"Dọn đường" để đưa ngành dịch vụ logistics cất cánh
- Tây Y
- 12:52 - 02/05/2016
Bốc dỡ hàng tại cảng Quốc tế Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để kinh tế Việt Nam có giá trị cao hơn, trước tiên phải tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, giá trị cạnh tranh và ngành logistics hiệu quả. Đồng thời, cần phải có giá trị gia tăng cung ứng ra thế giới, tăng cường hội nhập trong lĩnh vực cảng biển.
Nghẽn dòng dịch chuyển
Thừa nhận những điểm yếu sau khi hội nhập của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định mặc dù logistics đang trở thành ngành dịch vụ quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế nhưng năng lực cạnh tranh thương mại trong logistic của Việt Nam còn yếu.
Điều này thể hiện ở chuỗi cung ứng hàng hóa chưa tạo giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ thấp. Hơn nữa, thủ tục, quy định về thương mại biên giới và đặc biệt là hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics chưa được quan tâm.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước phải chịu các loại phí cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Vì vậy, thách thức đặt ra với Việt Nam là gia tăng thâm hụt thương mại, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ thấp. Việc nâng cao các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và thương mại sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy xuất khẩu các ngành mũi nhọn của Việt Nam.
Chia sẻ về chính sách pháp luật về logistics tại Việt Nam, ông Bùi Hồng Minh, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) bày tỏ, ở một số nước trên thế giới như Singapore, chi phí logistics chỉ chiếm từ 12-15%. Nhưng ở Việt Nam, con số này lên tới 20% tổng chi phí/đơn vị hàng hóa xuất khẩu.
Không chỉ vậy nguồn nhân lực cho dịch vụ logistics cũng thiếu, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Sự thiếu đồng bộ của các phương thức vận chuyển, thường được gọi là hành lang đa phương thức, đang tạo ra sự tắc nghẽn dòng dịch chuyển logistics, làm tăng chi phí và hạn chế sự phát triển của ngành này toàn diện trên phạm vi cả nước. Điều này đang làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Từ những nguyên nhân này, ông Minh cho rằng Việt Nam cần cải cách thể chế ở tầm vĩ mô, tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và tạo cạnh tranh với các quốc gia khác. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có chính sách tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thị trường hàng hóa chưa đa dạng, đòi hỏi cần có cách thức mới để tạo cạnh tranh thương mại toàn cầu cho hàng hóa.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, cho hay chi phí logistics tại Việt Nam hiện cao hơn 10% so với các nước là vấn đề rất nghiêm trọng. Khiếm khuyết chính hiện nay là việc vận hành hệ thống cảng của Việt Nam chưa hợp lý, có những cảng đang quá tải trong khi một số cảng chưa khai thác hết tiềm năng.
Sự bất hợp lý đó đã khiến doanh nghiệp phải vận chuyển hàng hóa đến các khu vực cảng ở xa để xuất hàng, làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh và gây kẹt xe nghiêm trọng. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tải trọng cầu và tải trọng đường không khớp với nhau, gây khó cho vận chuyển hàng hóa, nhất là tại tuyến đường ra vào cảng.
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều ký hợp đồng nhập khẩu theo giá CIF và xuất khẩu theo giá FOB, nên hàng hóa xuất nhập khẩu đều do các hãng tàu nước ngoài vận chuyển. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài rất ít chọn các doanh nghiệp trong nước để vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa. Do vậy, một khoản chi phí rất lớn cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đã được trao cho các doanh nghiệp nước ngoài (khoảng 17 tỷ USD/năm).
Nếu như ký hợp đồng mua theo điều kiện FOB thì doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đã có thể đem nguồn thu hàng tỷ USD tiền vận tải về cho đất nước.
Không chỉ yếu về năng lực, ngành logistics Việt Nam còn yếu về hạ tầng, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổng giám đốc Market Việt Nam, cho biết ngành vận tải biển đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như tăng trưởng nhu cầu của thị trường trên toàn cầu có dấu hiệu chững lại, dự kiến năm 2016 sẽ chỉ tăng từ 3-4%. Trong khi đó, nguồn cung lại không ngừng gia tăng, dẫn đến mất cân bằng cung cầu và tạo áp lực về giá cho vận tải biển.
Củng cố thị phần
Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, kinh tế nói chung, xuất khẩu nói riêng của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh. Điều này thúc đẩy nhu cầu lưu thông hàng hóa nội địa và quốc tế, gia tăng nhu cầu thuê ngoài quản lý chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường khai thác cảng và cung cấp các dịch vụ logistics liên kết với doanh nghiệp thuê ngoài (dịch vụ 3PL)...
Rõ ràng, tiềm năng lĩnh vực logistics tại Việt Nam rất lớn. Trước thực tế này, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng Kế hoạch hành động “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.”
Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước có dịch vụ logistics phát triển hàng đầu thế giới; rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa, giảm chí phí logistics về mức 19% trong tổng chi phí sản xuất (hiện tại 25%); phát triển dịch vụ logistics góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, cải cách hành chính, tái cấu trúc hoạt động sản xuất và thương mại của doanh nghiệp; hình thành doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh quốc tế; xây dựng trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước…
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa ra, Bộ Công Thương đã đề ra năm nhóm giải pháp tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng logistics. Đặc biệt, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền cho các chủ hàng sử dụng logistics theo hướng chuyên môn hóa, thay đổi tập quán xuất nhập khẩu mua CIF-bán FBO để tránh phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới là cơ hội để phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics. Muốn vậy, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải biển phải liên kết, đứng cùng chiến tuyến với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nỗ lực tư vấn, cung cấp giải pháp tối ưu, tin cậy, đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Đây cũng chính là bước chuẩn bị quan trọng để củng cố và gia tăng thị phần vận tải biển, logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương sắp tới cũng như mở rộng thị trường này theo cam kết của hội nhập quốc tế./.