TP.HCM: 3 nguồn để cung cấp lao động cho các doanh nghiệp sau thời gian giãn cách
- Bài thuốc hay
- 14:36 - 05/10/2021
Nhiều doanh nghiệp đang hụt nguồn lao động trầm trọng
Phát biểu tại họp báo cung cấp một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, chiều ngày 4/9, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM ông Phạm Đức Hải cho biết, sau 3 ngày TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP, đại bộ phận người dân rất phấn khởi, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã hoạt động trở lại. Cụ thể, trong 3 ngày qua, TP.HCM có 5.279 doanh nghiệp đăng kí hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc,… Nhiều quận, huyện đang làm việc với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để nắm thực trạng, tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị này nhanh chóng trở lại sản xuất.
Tuy nhiên, từ 1/10 đến nay, trong 70.000 lao động trên giảm xuống còn 45.000 người. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Các lao động "3 tại chỗ" đã chuyển thành bình thường và bổ sung thêm là khoảng 57.000 người. Tổng số người lao động đang làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp tính đến nay là 135.000 người. Số lao động này chỉ chiếm 46% tổng lao động nên các doanh nghiệp đang tiếp tục bổ sung, ông Hải cho hay.
"Như vậy, hiện tổng cộng lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đây. Do đó, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang rất thiếu lao động. “Hiện nay các doanh nghiệp đang rà soát để tuyển dụng, bổ sung thêm nguồn lao động cho đơn vị mình", ông Phạm Đức Hải nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực thì có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp khoảng 43.600- 56.800.
Giải pháp trong thời gian tới
Để giải quyết nhu cầu nguồn lao động, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết có 3 nguồn để cung cấp lao động cho các doanh nghiệp. Nguồn thứ nhất là các lao động đã về quê và sẽ trở lại TP.HCM để tiếp tục làm việc khi được thông báo. Nguồn thứ hai là lực lượng lao động tại TP.HCM có nhu cầu tìm việc. Nguồn thứ ba là các học sinh trung cấp nghề, sinh viên cao đẳng nghề ra trường.
Theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), nhu cầu nhân lực quý 4-2021 của TP.HCM cần khoảng 44.000-57.000 người lao động.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh của Chính phủ và TP.HCM đang góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, giảm thiểu tình trạng tạm ngừng hoạt động và qua đó tái tạo việc làm cho người lao động. Mặt khác, những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để các DN nỗ lực hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do đó, nhu cầu nhân lực trong quý 4-2021 tại TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, ông Thanh Vân cho hay.
Nhằm gỡ khó cho các DN trong thời gian tới, bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho hay, trung tâm đang tiếp tục thu thập cung - cầu lao động để mở sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Đồng hành với DN và người lao động trong giải quyết việc làm, giúp người lao động nhanh chóng ổn định cuộc sống trong giai đoạn TP.HCM mở cửa trở lại, Thành Đoàn TP.HCM đang đẩy mạnh hoạt động “Tiếp sức người lao động” với chương trình “Combo 3 trong 1, nhà trọ 0 đồng - Test nhanh miễn phí - có việc làm ngay”.
Chương trình thực hiện từ ngày 1/10 đến ngày 30/11 với sự tham dự của 63 tỉnh, thành Đoàn trong cả nước. Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM cho biết, có 150 DN tham gia tuyển 10.000 chỉ tiêu. Điểm nổi bật là người lao động được giới thiệu việc làm miễn phí, được test nhanh khi đi phỏng vấn kiếm việc hoặc ngày đầu tiên đến DN nhận việc, được giới thiệu các khu nhà trọ giá rẻ hoặc 0 đồng.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp TP.HCM, cho biết tính đến thời điểm hiện tại đã có 242.000 người lao động trong các các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp thành phố đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 và trên 204.000 người lao động đã được tiêm mũi 2. Còn lại 46.000 lao động chưa tiêm vaccine mũi 1 và gần 83.000 người lao động đang chờ tiêm vaccine mũi thứ 2.
Một trong những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp và người lao động được trở lại sản xuất sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách như tiêm đủ 2 liều vaccine; đảm bảo thời gian đủ 2 tuần sau khi tiêm liều thứ nhất (vaccine tiêm 2 lần) hoặc vaccine tiêm một liều; người lao động mắc COVID-19 đã khỏi bệnh có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền. “Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine trong công nhân lao động không chỉ giúp phòng, chống dịch được tốt hơn mà còn giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thành phố phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới,” ông Trực chia sẻ.
TP.HCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với gần 1.500 nhà máy và 288.000 lao động. Khi dịch bệnh bùng phát và phải thực hiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, hai điểm đến", chỉ có 720 doanh nghiệp với hơn 64.000 người lao động làm việc.