CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:47

Sôi động và thẳng thắn

 

Nhìn nhận tích cực hơn nữa về vị trí, vai trò của trẻ em

Phát biểu khai mạc phiên đối thoại, ông Đào Trọng Thi cho biết, thời gian qua, các địa phương đã tổ chức thành công Diễn đàn trẻ em các cấp với những vấn đề được các em tham gia thảo luận. Tại phiên đối thoại chính thức, các em được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, bày tỏ ý kiến với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể hữu quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu khai mạc phiên đối thoại

 

“Các em đại diện cho hơn 26 triệu trẻ em trong cả nước mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi, thảo luận, đóng góp các ý kiến thiết thực và sâu sắc. Ban tổ chức Diễn đàn sẽ tổng hợp các khuyến nghị và thông điệp của các em để báo cáo Quốc hội, Chính phủ và gửi đến các bộ, ngành, cơ quan hữu quan để nghiên cứu, giải quyết, thực hiện. Tôi kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan hữu quan; cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các địa phương; các lực lượng xã hội nhìn nhận tích cực hơn nữa về vị trí, vai trò của trẻ em, quyền trẻ em nói chung và quyền tham gia của trẻ em nói riêng. Giúp trẻ em có điều kiện tốt nhất để thực hiện quyền của mình và có những đóng góp tích cực cho đất nước phù hợp với từng lứa tuổi”, Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Tiểu phẩm do các em tham dự Diễn đàn trình diễn

Tại phiên đối thoại, các em đã mạnh dạn nêu lên nhiều vấn đề đang được quan tâm theo 4 nhóm chủ đề: Quyền tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng pháp luật; quyền tham gia của trẻ em trong gia đình; quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường; quyền tham gia của trẻ em trong cộng đồng. Năm nay, ban tổ chức đã có nhiều thay đổi về hình thức để buổi đối thoại. Theo đó, trước mỗi chủ đề thảo luận các em diễn vở kịch nêu lên thực trạng để các đại biểu cho ý kiến, sau đó các em nêu câu hỏi, khuyến nghị để lãnh đạo các bộ ngành trả lời.

Nhiều vấn đề nổi cộm về giáo dục

Tại phiên đối thoại, rất nhiều ý kiến của các em phản ánh thực trạng dạy và học trong nhà trường. Em Nguyễn Thành Minh – Quảng Nam cho rằng hiện nay, tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng ảnh hưởng sức khỏe tâm lý trẻ em. Các bạn khuyết tật hay có hoàn cảnh đặc biệt vẫn bị kỳ thị khi đến trường, vậy có biện pháp nào để can thiệp? Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho rằng, thực trạng bạo lực học đường thời gian qua vẫn còn diễn ra. Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương. Để xảy ra tình trạng bạo lực học đường trước hết là trách nhiệm của ngành giáo dục. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề lại cần sự vào cuộc của nhiều tổ chức đoàn thể và gia đình, chính quyền.

Thứ trưởng cho rằng “Bạo lực không chỉ trách nhiệm nhà trường mà bản thân các em cũng phải có ý thức. Các em phải biết bảo ban, yêu thương nhau. Học sinh biết yêu thương nhưng chưa biết căm giận. Xem clip các em đánh nhau, tôi đau lòng không chỉ học sinh bị hành hạ mà các em xung quanh đứng xem, cười. Đây là điều không thể chấp nhận được. Phải rèn luyện con người biết yêu thương và căm giận. Mong các em cùng chúng tôi có những suy nghĩ, hành động để chung tay tìm biện pháp chấm dứt tình trạng này”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi các em

 

Em Như Ý đến từ  Đà Nẵng cho biết, hiện nay tình trạng thầy đọc trò chép vẫn diễn ra tại nhiều nơi đã làm hạn chế tương tác thầy cô và học sinh. Vậy có biện pháp gì để giải quyết ? Em Nguyễn Hữu Thành  tỉnh Đắk Nông cho rằng hiện nay có rất ít lớp dạy ngọai khóa và kỹ năng sống cho các em. Trong khi đó, một em nhỏ đến từ Long An  phản ánh, hiện nay có nhiều bạn hoc sinh cá biệt, dù nhà trường có nhiều biện pháp cảnh cáo, phạt nhưng có nhiều bạn còn trở nên hư hơn, vậy phải làm sao?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Học thụ động hiện nay đang có những thay đổi, mô hình trường tiểu học mới: học theo nhóm, tự trao đổi, thầy chỉ nêu vấn đề, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Thầy dạy thụ động trước hết phải xem lại phương pháp giảng dạy của thầy. Vấn đề cốt lõi là phải đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá thi cử, kiểm tra chất lượng đầu ra. Cần phải đổi mới nội dung ra đề và các em tự thấy như thế là thụ động thì các em cần chủ động hơn. Kỹ năng sống của một số em còn hạn chế. Thời lượng học kỹ năng sống trên lớp chưa nhiều, vì thế các trường cần chủ động lồng ghép kỹ năng sống vào các môn học, buổi ngoại khóa. Đồng thời, các em nên chủ động tìm hiều qua sách báo. Các em cần chủ động tích cực hơn  để giải quyết vấn đề trước mắt.

