THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:47

Động lực giúp Ngành LĐ-TB&XH hoàn thành nhiệm vụ

* Lấy trọng tâm xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách là khâu đột phá

Với đặc điểm là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, diện đối tượng quản lý rộng, khuôn khổ pháp lý và các chính sách đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều chính sách cần phải được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia được Đảng, Nhà nước giao cho ngành phải tập trung nghiên cứu trước khi thực hiện. Trong điều kiện khối lượng nhiệm vụ lớn, đội ngũ cán bộ thiếu về số lượng và chất lượng không đồng đều, điều kiện đảm bảo còn hạn hẹp đã gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều phong trào thi đua đã được phát động như: "Giữ vững kỷ cương – tăng cường trách nhiệm – chủ động sáng tạo – đoàn kết hợp tác, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ"; thi đua cải tiến phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ; thi đua nâng cao chất lượng soạn thảo, sáng kiến trong việc lồng ghép tổ chức các hội thảo và lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, rút ngắn thời gian, đảm bảo đúng quy trình và tiến độ... 

Chính nhờ việc tổ chức tốt công tác thi đua mà trong 5 năm qua, được Chính phủ đánh giá là một trong những Bộ xây dựng trình và thông qua được nhiều văn bản nhất

Hệ thống chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội ban hành đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với nhận thức mới, tư duy mới, tạo lập khuôn khổ pháp lý về lao động, người có công và xã hội phù hợp với sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm phát triển kinh tế gắn với sự công bằng và tiến bộ xã hội…

Những năm qua các đơn vị của ngành từ cơ quan Bộ đến các Sở, các đơn vị sự nghiệp đã làm tốt vai trò là tham mưu đề xuất và tham gia tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động lớn như: Phong trào "Thi đua dạy tốt, học tốt", "Học nghề, lập nghiệp" trong các trường, cơ sở dạy nghề; phong trào "Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tư vấn, giới thiệu việc làm"; phong trào "Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa"; phong trào "Nâng cao chất lượng phục vụ nuôi dưỡng người có công", phong trào "Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho thương bệnh binh và trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt" ở các trung tâm nuôi dưỡng thương binh và các trung tâm bảo trợ xã hội; phong trào ngày vì người nghèo; phong trào "Nâng cao chất lượng cai nghiện, giáo dục, chữa trị cảm hóa người nghiện", "Xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội"...

Từ những phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp đã xuất hiện nhiều đơn vị, tập thể điển hình, tiêu biểu đi đầu trên từng lĩnh vực như: Lâm Đồng, Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Kạn, Lai Châu... về thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; Hải Dương, thành phố Hà Nội, Bình Dương, thành phố Cần Thơ, Nghệ An... về dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; Lâm Đồng, Bắc Giang, Quảng Ngãi... về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, Phú Thọ, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang,... về thực hiện tốt và đổi mới công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện, dạy nghề hỗ trợ việc làm; thành phố Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai... thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ; Yên Bái, Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Tháp... có thành tích trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền tặng cờ Thi đua cho các đơn vị thi đua xuất sắc.     Ảnh: TL

* Cán bộ viên chức luôn nêu cao tinh thần vượt khó, tận tụy với công việc

Trên lĩnh vực hoạt động sự nghiệp, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong khối các trường, trung tâm dạy nghề, đặc biệt là thi đua nâng cao chất lượng dạy nghề và dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng, được tất cả các trường, cơ sở, trung tâm hưởng ứng, tham gia; hàng năm tổ chức kỳ thi tay nghề quốc gia, tham gia kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới, tổ chức Hội thi giáo viên dạy nghề toàn quốc, Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm, rèn luyện thể chất cho học sinh

Công tác nghiên cứu khoa học đã tập trung vào nghiên cứu những lĩnh vực mới như hệ thống an sinh xã hội, các tác động của biến đổi khí hậu; phân phối thu nhập, định hướng giảm nghèo... đã thu hút và tạo được phong trào thi đua trong đội ngũ nghiên cứu viên, chuyên gia với tinh thần gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn, qua đó đề xuất chính sách phù hợp, góp phần ngày càng hoàn thiện hệ thống chính sách của ngành trong quá trình phát triển và hội nhập.

Đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động trong hệ thống các Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, các Trung tâm Bảo trợ xã hội mặc dù đã vượt qua nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, luôn nêu cao tinh thần, tận tuỵ trong công việc, không quản ngày đêm, mưa nắng đang từng ngày, từng giờ thay mặt nhân dân cả nước phục vụ, chăm sóc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc đối với những người đã không quản thân mình, hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

Đội ngũ những người làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS trong các trung tâm bảo trợ xã hội còn là những tấm gương cho chúng ta học tập về tinh thần làm việc, lòng thương người và tinh thần vượt khó khăn trong cuộc sống, trong công tác.

