THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:30

Đồng Nai: Chính quyền cùng doanh nghiệp tìm cách “giữ chân” người lao động

Cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động

Hiện nhiều DN tập trung đông lao động đều lo lắng thiếu hụt lao động sau khi hoạt động trở lại. Mặt khác, lao động ở trong “vùng xanh” đủ điều kiện đi làm rất hạn chế. Anh Nguyễn Hoàng Dũng, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) cho hay, DN vừa được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chấp thuận cho trên 5 ngàn lao động “vùng xanh” trở lại làm việc, bắt đầu từ ngày 5/10.

Công ty hiện có trên 25 ngàn lao động, song chỉ có trên 5 ngàn lao động ở “vùng xanh” đủ điều kiện được đi làm nên nguồn nhân lực đang rất thiếu. Thời gian qua, công ty đã nỗ lực trả mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ để đảm bảo cuộc sống. Nhiều lao động đang muốn trở lại với công việc để có thu nhập nhưng chưa đủ điều kiện đi làm vì còn nằm trong vùng phong tỏa, cách ly y tế. Tới đây, nếu việc sản xuất đi vào ổn định, DN sẽ tuyển dụng thêm lao động ở những “vùng xanh” để đảm bảo nguồn lực và hoạt động sản xuất trong tình hình mới, ông Dũng chia sẻ.

Hiện nhiều DN tập trung đông lao động đều lo lắng thiếu hụt lao động sau khi hoạt động trở lại.

Hiện nhiều DN tập trung đông lao động đều lo lắng thiếu hụt lao động sau khi hoạt động trở lại.

Trên 600 công nhân/tổng số 12.700 công nhân của Công ty TNHH giày Đồng Nai Việt Vinh (đóng tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã bắt đầu đi làm trở lại, sau thời gian công ty ngừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Lãnh đạo công ty này cho biết, các công nhân được đi làm lại đều thuộc vùng xanh. Họ được chấp thuận cho đi lại bằng xe cá nhân hoặc xe đưa rước của công ty để làm việc.

Sáng 7/10,  khoảng 1 ngàn lao động ở “vùng xanh” của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP. Biên Hòa) đã trở lại làm việc sau 3 tháng tạm nghỉ để phòng dịch. Trong ngày đầu tiên trở lại làm việc, đa số công nhân đến sớm và thực hiện các thủ tục khai báo y tế, xét nghiệm Covdi-19 trước khi vào xưởng làm việc.

Ông Nguyễn Tấn Pháp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouchen Việt Nam cho biết, công ty hiện có 17 ngàn lao động, trong đó chủ yếu là ở trọ tại phường Hóa An và các phường lân cận - những khu vực chưa thuộc "vùng xanh". Trong những ngày tới, công ty sẽ tiếp tục bổ sung lao động “vùng xanh” đã tiêm ngừa Covid-19 vào làm việc, đảm bảo tiến độ sản xuất và các đơn hàng trong những tháng cuối năm. Trước đó, công ty đã tổ chức khử khuẩn toàn bộ nhà máy để đón công nhân trở lại làm việc.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh, NLĐ vẫn còn lo ngại về các yêu cầu đi lại trong tình hình mới; việc di chuyển giữa các tỉnh, thành phố gặp khó khăn nên sàn giao dịch việc làm bị hạn chế kết nối giới thiệu việc làm cho NLĐ với DN. Tới đây, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích DN và NLĐ, nhất là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia phỏng vấn trực tuyến. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp đường truyền internet phục vụ sàn việc làm trực tuyến tốt hơn để NLĐ và DN tương tác, phỏng vấn một cách dễ dàng hơn.

“Hiện nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, các DN cũng phải lựa chọn các phương án sản xuất phù hợp trong điều kiện hiện nay và việc tuyển dụng khắt khe hơn trước do yêu cầu lao động phải tiêm vaccine, ở địa bàn “vùng xanh”. Trung tâm sẽ nỗ lực kết nối tuyển dụng trực tuyến hằng tháng để DN có nguồn lực đảm bảo sản xuất trong tình hình mới”,  bà Trâm chia sẻ.