Các em tự tin tham gia đối thoại

 

Áp lực học thêm vẫn còn tồn tại, trong lớp có học sinh yếu kém thì học sinh vẫn phải học thêm hoặc các em học sinh tốt cũng cần phụ đạo để giỏi hơn. Bộ GD&ĐT chỉ cấm những hành vi bắt buộc học thêm vì tiền. Có rất nhiều em đỗ cao ở trường ĐH là học sinh vùng sâu vùng xa, các em không hề được đi học thêm buổi nào. Tình trạng học sinh cá biệt tăng lên, cần có những biện pháp chuyên môn, coi các em như con của mình mới có thể cảm hóa được trẻ. Các em cũng cần tìm những điểm tốt để động viên khuyến khích, giúp các bạn nhận thức và điều chỉnh hành vi.

 

Trẻ em có quyền tham gia xây dựng pháp luật

Em Đinh Thị Thùy Vân (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Từ trước đến giờ các bác có lấy ý kiến của trẻ em khi đưa ra quyết định về luật pháp chưa? Nếu chưa thì tại sao các bác không làm thế? Các bác có nghĩ là ý kiến của trẻ em quan trọng hay không? Và ý kiến của trẻ em có tác động đến quyết định của các bác không?”

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho rằng: Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em có lấy ý kiến của trẻ tuy nhiên chưa thật sự quan tâm nhiều. Bởi, theo quan niệm xây dựng pháp luật rất khó và chưa thật sự tin vào khả năng của các em. Tuy nhiên, tôi lại hoàn tin vào khả năng của các em, các ý kiến đóng góp của các em về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến các em chắc chắn sẽ thuyết phục hơn là người lớn viết chính sách cho các em.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em Bộ LĐ-TB&XH rất quan tâm đến ý kiến của các em. Từ năm 2012, Bộ đã lấy ý kiến đóng góp của các em để sửa Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em qua nhiều kênh: Qua Internet, qua tổng đài tư vấn 18001567, qua phát mẫu câu hỏi và phỏng vấn trực tiếp. Những ý kiến của các em đã được ban soạn thảo tiếp thu để điều chỉnh đưa vào Luật nhằm đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho các em.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng lan phát biểu kết luận phiên đối thoại

 

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho rằng các em là công dân và các em có quyền tham gia ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật phải lấy ý kiến của những đối tượng chịu tác động của văn bản đó. “Những ý kiến của các em tại Diễn đàn cũng chính là các ý kiến của cử tri muốn gửi đến Quốc hội. Vì thế, qua buổi đối thoại này, chúng tôi hiểu hơn về những tâm tư, nguyện vọng cũng như những kiến nghị các cử tri nhỏ tuổi. Vì vậy, rất mong các em chủ động phản ánh thực trạng cũng như các kiến nghị”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Các em nhỏ gửi khuyến nghị đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội

 

Phát biểu kết luận phiên đối thoại chính thức của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ IV, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhận xét, phiên đối thoại đã diễn ra sôi động và thẳng thắn. Các vấn đề về quyền tham gia của trẻ em đã được các em trình bày sinh động qua các đoạn kịch, hình vẽ, cây vấn đề. Các sản phẩm này chứng tỏ các em đã làm việc và thảo luận nghiêm túc về các quyền tham gia của mình ngay từ các Diễn đàn địa phương và mang về Diễn đàn quốc gia đầy đủ mong đợi, khuyến nghị, ước mơ của các bạn mình để các quyền trẻ em, đặc biệt là các quyền tham gia, được thực hiện ngày càng tốt hơn. Lãnh đạo Ủy ban, Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, tổ chức tham dự phiên đối thoại cũng đã thảo luận, giải đáp cho các em một cách thẳng thắn về những vấn đề các em quan tâm.

 

Kết thúc Diễn đàn, các em đã gửi các khuyến nghị đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội:

Ở gia đình, cha mẹ cần nâng cao kiến thức về quyền của trẻ em đặc biệt là quyền tham gia

Ở nhà trường, các em mong muốn lãnh đạo, thầy cô giáo tạo điều kiện và hỗ trợ để trẻ em có thể giao lưu, kết bạn và hòa đồng với nhau

Ở cộng đồng, các em mong muốn đổi mới truyền thông về quyền trẻ em

Trong xây dựng luật pháp, chính sách có các quy định pháp luật về việc trẻ em được người lớn lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng nguyện vọng của trẻ em

Vân Khánh, Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh