THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:15

An Giang: Dạy nghề thiết thực cho đồng bào thiểu số thoát nghèo

 

Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, Sở LĐ –TB & XH tỉnh An Giang, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở làm công tác chuyên trách ở địa phương. Thông qua đó, nhằm tuyên truyền sâu rộng bằng hình thức phát tờ rơi, tờ bướm in bằng 2 thứ tiếng (Việt và Khmer) về mục đích, ý nghĩa, các chính sách, chế độ hỗ trợ theo QĐ 1956 của Thủ tướng Chính phủ đến các tầng lớp đồng bào DTTS. Cách làm thiết thực này đã đem lại hiệu quả rõ rệt ở các huyện có đông đồng bào DTTS, giúp họ hiểu rõ rằng, muốn tăng thu nhập để cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo cần có tay nghề, việc làm ổn định; phải có kiến thức về khoa học, kỹ thuện tiên tiến, phương pháp canh tác, chăn nuôi mới để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Song song với công tác tuyên truyền, tỉnh đã nỗ lực hỗ trợ kinh phí cho huyện điểm miền núi có đông đồng bào DTTS, để đẩy mạnh công tác dạy nghề thiết thực phù hợp với điều kiện của địa phương. Đó là mở các lớp dạy về kỹ thuật chăn nuôi bò cho hàng trăm lao động ở các huyện: An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành. Đây là số lao động nông thôn đang sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, với mỗi lao động có thể nuôi từ 2 – 3 con bò, sau 6- 8 tháng bán bò thịt, trừ chi phí mỗi con bò có lãi khoảng từ 9 – 10 triệu đồng/con, bình quân người lao động có thêm thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng.

 

 Ngày càng có nhiều phụ nữ Chăm theo học nghề dệt thổ cẩm, thêu ren tại các làng nghề truyền thống,để vươn lên thoát nghèo 

Bên cạnh đó, các lớp dạy về kỹ thuật trồng rau an toàn cũng thu hút hàng trăm lao động DTTS tham gia, với tỷ lệ có việc làm và tự tạo được việc làm sau khóa học đạt trên 60%.  Thông qua các lớp dạy nghề người lao động đã được phổ biến kiến thức khao học, phương pháp canh tác mới, kỹ thuật tiên tiến giúp họ giảm rủi ro và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác và lợi nhuận. Nhờ đó, những lao động đầu tư trồng rau màu sau các khóa học đạt thu nhập từ 1,8  – 2 triệu đồng/người/tháng. Đối với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Khmer rất phù hợp với lao động nữ DTTS, nên tiếp tục được truyền dạy ở địa phương. Riêng tại huyện Tịnh Biên đã dạy cho hàng chục người, thu nhập tăng thêm ngoài làm nông nghiệp từ 1 – 1,2 triệu đồng/người/tháng.

 

Lao động nữ Khmer ở các huyện Tri Tôn,Tịnh Biên theo học nghề dệt thổ cẩm truyền thống, có việc làm ổn định tăng thu nhập cải thiện đời sống.   

 Đặc biệt các lớp dạy nghề xây dựng dân dụng thu hút hàng ngàn lao động thanh niên ở các huyện: Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn tham gia. Sau các khóa học, có khoảng 55% lao động có việc làm, tự tạo được việc làm trong tỉnh và khoảng 25% lao động tìm được việc làm ở ngoài tỉnh, với thu nhập bình quân từ 2,4 – 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đối với các mô hình thuộc nhóm nghề nông nghiệp, sau khóa học người lao động chủ yếu tự tạo việc làm tại chỗ, đồng thời chính quyền địa phương và đoàn thể giới thiệu vay vốn, tư vấn phương pháp làm ăn, để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Có thể nói công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vùng DTTS của tỉnh An Giang đang được đầu tư đẩy mạnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh, các huyện, thị xã có đông đồng bào DTTS đều có trường, trung tâm dạy nghề. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Bộ LĐ – TB & XH, từ 2009 tỉnh đã khởi công xây dựng Trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú, đặt tại xã Núi Tô, huyện Tri Tôn và đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2011. Từ đó đến nay hàng năm Trường đã tuyển sinh đào tạo nghề trình độ trung cấp nghề cho hàng trăm  học sinh và hàng ngàn học viên tham gia học nghề theo Quyết định số 74/ TTg  của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và dạy nghề cho lao động Khmer nói riêng.,/.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh