THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:29

Đổi tên, sắp xếp các trường y ra sao?

Đổi tên, sắp xếp các trường y ra sao?  - Ảnh 1.

Sinh viên ngành Y khoa, Trường ĐH Y dược TP.HCM trong lễ khai giảng.

Bức tranh trường y

Thống kê sơ bộ, hiện trên cả nước có hơn 50 trường đại học đào tạo các ngành thuộc khối sức khỏe. Trong số đó có hơn 10 trường đại học chỉ đào tạo các ngành thuộc khối sức khỏe. Các trường còn lại có đào tạo 1-2 ngành liên quan tới khối sức khỏe. Ngoài ra, hệ thống đào tạo khối ngành sức khỏe còn có hàng trăm trường cao đẳng, trung cấp…

Có một số trường y khá có tiếng trong cả nước và là điểm nóng mỗi mùa tuyển sinh như ở khu vực phía Bắc có Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Y Thái Bình, Trường ĐH Y dược Hải Phòng… Ở miền Trung có Trường ĐH Y dược Huế và Trường ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng. Khu vực miền Nam có 3 trường là Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y dược Cần Thơ.

Về cơ quan chủ quản, theo Quyết định 246 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ các trường gồm Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Y - dược TP.HCM, Trường ĐH Y Thái Bình; Trường ĐH Y Hải Phòng, Trường ĐH Y tế công cộng, Trường ĐH Y - Dược Cần Thơ, Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, Trường ĐH kỹ thuật y dược Đà Nẵng là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Riêng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương thuộc thẩm quyền quyết định của các Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường CĐ nghề Kỹ thuật Thiết bị Y tế thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội. Một số trường thuộc cơ quan chủ quan là địa phương như Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trực thuộc UBND TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Vinh thuộc UBND tỉnh Nghệ An…

Trường, khoa trực thuộc ĐH vùng như Trường ĐH Y dược Huế trực thuộc ĐH Huế, Khoa Y dược trực thuộc ĐH Thái Nguyên, Khoa Y dược trực thuộc ĐH Đà Nẵng.

Hai khoa trực thuộc ĐH quốc gia như Khoa Y - trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, Khoa Y dược trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Riêng Học viện Quân y trực thuộc Bộ Quốc phòng…

Về đào tạo, các mã ngành đào tạo, đào tạo đại học và hệ thạc sĩ, tiến sĩ là do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Bộ Y tế cũng cấp nhiều mã ngành như bác sĩ nội trú, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2.

Hệ thống trường y Việt Nam không giống thế giới

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, viện Garvan, Úc nhìn nhận hệ thống trường y ở Việt Nam chẳng giống hệ thống nào trên thế giới.

"Càng chẳng giống ai khi có đại học trong đại học. Chuyện phân biệt "đại học" và "trường đại học" là rất buồn cười và có lẽ chỉ là văn hoá đặc thù giáo dục ở Việt Nam" - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho hay, ở Úc hiện không có đại học y khoa riêng lẻ. Tất cả các khoa y đều nằm trong đại học. Ở Mĩ chỉ có một trường y khoa duy nhất giống như Trường ĐH Y Dược TP.HCM là University of California at San Francisco (UCSF) nhưng chỉ có 3.000 sinh viên. Tuy nhiên UCSF chỉ có 4 schools (trường) là y, dược, nha, điều dưỡng. Tuy nhiên University of California at San Francisco là trường top trên thế giới với nhiều giải thưởng Nobel, số giáo sư nhiều hơn số sinh viên và chuyên về nghiên cứu khoa học.

"Vấn đề "trường" (school) hay "phân khoa" (faculty) không quan trọng, vì tuỳ theo văn hoá học thuật địa phương. Ở phương Tây, một đại học có nhiều phân khoa. Phân khoa được dịch là "Faculty" hoặc khi gọi là "College". Một phân khoa có nhiều trường, gọi là "school", và mỗi trường có thể có một số "department" (bộ môn).

Cụ thể như Đại học New South Wales của Úc có một khoa y, và dưới khoa y có nhiều trường như hàng loạt Medical/Clinical School, School of Public Health and Community Medicine, School of Medical Sciences…" - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn khẳng định việc tái tổ chức hệ thống đào tạo y khoa và "health sciences" (khoa học sức khỏe) ở Việt Nam hiện nay là rất khó. Lý do là hệ thống trường y của Việt Nam hiện nay là "di sản" từ thời Pháp, rồi hỗn hợp với Mĩ (trong Nam) và Nga (ngoài Bắc).

Quy hoạch trường y theo hướng nào?

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng muốn quy hoạch, trước hết phải căn cứ vào chính sách phát triển kinh tế xã hội, xác định nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khoẻ nhân dân của ngành y ở các trình độ và ngành đào tạo, để có chiến lược và qui hoạch phát triển nhân lực ngành y.

Đổi tên, sắp xếp các trường y ra sao?  - Ảnh 4.

Đăng ký tuyển sinh ngành y (Ảnh: Tuổi trẻ y dược).

"Hiện nhu cầu bác sĩ ở tuyến xã rất thiếu do đào tạo không đủ và cả do điều kiện làm việc không hấp dẫn. Trong khi chất lượng tuyển sinh vào ngành y với các trường công lập rất cao, chỉ tiêu không nhiều vì đảm bảo chất lượng người tốt nghiệp" - ông Vinh phân tích.

Theo ông Vinh đề xuất, với ĐH nên quy hoạch trường ĐH y theo vùng. Các trường trung cấp, cao đẳng thì quy hoạch theo địa phương cùng các trường trung cấp, cao đẳng khác để hình thành các trường cao đẳng cộng đồng ở đó có khoa y và nhiều khoa khác như một số quốc gia. "Tuy nhiên, việc quy hoạch phải tính đến cả các trường ĐH, Cao đẳng, Trung cấp ngoài công lập có đào tạo ngành y để việc mở ngành, đầu tư tránh chồng chéo, thúc đẩy xã hội hóa trong đào tạo. Với các trường ĐH Y mở rộng các ngành đào tạo, một số ĐH quốc gia và ĐH vùng có trường Y là dấu hiệu tích cực và dễ có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, lĩnh vực nghiên cứu đào tạo khác đáp ứng nhu cầu nhân lực trước đòi hỏi của tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, nhất là ứng dụng IOT, AI, Điện tử sinh y,..." - ông Vinh nói.

Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng việc sắp xếp hệ thống trường y nên theo cơ chế thị trường và để thị trường điều phối.

"Chúng ta đang chuyển dịch theo định hướng thị trường chứ không phải "kế hoạch hóa" do vậy nếu quy hoạch thì sẽ cản trở sự phát triển" - ông Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Tùng đối với những ngành như y chất lượng là số 1, do vậy chỉ cần đảm bảo 3 yếu tố là đầu vào đặc biệt, đào tạo đặc biệt, đãi ngộ đặc biệt thì sẽ định hướng sự phát triển của hệ thống.

"Hệ thống các trường y hiện nay không có gì phải sắp xếp. Tại TP.HCM và Hà Nội chỉ có một vài trường khá có tiếng. Ngay cả địa phương rộng lớn như TP.HCM và các tỉnh phía Nam chỉ có hai Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch và Trường Y dược (có thể xem xét tới Trường ĐH Y dược Cần Thơ), trong đó 1 trường đã thuộc UBND TP.HCM còn một trường của bộ chủ quản. Ngoài các trường khá nổi tiếng thì chỉ còn một số khoa y thuộc trường đại học công và tư. Nếu tính cả nước vẫn đang rất ít trường đào tạo ngành y. Do vậy vấn đề quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đầu vào, liên kết với địa phương, liên kết đào tạo với bệnh viện… chứ không phải là sắp xếp trường" - ông Tùng nói.

Ông Tùng cũng cho rằng việc sắp xếp hay nâng cấp trường đại học lên đại học không liên quan tới vấn đề tự chủ hay đầu tư. Bởi tự chủ là ủy quyền được sắp xếp lại và có đầu tư hay không là do quyết định, điều này hoàn toàn độc lập với tách, gộp trường.

"Trừ trường hợp tinh giản biên chế, những trường nhỏ, manh mún thì có thể sắp xếp gộp lại thành một trường lớn. Còn nếu tách ra sẽ phải thêm bộ máy lãnh đạo rất phức tạp. Hiện số lượng bác sĩ/10.000 dân - chỉ tiêu để đánh giá chất lượng hệ thống y tế con thấp, dẫn tới các bệnh viện quá tải do vậy số lượng chưa đáp ứng được con số bình thường" - ông Tùng cho hay.

Đổi tên, sắp xếp các trường y ra sao?  - Ảnh 5.

Sinh viên trường Y trong giờ thực hành.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng hiện các trường y ở địa phương được đầu tư ít, hệ thống y tế bệnh viện chưa tốt, do vậy nếu gom các trường lại một đại học sẽ không giải quyết được vấn đề gì.

"Nên chăng để những trường yếu, những trường địa phương thành cơ sở đào tạo từ xa hoặc phân hiệu của trường lớn. Như vậy những trường lớn sẽ có trách nhiệm nâng chất lượng cơ sở hoặc phân hiệu lên" - ông Tùng đề xuất.

Lãnh đạo một trường y nổi tiếng lại cho rằng, để quy hoạch lại hệ thống trường y cần sự đồng thuận giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và cơ quan chủ quản trực tiếp vì các mã ngành đào tạo đại học và hệ thạc sĩ, tiến sĩ là do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp, Bộ Y tế cũng cấp nhiều mã ngành như bác sĩ nội trú, CK1, CK2.

Nên chăng để những trường yếu, những trường địa phương thành cơ sở đào tạo từ xa hoặc phân hiệu của trường lớn. Như vậy những trường lớn sẽ có trách nhiệm nâng chất lượng cơ sở hoặc phân hiệu lên.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT

"Mục tiêu chung của các trường y dược là đào tạo nhân lực khối ngành sức khỏe cho xã hội, đáp ứng cả về số lượng và chất lượng ngày càng cao. Hiện nay mô hình ĐH Khoa học sức khỏe khá phổ biến ở các nước trên thế giới, trong đó có nhiều trường đào tạo nhiều chuyên ngành về khoa học sức khoẻ nằm trong ĐH vùng hay đại học quốc gia" - ông cho hay.

Theo ông, ở Việt Nam hiện nay thì vẫn quen mô hình như ĐH Y dược, ĐH Y, ĐH Dược do vậy việc sắp xếp thành ĐH sức khoẻ để hội nhập quốc tế cũng là một hướng tốt. Tuy nhiên việc sắp xếp như thế nào để đạt được mục tiêu quan trọng nhất là đào tạo đạt chất lượng cho nhu cầu xã hội để ngành y tế ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và khám chữa bệnh cho nhân dân.

"Nếu một trường ĐH thành một ĐH thì phải có nhiều trường đại học ở trong đó. Trường ĐH lại phải có nhiều khoa khác nhau. Đối với những trường cao đẳng, trung cấp có thương hiệu sẽ muốn để riêng, còn những trường khó khăn về cơ sơ vật chất, nhân lực, có thể sẽ chọn làm vệ tinh của trường ĐH lớn để có cơ hội phát triển tốt hơn"- ông nói.

LÊ HUYỀN / Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh