THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:50

Đổi tiền mới Tết Đinh Dậu: Ngân hàng than khó, "chợ đen" chặt chém

 

Ngân hàng "khan" tiền mới
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, chưa năm nào các ngân hàng lại "khan" tiền mới các mệnh giá nhỏ từ 50.000 đồng trở xuống như dịp Tết Định Dậu 2017 này. Khảo sát chiều ngày 19/1 của Dân trí cho thấy, không chỉ khách vãng lai, đến cả khách hàng thân thiết, khách VIP của nhiều ngân hàng cũng về "tay không" khi có nhu cầu đổi tiền mới nguyên seri mệnh giá nhỏ.
Trong vai người dân đến đổi tiền mới tại BIDV, Sacombank, SHB..., nhân viên tại quầy giao dịch các ngân hàng này cho biết: Năm nay các loại tiền mới 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng nguyên seri rất khan hiếm, hầu như không có. Ngược lại, tiền mới nguyên mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng khá nhiều.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ các ngân hàng khan hiếm tiền mới mệnh giá nhỏ để đổi cho khách hàng là do chủ trương hạn chế in tiền mới, tăng cường sử dụng các loại tiền đã qua lưu thông nhằm góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam đồng thời tiết kiệm chi phí xã hội và nhận được sự đồng thuận của người dân.
"Chợ đen" tung hoành
Trong khi đổi tiền lẻ, tiền mới tại các ngân hàng rất khó, thì tại thị trường "chợ đen", đặc biệt là trên facebook dịch vụ "đổi bao nhiêu tiền cũng đáp ứng hết" mặc sức tung hoành.

Tại một số điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội), tiền mới nguyên seri mệnh giá 50.000 đồng, một thếp tiền 5 triệu đồng sẽ bị "ăn chênh" 300.000 đồng. Đặc biệt, điểm đổi tiền này cho biết, tiền mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng khan hiếm hơn và phí đổi tiền cũng "chát" hơn, khách có nhu cầu họ mới lấy về chứ không có sẵn tiền.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, năm nay các điểm đổi tiền mới, tiền lẻ trên thị trường này phục vụ khá nhiều các loại tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông 90%, tức là tiền còn mới đến 90% so với tiền nguyên seri. Mức phí đổi tiền mới 90% cũng "mềm" hơn, đơn cử với tiền 50.000 đồng, một thếp 5 triệu đồng sẽ "ăn chênh" 280.000 đồng.
Trao đổi với một điểm đổi tiền trên facebook, vị này cho biết, các loại tiền mới mệnh giá nhỏ từ 50.000 đồng trở xuống đều có nhưng "càng nhỏ phí đổi càng đắt". Ví dụ, 1 thếp tiền 10.000 đồng, người cần đổi tiền mất thêm 220.000 đồng; 1 thế tiền 20.000 đồng mất phí đổi 300.000 đồng và thếp tiền 50.000 đồng mất phí đổi 300.000 đồng...
Còn với các loại tiền mệnh giá nhỏ hơn từ 5.000 đồng trở xuống, các mệnh giá càng thấp thì phí đổi tiền càng "chát", thậm chí tăng đến 30-40% trên tổng số tiền cần đổi...

 

Nghiêm cấm cán bộ ngân hàng tiếp tay đổi tiền hưởng chênh lệch
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng "tuyệt đối không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Đây là năm thứ tư liên tiếp, NHNN thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết. Trong đó, năm 2013, ngành ngân hàng không in tiền mới mệnh giá 500 đồng; năm 2014 là tiền 1.000 - 2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng.
Tại cuộc họp báo ngày 4/1, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2017, NHNN sẽ tiết giảm được chi phí phát hành tiền khoảng gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức chi phí tiết kiệm từ khi thực hiện chủ trương này lên đến 1.900 tỷ đồng.
Đặc biệt, Thống đốc NHNN "nghiêm cấm cán bộ NHNN, TCTD lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên địa bàn và xử lý kỷ luật nghiêm trường hợp cán bộ vi phạm", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh