ đi làm việc ở nước ngoài, thu hút 56 đơn vị tham dự, có 422 người đăng ký đi làm việc, 97 người được giới thiệu việc làm. Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều có người đi lao động theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, với mức thu nhập từ 14 đến hơn 27 triệu đồng/tháng/người. Số người đang theo học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, trúng tuyển chờ xuất cảnh là 1.090 lao động.
Ở nhiều nơi trong tỉnh Đồng Tháp đang có phong trào đi lao động ở nước ngoài, nhờ vậy mà bộ mặt nông thôn ở những nơi này đã thay đổi, thu nhập của vài trăm người đi lao động bằng cả vài ngàn người còn lại.
Anh Trần Quang Lạc ở xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh đã tìm được việc làm khi đến tham dự phiên giao dịch. Sau khi được tư vấn, giới thiệu việc làm, anh sang Đài Loan làm việc, dành dụm tích lũy được hơn 1 tỷ đồng, sau khi về nước, anh mở cơ sở kinh doanh. Hiện 2 người em trai của anh Lạc được anh vận động tiếp tục đi làm việc tại Đài Loan.
Trao bằng khen cho những đơn vị và cá nhân có thành tích trong XKLĐ
Ông Bùi Thành Nhơn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: Chương trình xuất khẩu lao động đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thu hút doanh nghiệp đến với Đồng Tháp. Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, cộng tác viên các ngành, khảo sát thị trường, nhu cầu tuyển dụng, chọn công ty tốt tạo việc làm cho người lao động, nhân rộng những mô hình hiệu quả tại các địa phương...