THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:06

Tái định cư Thủy điện Cửa Đạt (Thanh Hóa): Hơn 12 năm chưa thể an cư

Thiếu nước sinh hoạt, sản xuất

Đã hơn 12 năm nhường đất cho công trình thủy lợi-thủy điện hồ chứa nước Cửa Đạt, đem theo bao hi vọng về cuộc sống mới ở vùng tái định cư (TĐC) vậy nhưng đến nay con đường thoát nghèo của họ vẫn đầy chông gai, bởi dù gần công trình thủy lợi nhưng cuộc sống của họ vẫn thiếu cả nước sinh hoạt lẫn nước để sản xuất.

Giếng nước chương trình TĐC bỏ hoang vì không có nước

Ông Hà Thanh Bình, Trưởng thôn Đồng tâm cho biết: Khoảng ba năm đầu, khi đập Khe Thoong còn đủ nước cung cấp cho việc sinh hoạt, tưới tiêu thì đời sống của người dân cũng tạm ổn định. Những năm tiếp theo thời tiết khắc nghiệt một số công trình qua thời gian sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng; toàn bộ bê tông tràn xả lũ đã bị nước lũ cuốn trôi, đập cạn nước, đất sản xuất gồm cả đất ruộng và đất màu trở nên khô cằn. Cả hai thôn với gần 30 ha đất lúa nhưng lại thường xuyên thiếu nước vào mùa khô, không ít diện tích phải bỏ hoang vì không có nước để canh tác. Đất sản xuất nông lâm nghiệp vốn đã cằn cỗi xen lẫn đá vôi, hoạt động sản xuất bấp bênh, năng xuất năm được năm mất nên cuộc sống người dân vô cùng khó khăn…

Vẫn theo lời ông Bình, do hệ thống thủy lợi, hồ đập xuống cấp nên việc dự trữ, vận chuyển nước phục vụ sản xuất rất khó, nước dành cho sinh hoạt thường ngày bà con phải trông chờ vào việc dự trữ nước trong mùa mưa. Không có nước sản xuất, mùa vụ bấp bênh, nghề phụ không có, người dân lo cho cái ăn, cái mặc còn thiếu chứ nói gì đến đầu tư phát triển kinh tế. Không ít người dân khu TĐC đã bỏ đi làm ăn xa, cả năm may ra mới gặp một lần.

Cuộc sống nghèo đói, bệnh tật…

Một số hộ dân cho biết, 12 năm qua cuộc sống của họ cứ quẩn quanh với chuyện đói nghèo, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu nước. Lo cho cuộc sống của họ ở vùng TĐC, hơn 10 năm trước, địa phương quan tâm xây dựng một số bể nước sinh hoạt tập trung ở cả hai thôn, thế nhưng công trình xây xong chỉ sử dụng được một thời gian ngắn rồi đành bỏ hoang do đường ống bị tắc, hư hỏng, bể khô trơ đáy. Đến năm 2006-2007, người dân lại được hỗ trợ để đào giếng, có những cái sâu 15-30m thế nhưng vào mùa khô cũng nhanh chóng trơ đáy.

 Để có nước phục vụ bữa ăn, nhiều gia đình phải cử người vào sâu trong núi “cõng” nước, còn tắm giặt đành ra khe, ra suối. Những hộ kinh tế khá hơn thì bỏ tiền  khoan giếng sâu hơn, khi tìm thấy mạch nước thì lại bị nhiễm đá vôi nặng. Chỉ qua vài lần đun nước mà cặn trắng đã bám đầy đáy ấm, rót ra cốc chừng vài phút đáy cốc đã bắt đầu đóng cặn…Chẳng rõ thực hư thế nào nhưng một số hộ dân cho biết, trong nhà họ có người bị bệnh gan, thận là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm

Chị Lê Thị Lan ở cách nhà ông Bình không xa cho biết: Hơn chục năm mưu sinh ở làng TĐC, gia đình tôi chỉ có 2 sào lúa, 3 sào mía, năm nào thời tiết thuận lợi còn cấy được, khi khô hạn kéo dài là đành chạy ăn từng bữa, khó thể đủ no cho 6 miệng ăn. Áo mặc có thể rách chứ khát nước thì khổ lắm.

Không có vốn, nghề phụ cũng không, năm 2010 vợ chồng tôi vay được 20 triệu ngân hàng để mua bò phát triển kinh tế nhưng một con chết vì bệnh. Hai vợ chồng nai lưng đi làm thuê đã không đủ ăn, hàng tháng lại phải trả khoản lãi ngân hàn, đến nay nợ gốc vẫn còn nguyên. Cuộc sống ở vùng TĐC sao mà khó khăn thế…”.