Thi đua là sức mạnh, là động lực giúp ngành hoàn thành nhiệm vụ được  giao

Những phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của ngành, những đóng góp của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên từng vị trí công tác trong 5 năm qua đã tạo nên sức mạnh, là động lực giúp Ngành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, tham mưu cho Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả các chương trình kinh tế, xã hội quan trọng. Mỗi năm cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động; dạy nghề cho trên 1,834 triệu lao động, tăng 18% so với giai đoạn 2006 – 2010; đưa bình quân khoảng trên 90 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài.

Mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển theo hướng xã hội hoá, tính đến cuối năm 2014 cả nước có 1.465 cơ sở dạy nghề, 173 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề, 991 trung tâm dạy nghề. Ước thực hiện 5 năm tuyển sinh học nghề đạt 95,5% kế hoạch (tăng trên 18% so với giai đoạn 2006 – 2010). Đội ngũ giáo viên dạy nghề đã phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, trình độ đào tạo, kỹ năng nghề và dạy nghề. Xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020...

Phong trào Đền ơn, đáp nghĩa đã huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình có công với cách mạng. Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn, đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng; 96% số xã, phường trong cả nước làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; 96% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú.

Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", đã thực sự trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong phong trào thi đua yêu nước, mà Bộ đã tích cực hưởng ứng tham gia góp phần không nhỏ làm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 xuống còn dưới 6-5,8% cuối năm 2014, giảm bình quân 1,8 - 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra.

Tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp, đến cuối năm 2014 có khoảng 2,6 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên, tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2010. Hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển, với 393 cơ sở, các cơ sở tổ chức tiếp nhận và nuôi dưỡng thường xuyên 41.450 đối tượng.

Thực hiện các quyền của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em. Các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra: đến cuối năm 2014 có 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 82% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Trong các phong trào thi đua sôi nổi ấy đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc, nhiều lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương như: Thanh tra Bộ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Cục Bảo trợ xã hội, Vụ Lao động - Tiền lương, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Trung tâm Bảo trợ trẻ em thiệt thòi..., Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Cờ thi đua như: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành...

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thay mặt Đảng và Nhà Nước trao tặng Huân chương Sao vàng cho ngành LĐ-TB&XH nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập nhành, Hà Nội 8/2000

Những mốc son đáng nhớ trong phong trào thi đua yêu nước của ngành LĐ-TB&XH

Năm 2015, Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV Ngành LĐ-TB&XH vình dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Với những thành tích đã đạt được, 70 năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Năm 1952, Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, trong số 8 anh hùng được tuyên dương có 1 anh hùng quân đội là thương binh La Văn Cầu; 1 nữ anh hùng quân đội là người hưởng chính sách như thương binh Nguyễn Thị Chiên; 1 liệt sỹ được truy tặng anh hùng quân đội Cù Chính Lan; 3 anh hùng lao động: Ngô Gia Khảm (thương binh), Trần Đại Nghĩa và Hoàng Hanh.

Năm 1974, trường đầu tiên được nhận Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích chăm sóc, giáo dục con liệt sỹ, con thương binh là trường Phổ thông cấp 1 – 2 xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông Trần Huy Huynh, Hiệu trưởng nhà trường cũng là nhà giáo đầu tiên được nhận Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích này. Hợp tác xã vận tải thô sơ Phúc Tân, quận Hòan Kiếm, Hà Nội là hợp tác xã đầu tiên được nhận Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích làm tốt công tác hậu phương quân đội, mà nổi bật là thành tích đỡ đầu con liệt sỹ mồ côi, bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn. Năm 1989, hợp tác xã lại được nhận Huân chương Lao động hạng Hai về thành tích này.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho cá nhân có thành tích xuất sắc tại Hội nghị Điển hình tiên tiến - Văn phòng Bộ.

Năm 1986, Thái Bình là tỉnh đầu tiên nhận Cờ thưởng luân lưu của Thủ tướng Chính phủ về công tác thương binh xã hội. Thái Bình cũng là tỉnh 3 lần nhận phần thưởng này vào các năm 1976, 1979, 1980.

Năm 1983, Quảng Nam – Đà Nẵng là tỉnh 3 năm liên tiếp nhận Cờ luân lưu của Chính phủ về công tác thương binh – xã hội: 1983, 1984 và 1985.

