Huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa):Đời sống đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc
- Y học 360
- 18:58 - 22/05/2015
Nhờ đời sống đồng báo DTTS ngày càng khởi sắc, học sinh là con, em đồng bào DTTS đã được quan tâm, đầu tư học tập tốt hơn
Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Ngọc Lặc, huyện có 101.346 đồng bào DTTS, chiếm 72,7% số dân, chủ yếu là 3 dân tộc Mường, Dao, Thái. Xác định việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện đã thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS.
Phấn khởi trước những đổi thay về đời sống của gia đình ngày một khấm khá, chị Phạm Thị Bảo, dân tộc Mường, ở làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, cho biết: Sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, đất đai canh tác hạn hẹp, lao động sản xuất thủ công manh mún, lạc hậu, thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học – kỹ thuật nên cái đói, cái nghèo cứ bám quanh năm. Nhờ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và huyện, đời sống đồng bào dân tộc đã bớt khó khăn. Đặc biệt, khi có chủ trương khôi phục nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống, xã được hỗ trợ mở lớp học truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm, đã tạo điều kiện cho chị em tham gia. Với hiểu biết về nghề thêu, dệt thổ cẩm, ý chí vươn lên thoát đói nghèo từ số vốn ít ỏi ban đầu gia đình đã đầu tư nguyên vật liệu cho 5 khung cửi dệt, đến nay cơ sở thêu dệt của chị đã được mở rộng, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương. Ngoài ra gia đình chị còn đầu tư trồng gần 2 ha xoan, cây bản địa, chăn nuôi thêm trâu, dê, lợn, gà, nuôi tằm lá dâu để tự túc nguyên liệu tơ tằm. Hiện tại, cuộc sống của gia đình đã khá hơn trước rất nhiều.
Sự đổi thay đã của đồng bào DTTS được thể hiện trên từng góc phố ở huyện Ngọc Lặc
Cũng như gia đình chị Bảo, niềm vui đã đến với gia đình ông Phạm Văn Nam, ở làng Quang Thọ, xã Quang Trung, khi ông được nhận 4 ha đất 02 để trồng cao su và nhận thầu thêm 1,8 ha ao hồ nuôi cá. Từ nguồn vốn 100 triệu đồng huy động anh em, gia đình, dòng họ và 20 triệu vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, ông đầu tư mua giống cá, dê và cây giống cao su. Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, ngoài việc ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông chú trọng lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, có địa chỉ nguồn gốc rõ ràng, vì vậy giá trị thu nhập tăng lên đáng kể. Đến nay, gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang trị giá 1,5 tỷ đồng và mua sắm các tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình. Không chỉ làm giàu cho gia đình, những năm qua, ông đã tạo việc làm và giúp 6 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có việc làm ổn định. Hiện gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động và hơn 20 lao động mùa vụ với mức thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong giai đoạn từ 2009 đến 2014, từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi, huyện Ngọc Lặc đã xây dựng, duy tu, bảo dưỡng được 248 công trình và hạng mục công trình, với tổng kinh phí hơn 81 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 112, Quyết định 102, Nghị định 49, Nghị định 74 của Chính phủ về hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh con hộ nghèo, hỗ trợ hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn làm nhà vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ tiền mặt để người dân mua phân bón, giống và các vật tư khác phục vụ sản xuất, chuyển giao khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... luôn được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc. Các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn giải quyết việc làm tại chỗ được triển khai hiệu quả; việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt được đẩy mạnh.
Nhiều chương trình kêu gọi đầu tư, đã được huyện Ngọc Lặc triển khai mạnh trong những năm qua
Trao đổi với PV báo LĐ&XH, thuviensuckhoe.org, ông Quách Văn Thọ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ngọc Lặc nhấn mạnh: "Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trên cơ sở thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt là sự đổi thay về nhận thức của đồng bào DTTS trên địa bàn, từ đó họ đã chủ động công việc để phát triển kinh tế cho gia đình, không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trọ của Nhà nước như trước kia. Nhờ vậy, đến nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong đồng bào DTTS, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn không ngừng được nâng lên. Qua đó đã góp phần tạo nên diện mạo, sức sống mới cho các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Ngọc Lặc".