Đề xuất mô hình về bảo hiểm TNLĐ tự nguyện đối với người lao động không có hợp đồng lao động
- Bài thuốc hay
- 15:12 - 16/04/2021
Tham dự hội nghị còn có ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động; Các thành viên của tổ nghiên cứu Đề án và đại diện các Bộ, ngành: Công Thương, Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH triển khai nghiên cứu Đề án Nghiên cứu tính khả thi về chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) đối với người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động. Triển khai thực hiện Đề án, Cục An toàn lao động đã thành lập Tổ nghiên cứu đề án, phối hợp với các chuyên gia, thành viên Tổ nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu Đề án.
Đề án tập trung nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết đối với một số vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động đối với người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động, bao gồm: Kinh nghiệm quốc tế đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động; Mô hình Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động; Thực trạng của bảo hiểm thương mại về tai nạn lao động, những ưu nhược điểm khi đề xuất áp dụng chính sách này đối với bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động; Nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động của người lao động khu vực không có hợp đồng lao động; Khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước để bảo đảm thực hiện chính sách; Thực trạng, thách thức và đề xuất khi triển khai điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; Bổ sung lực lượng điều tra tai nạn lao động đối với người lao động khu vực không có hợp đồng lao động tham gia.
Trong đó, mức hỗ trợ của nhà nước đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện được đề xuất 2 phương án: Phương án (1) hỗ trợ là 30% mức đóng đối với hộ nghèo, 25% mức đóng đối với hộ cận nghèo, 10% mức đóng đối với đối tượng khác: dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 37-250 tỷ/năm; Phương án (2) tham cứu mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế hiện hành, đề xuất Nhà nước hỗ trợ là 80% mức đóng đối với hộ nghèo, 70% mức đóng đối với hộ cận nghèo, 30% mức đóng đối với đối tượng khác: dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 100-700 tỷ/năm. Phương án 1 tương tự như BHXH tự nguyện về hưu trí, tử tuất, không tạo áp lực lớn cho ngân sách nhà nước so với phương án 2, là lựa chọn tối ưu hơn cho ngân sách hiện nay. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm giảm đáng kể mức hấp dẫn đối với chính sách này, đặc biệt đối với nhóm lao động thu nhập thấp, không ổn định.
Tại hội thảo, các thành viên của tổ nghiên cứu Đề án đã đề xuất mô hình về bảo hiểm TNLĐ tự nguyện đối với người lao động không có hợp đồng lao động, với những nội dung quan trọng như: Mức hưởng/Chế độ, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; mức đóng/Phí bảo hiểm; Mô hình quản lý, hạch toán; Các dịch vụ khách hàng bảo hiểm; Hỗ trợ của nhà nước đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện…
Phát biểu tại hội thảo, thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao (TNLĐ) động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định. Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động và đã trình Chính phủ xem xét ban hành vào tháng 12/2017. Sau khi xem xét các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách, tại Nghị định số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2018, giao Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo nghị định này, bảo đảm tính khả thi và trình Chính phủ vào thời điểm thích hợp.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị các đại biểu thảo luận, đề xuất định hướng xây dựng và triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động, trong đó hướng tới giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và triển khai chính sách, đặc biệt là 2 vấn đề: Thứ nhất hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm TNLĐ theo hình Athức tự nguyện của ngân sách nhà nước. Thứ hai bảo đảm lực lượng điều tra TNLĐ đối với người lao động tham gia chính sách.
"Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp tại Hội thảo để hoàn thiện Đề án. Sau đó, Bộ sẽ xin ý kiến chính thức các Bộ, ban, ngành liên quan, tổng hợp trước khi báo cáo Chính phủ xem xét quyết định việc xây dựng và triển khai chính sách", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.