Đối thoại về lao động và bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp Hàn Quốc
- Bài thuốc hay
- 15:52 - 10/08/2018
Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ ngoại giao ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đi vào chiều sâu, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược”. Trong lĩnh vực lao động, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã tuyển dụng và sử dụng khoảng 700.000 lao động trên toàn quốc, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và phát triển nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về lao động, đồng thời đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống như tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực theo hướng thị trường gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; tăng kết nối thông tin và dự báo thị trường lao động; tập trung các giải pháp nâng cao năng suất lao động theo ngành nghề và từng doanh nghiệp…
Toàn cảnh Hội nghị
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc đang sử dụng nguồn lao động Việt Nam lên tới 1 triệu người. Vì vậy, việc thường xuyên đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, chủ các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới những chính sách sẽ được sửa đổi trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi) và chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, quy định tổng số giờ làm thêm tối đa mỗi năm 200 giờ và 300 giờ trong những trường hợp đặc biệt hiện nay là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… Đồng thời, chủ doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bày tỏ băn khoăn về các khoản tiền lương, phụ cấp để tính đóng BHXH bắt buộc. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, tiền lương dựa trên cơ sở thương lượng và thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động tới, quy định khoảng cách 5% giữa các bậc lương sẽ dần dần bị bãi bỏ. Nhà nước sẽ dần hạn chế can thiệp vào tiền lương của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định khoảng cách 5% giữa các bậc lương sẽ dần dần bị bãi bỏ. Tiền lương phải dựa trên nguyên tắc thỏa thuận của kinh tế thị trường.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết thêm, theo quy định hiện hành, tiền lương trong doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương phải ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường. Quy định này, theo nhiều doanh nghiệp, can thiệp vào quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của họ. Do đó, trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động có đưa ra một số nội dung mới liên quan tới tiền lương. Theo đó, tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu sẽ bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế xã hội. Trong khi quy định hiện nay, tiền lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Bên cạnh đó, chủ các doanh nghiệp cũng quan tâm tới các chính sách, quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; các quy định dành cho lao động nữ khi mang thai và sinh con... Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cũng giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về cách tính đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ gồm 4 khoản: Mức lương theo công việc hoặc chức danh; phụ cấp lương; khoản bổ sung khác; các chế độ và phúc lợi khác. Trong thời gian tới, sẽ định hướng sửa đổi quy định này tính tiền lương trên cơ sở tỷ lệ tổng thu nhập của người lao động làm căn cứ tính đóng BHXH. Hội nghị cũng là dịp để Bộ LĐ-TB&XH nắm bắt các vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc trong quá trình áp dụng pháp luật để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, tranh chấp lao động, thỏa ước lao động tập thể, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công…