Gánh thêm nỗi đau HIV/AIDS

Đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, vùng TĐC có đến hơn 80% số hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Bỏ đi làm ăn xa, một số người trở về lại cõng theo “cái chết trắng”, khiến vùng quê nghèo lại gồng mình gánh thêm nỗi đau không ít những hộ dân ở khu TĐC Đồng Tâm-Đồng Tiến lại phải gồng mình mang nặng nỗi đau từ căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Mấy năm trước đây, khu TĐC Đồng tâm-Đồng Tiến từng được biết đến là một điểm nóng nhất nhì huyện về tệ nạn ma túy với 4 người chết vì HIV/AIDS; 9 người nghiện ma túy; 16 người nhiễm HIV đang điều trị ARV, một số người có người thân là chồng, vợ, con bị nhiễm HIV, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, mắc bệnh rất cao. Đây cũng là nguyên nhân cản trở con đường thoát nghèo của người dân Đồng Tâm, Đồng Tiến.

Sức khỏe giảm sút, anh N.V.B chỉ có thể giúp vợ những công việc nhẹ nhàng

Cố giấu nét mặt mệt mỏi sau một buổi lao động vất vả, anh N.V.B  (26 tuổi) ở thôn Đồng Tâm day dứt với sai lầm của cuộc đời mình: “Học song cấp 2 tôi nghỉ học rồi đi làm thuê, do không hiểu biết, lại bị bạn bè rủ rê, trong một lần theo đám bạn bè chơi bời tôi bị lây nhiễm HIV. Đầu năm 2012 thấy sức khỏe yếu tôi đi khám và được chỉ định dùng thuốc, sức khỏe có khá hơn nhưng cũng không thể làm được các công việc nặng.

Gia đình có 2 sào ruộng nay đã bỏ hoang, trong khi tôi phải đi làm cỏ mía, trồng keo thuê … để kiếm tiền giúp đỡ gia đình”. Ngừng chốc lát anh B tiếp chuyện với vẻ lo âu: “Năm vừa rồi tôi lấy vợ, cô ấy kém 8 tuổi, cả hai cũng suy nghĩ nhiều lắm nhưng vì thương nhau nên quyết nên vợ nên chông. Sắp tới vợ tôi sinh em bé, vì không có tiền đưa vợ đi khám nên tôi cũng không biết mẹ con có bị lây nhiễm HIV từ tôi không…”.

Vợ chồng anh L.H.D chưa có điều kiện đưa con 6 tuổi đi xét nghiệm HIV.

Cũng thuộc vào diện hộ nghèo nhất thôn Đồng Tiến, anh L.H.D, và vợ - chị L.T.L lại có hoàn cảnh khác. Năm 1997 họ cưới nhau nhung cuộc sống bình yên của cặp vợ chồng trẻ chẳng kéo dài được bao lâu khi trong một chuyến đi rừng chặt gỗ, làm thuê, anh D đua đòi bạn xấu thử chích ma túy vài lần và nhiễm bệnh.

Nét mặt buồn tủi chị L kể: “Năm 2008 chồng tôi đi khám thì biết mình mắc bệnh, đến năm 2009 tôi cũng phát hiện ra mình nhiễm HIV từ chồng. Từ đó, hàng th tháng hai vợ chồng lại cùng nhau đi lấy thuốc điều trị, đợt nào thiếu thuốc thì sức khỏe cả hai lại suy sụp. Vì lo cuộc sống cho 4 đứa con nên chồng tôi dù bị bệnh vẫn phải đi làm thuê ở xa. Cuộc sống của mình vất vả đã đành, nhưng chúng tôi lo nhất là chưa có điều kiện đưa hai con nhỏ đi khám (sinh năm 2006 và 2008), các cháu còn quá nhỏ, đời còn dài, chẳng may bị nhiễm bệnh từ bố mẹ thì tương lai mờ mịt lắm…”.

Cần có chính sách hỗ trợ người dân vùng tái định cư

Thủy điện Cửa Đạt là cụm công trình thủy điện trên sông Chu, khởi công ngày 2/2/2004, có nhà máy chính đặt tại xã Vạn Xuân. Thủy điện Cửa Đạt khánh thành vào ngày 27/11/2010, là công trình trọng điểm quốc gia mang lại nhiều lợi ích thiết thực: Tạo nguồn nước tưới ổn định cho gần 87.000 ha đất canh tác; đóng vai trò quan trọng trong vào việc giảm lũ, bổ xung mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái; bổ xung nguồn điện, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; tạo điều kiện phát triển du lịch, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị hóa vùng Tây Nam tỉnh Thanh Hóa.

Nhà TĐC ở Đồng Tâm-Đồng Tiến đang dần xuống cấp

Tạo mọi điều kiện cho người dân được an cư tại vùng quê mới, đó là chủ trương đúng của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, với những khó khăn phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, thiết nghĩ chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng nên xem xét, bổ xung chính sách hỗ trợ, giúp người dân cải tạo đất đai cằn cỗi, được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và đủ nguồn nước phục vụ sản xuất. Có như vậy người dân mới thực sự an cư và bài toán hậu tái định cư cũng như công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn mới được giải quyết một cách bền vững.

Anh Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh