Đón Tết tại công trường Formosa
- Dược liệu
- 12:49 - 15/02/2015
Ấm tình ngày Tết
Trên công trường Khu liên hợp gang thép Formosa, có trên 2.000 công dân Trung Quốc, hơn 450 công dân Đài Loan (Trung Quốc) và hàng trăm công dân Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... cùng ở lại chung vui đón Tết Nguyên đán Ất Mùi với cán bộ công nhân viên Việt Nam và người dân địa phương.
Để đảm bảo một cái Tết đầm ấm, vui tươi, chủ đầu tư Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã mở hai cổng lớn phía mặt tiền thông qua Quốc lộ 1A, suốt 24/24 giờ để đón các tổ chức đoàn thể, người dân địa phương tới chúc Tết.
Áp Tết, Công ty còn đặt bánh chưng và tăng thêm thực đơn nhiều món ăn ngon cho cán bộ, nhân viên, lao động ở lại công trường dịp Tết. Những món ăn cổ truyền của Trung Quốc như: Cá chép chiên hấp, chân giò lợn hầm, các món bánh lúa búa cao...
Ông Từ Chí Hào, Trưởng bộ phận ngoại giao của FHS rất tự hào nói về món bánh lúa búa cao Đài Loan quê ông. Ông Hào bảo, như bánh chưng của Việt Nam, đây là loại bánh tượng trưng cho đất trời vạn vật, có xuất xứ từ hàng nghìn năm trước, được làm từ củ cải trộn với thịt lợn và bột gạo.
Bánh có hình tròn to giống như cái hông xôi, trên thân bánh có chữ Cao, ý muốn thể hiện rằng đời sống vật chất, tinh thần, và sức khỏe mọi thành viên trong gia đình luôn được tiến tới ngày một cao hơn!
Hiện, các hạng mục công trình do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm đang gấp rút hoàn thành, do vậy đội ngũ lao động Trung Quốc ở lại vào dịp Tết năm nay cũng chiếm số lượng đông nhất.
Đó là lý do mà đến ngay cả Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DIS và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thượng Hải Baoye, sang Vũng Áng để động viên kỹ sư, lao động và cùng ăn Tết, đón Xuân với họ.
Lao động Trung Quốc đến từ tỉnh Tứ Xuyên, Vũ Hán, Chiết Giang... mỗi vùng miền đều có những phong tục sinh hoạt tập quán khác nhau. Để tăng thêm khẩu phần ăn cho cán bộ, công nhân những ngày đón Tết, các công ty của Trung Quốc đã lên kế hoạch cho nhà bếp chuẩn bị trước hàng tháng, cùng với các món ăn ngày Tết của người Việt, còn bổ sung thêm nhiều món ăn cổ truyền của quê hương họ như: Chả nướng, cá chiên và bánh xuối cảo và các loại bánh kẹo hoa quả khác...
Một góc Khu liên hợp gang thép Formosa.
Chiều 30 Tết, tất cả lao động nước ngoài và Việt Nam... cùng tổ chức mâm cơm tế tạ đất trời, tổ tiên ông bà rồi quây quần bên nhau uống chén rượu tất niên, trò chuyện trút đi bao bộn bề lo toan của năm cũ.
Đón giao thừa, nhiều nhóm lao động ở cùng phòng, kê tạm những chiếc ban thờ đặt trên đầu tủ, thắp hương cầu xin những điều tốt lành cho năm mới, bồi hồi nhớ về quê hương, bản quán, người thân.
Anh FanZúng quê Vũ Hán, làm việc tại Công ty MCC 19 -Tập đoàn DIS (Trung Quốc) tâm sự: Mặc dù rất nhớ nhà, nhưng do tính chất công việc nên anh cùng nhiều người được bố trí ở lại. Các chế độ thưởng Tết đều được công ty và tập đoàn lo chu tất, nên chẳng phải bận tâm.