Năm 1991, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên nhận Cờ luân lưu của Chính phủ về công tác LĐ-TB&XH. Thành phố cũng là địa phương đã nhận phần thưởng của Chính phủ về công tác thương binh xã hội (1982) và công tác LĐ-TB&XH (1991, 1999)

Năm 1995, Nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Ngành, để ghi nhận những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã tặng Ngành LĐ-TB&XH Huân chương Hồ Chí Minh. 5 Huân chương Độc lập hạng Ba cho các Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Hưng, tỉnh Thái Bình và Trung tâm Chính hình và Phục hồi chức năng tâm thần Hoàng Long.

Giai đoạn 1996- 2004, ngành LĐ-TB&XH có nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động nhằm huy động sức mạnh toàn dân phục vụ cho công cuộc phục hồi kinh tế sau chiến tranh, thực hiện chính sách đối với người có công, xoá đói giảm nghèo và đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, phấn đấu vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh” và được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Từ năm 2005 -2015, ngành LĐ-TB&XH được Đảng và nhà nước tặng 3 Cờ giải Nhất phong trào thi đua Khối các Bộ, ngành Khoa học - Văn hóa - Xã hội năm 2007, 2008, 2010. 1 Cờ giải Nhì phong trào thi đua Khối các Bộ, ngành Khoa học - Văn hóa - Xã hội năm 2006; 2 Cờ giải Ba phong trào thi đua Khối các Bộ, ngành Khoa học - Văn hóa - Xã hội năm 2009, 2011. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014. Năm 2015, Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV Ngành LĐ-TB&XH vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ 2, Quyết định số 1565/QĐ-CTN ngày 31/7/2015).

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH nhận được nhiều phần thưởng của Nhà nước  trong giai đoạn 2010 – 2015: Huân chương Hồ Chí Minh cho 2 cá nhân; Huân chương Độc lập hạng Nhất cho 1 tập thể; Huân chương Độc lập hạng nhì cho 2 tập thể và 5 cá nhân; Huân chương Độc lập hạng ba cho 4 tập thể và 10 cá nhân; Huân chương Lao động hạng nhất cho 5 tập thể và 27 cá nhân; Huân chương Lao động hạng nhì cho 3 tập thể và 52 cá nhân; Huân chương lao động hạng ba cho 5 tập thể và 87 cá nhân. Huân chương cho 37 cá nhân là người nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng  và phát triển Ngành. Tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho 1 cá nhân; Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 5 cá nhân và danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú cho 5 cá nhân; Thầy thuốc Nhân dân cho 1 cá nhân.

Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 29 tập thể, 95 cá nhân thuộc và thuộc Bộ, trên 190 tập thể và 140 cá nhân ngoài Ngành có đóng góp xuất sắc trong công tác liên quan đến các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Chính phủ tặng 17 Cờ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.

Ngoài ra, từ phong trào thi đua yêu nước đã ra đời nhiều phong trào quần chúng điển hình. Các phong trào thi đua xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” và "lấy trọng tâm xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách là khâu đột phá”; thực hiện Quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành LĐ-TB&XH và Chỉ thị số 03-CT/TƯ ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làn theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề hàng năm gắn các phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị...

Phong trào "Thi đua dạy tốt, học tốt" trong các trường, trung tâm dạy nghề; phong trào "Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tư vấn, giới thiệu việc làm"; phong trào "Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa"; phong trào "Nâng cao chất lượng phục vụ nuôi dưỡng người có công" hoặc phong trào "Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho thương bệnh binh và trẻ em khuyết tật" ở các trung tâm nuôi dưỡng thương binh và các trung tâm bảo trợ xã hội; phong trào "Ngày Vì người nghèo"; phong trào "Nâng cao chất lượng cai nghiện, giáo dục, chữa trị cảm hóa người nghiện"...

Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" gắn với thực hiện đề án của Chính phủ “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Nhiều phong trào thi đua đã được các địa phương hưởng ứng và làm tốt như phong trào: "Đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động", phong trào "Giảm nghèo bền vững và thực hiện chính sách an sinh xã hội", phong trào "Bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt". Các địa phương điển hình như: Yên Bái, Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Tháp, Hải Dương, thành phố Hà Nội, Bình Dương, thành phố Cần Thơ, Nghệ An... Các địa phương thực hiện tốt chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ như Lâm Đồng, Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Kạn, Lai Châu...làm tốt công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài Lâm Đồng, Bắc Giang, Quảng Ngãi... các địa phương làm tốt và đổi mới công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện, dạy nghề hỗ trợ việc làm như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, Phú Thọ, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang... Các địa phương thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ như: Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai...

Thái An-Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh