Đồng Tháp đã hỗ trợ 45.706 trường hợp gặp khó khăn do Covid-19
- Dược liệu
- 02:42 - 21/08/2021
Tính đến hết ngày 19/8, Đồng Tháp đã hỗ trợ 45.706 trường hợp gặp khó khăn do Covid-19, với tổng số tiền 68,5 tỷ đồng.
Sáng ngày 20/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1415/QĐ-TTg xuất cấp hơn 130.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, trong đó Đồng Tháp được cấp 5.883,465 tấn.
Về hỗ trợ cho trẻ em, Sở đã có văn bản triển khai cho các huyện, thành phố hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng đại dịch (mức hỗ trợ 300.000 đồng/trẻ) từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Về hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội cho 63 đơn vị, doanh nghiệp với 1.178 lao động để đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ theo chính sách tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chính sách hỗ trợ ngừng việc.
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo đó có 12 nhóm đối tượng được xem xét giải quyết.
Đối với đối tượng thuộc nhóm 12 (lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Chính phủ quy định "Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương".
Tại Quyết định số 964/QĐ-UBND-HC của UBND tỉnh về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp quy định, gồm 5 đối tượng, cụ thể: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa (tại các chợ, bến tàu, bến xe, bến cảng, nhà kho); lái xe mô tô 2 bánh chở khách; người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú (phục vụ bàn ăn uống, đầu bếp, phục vụ bếp, lễ tân, tạp vụ); chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu).
Tuy nhiên, qua rà soát còn nhiều đối tượng người lao động tự do thuộc các nhóm công việc khác (ngoài đối đối tượng tại Quyết định số 964/QĐ-UBND-HC) bị mất việc làm, không có thu nhập, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 chưa được hỗ trợ.
Sở LĐ-TB&XH đề nghị Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn rà soát, tổng hợp danh sách người lao đông tự do làm một trong các nhóm sau: Thợ hồ, phụ hồ; người làm công trong các công việc sau: Thợ mộc, thợ sơn P, nhôm, kiến, sắt, hàn, đóng trần, sửa chữa lắp đặt điện, nước nhà riêng và các công trình; người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có nghề nghiệp ổn định; người làm công cho các cơ sở sửa xe mô tô (honda); thợ sửa xe đạp; người tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở làm đẹp (cắt tóc, uốn tóc, làm móng, trang điểm); người làm công trong các cơ sở gia công may; người mua bán nhỏ trong các chợ (không thuộc các hộ có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế) bị tạm dừng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, các huyện, thành phố xem xét nếu còn lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch ngoài các nhóm nêu trên thì đề xuất thêm để Sở LĐ-TB&XH có cơ sở trình UBND tỉnh xem xét, quyết định bổ sung đối tượng hỗ trợ.
XUÂN TRƯỜNG
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