Chính sách an sinh giúp giữ chân lao động

Đồng Nai hiện có 1,2 triệu lao động, trong đó có gần 700 ngàn lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, tính đến ngày 3/10, đã có 30 DN được chấp thuận hoạt động trở lại với tổng số lao động trên 17 ngàn người có thể lưu thông đi, về hằng ngày bằng xe cá nhân hoặc xe đưa rước.

Để giữ chân lao động, giúp DN trở lại hoạt động bình thường sau những ảnh hưởng do dịch bệnh, tỉnh cần ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ. Ngoài ra, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập để đảm bảo đời sống NLĐ. Đó cũng là cách để giữ chân lao động trong thời điểm hiện nay vì tình trạng lao động nghỉ việc lâu ngày, cuộc sống khó khăn dẫn đến phải về quê. Số lượng lao động về quê nhiều sẽ ảnh hưởng đến DN và sự phục hồi kinh tế của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ.

Đồng Nai hiện có 1,2 triệu lao động, trong đó có gần 700 ngàn lao động làm việc trong các khu công nghiệp

Đồng Nai hiện có 1,2 triệu lao động, trong đó có gần 700 ngàn lao động làm việc trong các khu công nghiệp

Theo Sở LĐ-TB&XH, để đảm bảo đời sống NLĐ, thời gian qua, Sở đã nỗ lực phối hợp với các ngành liên quan tích cực hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Trong đó, hướng dẫn các DN nhanh chóng lập hồ sơ những lao động bị ngừng việc, nghỉ việc để tổng hợp và trình UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ kịp thời. Đến thời điểm này, đã có trên 48 ngàn lao động tại 466 DN bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương được hỗ trợ với số tiền trên 131 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đang làm thủ tục hỗ trợ NLĐ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 1,8-3,3 triệu đồng/người. Tỉnh và các đoàn thể cũng thực hiện nhiều chương trình an sinh, hỗ trợ thực phẩm cho NLĐ khó khăn tại các khu nhà trọ. Sở LĐ-TB&XH đang tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh để tiếp tục hỗ trợ NLĐ.

Tuy nhiên, theo nhiều lao động, việc chăm lo an sinh chưa đáp ứng nhu cầu đời sống NLĐ xa quê. Nhiều lao động phải ngừng việc đến 3 tháng không lương nên rất khó khăn. Tiền nhà trọ, sinh hoạt không đủ chi trả buộc họ phải lựa chọn về quê để giảm bớt gánh nặng về chi phí sinh hoạt.

Giải pháp trong tình hình mới

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, mấu chốt để người dân an tâm gắn bó với địa phương, DN là việc làm và đời sống. Đời sống khó khăn, mất việc nên người dân mới muốn về quê. Khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, được đi làm thì NLĐ sẽ gắn bó trở lại. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh chăm lo an sinh xã hội, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để người dân sớm được trở lại sản xuất, có việc làm, thu nhập ổn định... là nhiệm vụ rất quan trọng lúc này.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngành Y tế và các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người dân một cách đồng bộ, khoa học và đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch. Từ đó, nhằm sớm phủ vaccine mũi 1 cho toàn dân từ 18 tuổi trở lên.

ngành Y tế và các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người dân một cách đồng bộ, khoa học và đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch

ngành Y tế và các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người dân một cách đồng bộ, khoa học và đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có kế hoạch bổ sung 250 ngàn người dân được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với tổng số tiền 375 tỷ đồng. Qua đó, nhằm chăm lo tốt hơn nữa an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn trong dịch bệnh. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tính toán lại cách thức, quy trình thực hiện để tiền hỗ trợ đến được với người dân nhanh nhất. Trong khi đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cùng các ngành, hội, đoàn thể cũng đang tiếp tục đẩy mạnh vận động, nỗ lực chăm lo đời sống người dân.

Đồng thời, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân “ai ở đâu, ở yên đó”, không tự ý về quê tự phát; đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm lo, hỗ trợ cho người dân. Trong đó, vận động chủ nhà trọ giảm giá tiền phòng cho công nhân lao động, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hỗ trợ người dân khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh