Đồng bào thiểu số Tây Nam bộ đổi đời từ chương trình 134
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 23:15 - 20/09/2016
Theo số liệu điều tra khảo sát của Ban chỉ đạo giảm nghèo (BCĐ) các tỉnh khu vực ĐBSCL cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hộ đồng bào dân tộc (chủ yếu Khmer) lâm vào cảnh nghèo, nhưng trong đó cơ bản là do thiếu đất canh tác và đất ở. Nguyên nhân thiếu đất chung quy cũng vì nghèo mà nhiều hộ phải cầm cố, rồi không có khả năng chuộc lại nên đành bán luôn, đi làm thuê kiếm tiền mưu sinh qua ngày. Thân phận làm thuê lang bạt nay đây mai đó, không có điều kiện làm nhà kiên cố, nên nhiều hộ từ bao đời nay đành cam chịu sống trong những căn nhà lá, nói chính xác hơn là những túp lều tuềnh toàng tạm bợ. Trước thực trạng ấy, có thể nói việc triển khai thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ – TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ (CT 134), về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ nghèo dân tộc thiểu số trong hơn 10 năm qua thực sự đã cứu giúp, tạo cơ hội cho hàng vạn đồng bào dân tộc Khmer, Chăm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhờ được hỗ trợ đất sản xuất, nhiều hộ đồng bào Khmer Trà Vinh đã chuyên canh trồng cây đậu phộng (lạc) đem lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo, làm giàu
Nhìn chung, bức tranh tổng thể của CT 134 ở các tỉnh ĐBSCL, nhất là những tỉnh tập trung đông đảo đồng bào dân tộc Khmer sinh sống lâu đời như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã thực sự khởi sắc. Đây thực sự là một chương trình mang tính nhân văn rất sâu sắc, được đông đảo cộng đồng xã hội hưởng ứng, tích cực đóng góp sức người, sức của để triển khai thực hiện hiệu qủa. Tuy nhiên, do thực tế khó khăn về quỹ đất, nên hầu hết các tỉnh mới chỉ tập trung giải quyết tốt, xóa cơ bản những căn nhà tạm bợ cho những hộ dân tộc nghèo được an cư để lập nghiệp. Để làm được điều ấy, mỗi tỉnh đều có những sáng tạo riêng trong triển khai vận dụng chính sách vào hoàn cảnh thực tế của địa phương mình. Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo khó khăn về nhà ở cao, Trà Vinh coi chương trình xóa nhà tạm bợ là một trong những mục tiêu quan trọng, nhằm giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2004, qua khảo sát thực tế, tỉnh đã phê duyệt dự án hỗ trợ hàng chục ngàn căn nhà cho hộ nghèo theo CT 134 của Chính phủ, qua nhiều năm thực hiện liên tục đến nay đã có hàng chục ngàn hộ được hưởng lợi, cơ bản xóa nhà tạm bợ cho những hộ Khmer nghèo, khó khăn về nhà ở. Ngoài ra,Chương trình cũng hỗ trợ nhà ở cho hộ người Kinh nghèo sống xen kẽ trong vùng dân tộc Khmer chính bằng cách áp dụng chính sách linh hoạt, phù hợp với đặc thù của Trà Vinh, nhằm xóa đi sự so bì, tạo không khí thân thiện đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng dân cư. Ngoài hỗ trợ về nhà ở, dự án cấp nước sinh hoạt cũng đã được tỉnh xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng hàng chục trạm cấp nước, lắp đặt hàng ngàn đồng hồ mới, lu chứa nước, lồng ghép hàng ngàn đồng hồ từ các trạm có sẵn, để cho hàng chục ngàn hộ được hưởng lợi.
Khu nhà ở vượt lũ của chương trình 134 tại làng Chăm ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang)
Tương tự như cách làm của Trà Vinh, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, cả cộng đồng cùng chung tay góp sức, các tỉnh như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang…đều là những địa phương thực hiện hiệu qủa CT 134, đã cơ bản xóa nhà tạm bợ cho những hộ dân tộc nghèo. Từ 2004 đến nay, tại các địa phương kể trên, mỗi năm có hàng ngàn hộ gia đình dân tộc Khmer và một số hộ đồng bào Chăm (chủ yếu ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang) được sống trong những căn nhà mới khá kiên cố, với cột đúc bê tông cốt thép, mái lợp tôn, nền lát gạch, hoặc tráng xi măng sạch sẽ… Đối với những hộ dân tộc nghèo, bao đời sống trong những căn nhà lá tạm bợ, đó thực sự là một ngôi nhà mơ ước của đời họ.
Hiệu qủa cụ thể mà CT 134 đem lại cho những người được hưởng lợi, truớc mắt và về lâu dài đó chính là sự an cư, để yên tâm lập nghiệp vươn lên đổi đời. Gia đình ông Trang Huy (Khmer), ở khóm 7, phường 8, thị xã Trà Vinh (Trà Vinh); hay gia đình chị Ram Lah (Chăm) ở ấp Phũm Soài, xã Phong Châu, huyện Tân Châu (An Giang) là 2 ví dụ điển hình, trong hàng chục ngàn số phận người nghèo được đổi đời từ ngôi nhà mơ ước ấy. Đối với gia đình chị Ram Lal, từ khi được hỗ trợ đất ở, tiền xây dựng nhà trong cụm tuyến dân cư vượt lũ, thoát khỏi cảnh bao năm chạy lụt, lại được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để phát triển nghề thêu, may hàng thổ cẩm truyền thống xuất khẩu thì không chỉ thoát nghèo mà còn đang vươn lên làm giàu.
Hiện nay cơ sở thêu, may của chị đang được mở rộng và hàng xuất khẩu ổn định theo đơn đặt hàng từ Malaysia, nên không chỉ giải quyết việc làm thường xuyên cho gia đình mà còn thu hút thêm một số lao động nữ trong cộng đồng người Chăm tại địa phương. Chị bày tỏ, nếu không có sự hỗ trợ của CT 134, có lẽ cả đời chị mơ cũng không có được một ngôi nhà khang trang và công việc làm ổn định như ngày nay. Đó cũng là tâm trạng, niềm phấn chấn và lời bày tỏ của rất nhiều người nghèo khi được hưởng lợi từ CT 134 mà chúng tôi từng gặp gỡ tiếp xúc.