Dịp Tết, anh tranh thủ điện thoại chúc Tết gia đình, bạn bè người thân. Anh Fan Zúng bảo, nếu có thời gian sẽ ra ngoài tham gia các trò vui chơi dân gian ở các làng quê xung quanh, Tết cổ truyền của Việt Nam thật vui, người dân cởi mở, thân thiện và mến khách.
Tín hiệu vui đầu năm
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư Công ty THNH Hưng Nghiệp Formosa đang tập trung hoàn thiện một số hạng mục quan trọng như:
Lò cao I và lò cao II (do Tập đoàn DIS Trung Quốc thi công); xưởng cán nóng (Tập đoàn Thượng Hải Baoye thi công); Nhà máy nhiệt điện Formosa gồm 5 tổ máy (Công ty Điện lực 3, Tập đoàn Điện lực Trung Quốc thi công).
Công nhân Trung Quốc làm việc tại công trường trong dịp Tết.
Phần lò cao số I, lò cao số II và một tổ máy của nhà máy nhiệt điện sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2015. Các xưởng cán nóng, xưởng cán dây, các tổ máy nhiệt điện và nhiều hạng mục công trình khác thuộc hệ thống cầu cảng Sơn Dương... sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016.
Riêng dự án Khu liên hợp gang thép và cụm cảng nước sâu Sơn Dương được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I, từ 2010-2016 gồm có: 11 bến cảng có năng lực bốc xếp 16 triệu tấn/năm; các lò luyện cán thép có công suất 7,5 triệu tấn/năm... tổng giá trị đầu tư giai đoạn I trên 10 tỷ USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã giải ngân được 850 tỷ USD, tương đương khoảng 85% khối lượng công việc đã hoàn thành. Riêng phần thiết bị đã nhập khẩu đầy đủ, đang được các nhà thầu tiến hành lắp ráp, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra.
Tổng hai giai đoạn đầu tư hơn 22,5 tỷ USD, nâng công suất 22,5 triệu tấn thép/năm; hoàn thành xong 32 bến cảng, bốc xếp 84 triệu tấn/năm.Anh A Zue quê ở tỉnh Chiết Giang, công nhân Công ty MCC 5,Tập đoàn DIS phấn chấn: “ Tôi và một số đồng nghiệp đã hoàn thành phần công việc được giao, được lãnh đạo công ty cho phép về quê ăn Tết, tôi rất mừng, gọi điện về cho mẹ già ở quê nhà.
Lúc này tâm trạng tôi cũng rất bâng khuâng, bởi nhiều người bạn thân trong công ty ở lại tiếp tục công việc. Để tận hưởng không khí ngày Tết đang ngập tràn trên đất nước Việt Nam, tôi quyết định chọn về quê bằng đường bộ, lên xe khách đi từ Vũng Áng qua cửa khẩu Móng Cái...”
Đã nhiều cái Tết đi qua trên Khu kinh tế Vũng Áng, nhưng có lẽ chưa có cái Tết nào rộn rã vui tươi và ấm áp như Tết Ất Mùi này. Một phần là lần đầu tiên Hà Tĩnh, từ một tỉnh nghèo đã vươn lên vào tốp 9 tỉnh, thành về thu ngân sách (đạt trên 12.000 tỷ đồng); từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, Hà Tĩnh đang trở thành địa phương phát triển theo hướng công nghiệp-dịch vụ, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ nước ngoài, mà tiêu biểu đó chính là Khu kinh tế liên hợp Vũng Áng.
Khó hình dung mới ngày nào, dưới chân đèo Ngang còn là một triền cát mênh mông những xóm chài nghèo. Giờ đây, Khu kinh tế Vũng Áng đang trở thành một điểm sáng của kinh tế - xã hội khu vực miền Trung.
Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Năm 2014 vừa qua, dù ở đây đã xảy ra sự cố đáng tiếc do một số phần tử xấu gây nên, làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công của công trình. Nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, sự hợp tác từ các công ty, doanh nghiệp, nhà thầu của Đài Loan (Trung Quốc), hiện nay mọi thứ đã đi vào ổn định, tiến độ công trình sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động đúng kế hoạch đề ra. |