THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:56

Gieo niềm tin yêu cuộc sống cho những người “khuyết tật” thần kinh

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ Xã hội và Quỹ Những trái tim Huế đến thăm gia đình ông Vạt

Những mảnh đời khuyết

Bất kỳ một bậc cha mẹ nào khi sinh con ra cũng luôn mong con mình lớn khôn, khỏe mạnh. Song cũng có không ít người cha, người mẹ phải chịu những nghịch cảnh, những điều bất công của tạo hóa. Vì thế, trong đời sống xã hội và ở bất kỳ đâu, địa phương nào cũng không thiếu những người bị khuyết tật nặng về thần kinh, hay còn được gọi nôm na là người tâm thần. Có người là khuyết tật bẩm sinh; có người do trong một giai đoạn nào đó họ phải chịu những sự tác động mạnh dẫn đến bị sang chấn thần kinh rồi phát bệnh.

Cụ Hoàng Thị Thạnh (82 tuổi, ở tổ dân phố Sơn Công 1, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) là một người mẹ bất hạnh trong trường hợp như đã nêu trên. Cụ Thạnh có tất cả 8 người con, trong đó có người con trai Trần Công Diệu (SN 1966) bị khuyết tật về thần kinh khi tuổi đã trưởng thành. Đến năm 1996, bệnh của ông Diệu trở nên nặng hơn, bắt buộc phải đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị. Năm 2000, sức khỏe ông Diệu ổn định hơn và được gia đình đón về. Hiện nay, chỉ có 2 mẹ con cụ Thạnh và ông Diệu ở cùng nhau tại căn nhà cấp 4 tềnh toàng tại tổ dân phố Sơn Công 1. “Thỉnh thoảng hắn (nó) lại phát bệnh rồi nói lảm nhảm một mình rứa (thế). Hắn hiền khô. Khi phát bệnh, hắn chỉ ở nhà nói nhảm chứ không phá làng, phá xóm chi mô (gì đâu). Còn khi khỏe thì hắn làm việc suốt”, cụ Thạnh nói về tình trạng sức khỏe của con trai mình hiện nay.

Dẫu sao, cụ Thạnh vẫn có phần được an ủi hơn khi con trai cụ đã khỏe mạnh về trí tuệ hơn và biết làm ăn kinh tế. Cách nhà cụ Thạnh không xa là gia đình ông Trần Bá Vạt (72 tuổi) và bà Phạm Thị Gái (71 tuổi). Vợ chồng ông Vạt có 2 người con, 1 trai, 1 gái và cả hai đều bị bệnh tâm thần. Trong khi người con trai đã mất cách đây vài năm thì người con gái tên Trần Thị Hằng (năm nay 30 tuổi) đang sống cùng cha mẹ tại tổ dân phố Sơn Công 1.

Bà Gái cho biết, con gái bà bị bệnh tâm thần bẩm sinh. Từ năm 2005 – 2006, Hằng được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, sau đó gia đình đón về. Về nhà được một thời gian thì bệnh của Hằng tái phát. Cô bỏ đi lang thang rồi chẳng may bị đối tượng xấu hãm hiếp và sinh được một cháu trai. Hiện nay, cháu bé này đã được 6 tuổi và đang học lớp 1 tại một trường tiểu học của phường. Nói về đứa con gái của mình, bà Gái không dấu được buồn tủi: “Chừ hắn có biết chi mô. Nhiều hôm vợ chồng tui đi khỏi, hắn ở nhà với con, tức lên hắp đập con khiếp lắm” (Giờ nó có biết gì đâu. Nhiều hôm vợ chồng tôi đi vắng, hai mẹ con ở nhà với nhau, tức lên nó đánh con nó khiếp lắm – pv).

Ông Trần Văn Diệu hay cô gái Trần Thị Hằng chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân tâm thần đã từng và đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện tại tại Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho gần 600 bệnh nhân tâm thần. Không những thế, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương lân cận, số lượng người bị bệnh tâm thần ngày càng gia tăng. Tuy nhiên hầu hết các gia đình đã gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng người thân bị bệnh.

 

Ông Diệu "khoe" những quả trứng gà có được từ sự hỗ trợ của dự án và do chính ông chăm sóc

Gieo niềm tin yêu cuộc sống cho bệnh nhân tâm thần hậu điều trị

Đến thăm ông Diệu tại nhà riêng ở phường Hương Vân trong một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi thấy được một cuộc sống khác xa so với những gì bản thân tưởng tượng trước đó về người bệnh tâm thần hậu điều trị. Đón chúng tôi là những nụ cười thật tươi; những cái bắt tay thật chặt và với trí tuệ khỏe mạnh cửa ông Diệu. Xung quanh căn nhà cấp 4 có phần tuềnh toàng là những bụi chuối vươn lên mạnh mẽ cùng màu xanh mơn mỡn. Những buồng chuối trĩu quả, căng mọng đầy sức sống. Sát cạnh nhà bếp là một chuồng gà cùng bầy gà đang nhao nhác tìm thức ăn. Ốp vào tường nhà, có 1 khoảng không được bao quanh, ấy là nơi dùng để ấp trứng và ấp gà con. Tất cả những thứ ấy đều có được từ bàn tay chăm sóc, nuôi dưỡng của ông Diệu.

Tất nhiên, ông Diệu cũng như nhiều bệnh nhân, gia đình bệnh nhân tâm thần đều gặp rất nhiều khó khăn khi họ tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng với sự chung tay giúp đỡ của các ngành, các cấp và của toàn xã hội, trong những năm qua, cuộc sống của những bệnh nhân hậu điều trị đã có phần được cải thiện.

Được biết, trong năm 2016, thông qua sự kết nối của Quỹ Những Trái tim Huế, Đại sứ quán Úc đã hỗ trợ dự án “Hỗ trợ bền vững tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh tâm thần tại trung tâm Bảo trợ Xã hội, thuộc Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế”. Dự án hỗ trợ cho 30 gia đình thân nhân bệnh nhân sau khi được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm đã ổn định về sức khỏe tái hòa nhập cộng đồng trên toàn Tỉnh, trong đó có 15 hộ chăn nuôi heo và 15 hộ chăn nuôi gà.

Đây cũng là một trong những dự án đầu tiên mà Trung tâm hướng đến nhằm giúp đỡ cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân có điều kiện tạo việc làm cho bệnh nhân sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, đây còn là một liệu pháp lao động trị liệu rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân tâm thần.

Các bệnh nhân, gia đình bệnh nhân tham gia dự án sẽ được: tập huấn phương pháp, kỹ năng chăm sóc cho bệnh nhân sau khi tái hòa nhập cộng đồng; được tập huấn các kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc gia súc gia cầm; được hỗ trợ con giống, thức ăn, xây dựng, sửa chữa chuồng trại. Ngoài ra, sau khi gia đình nhận nuôi con giống, dự án còn cử sinh viên từ trường đại học Nông lâm Huế thường xuyên về giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và sửa chữa, vệ sinh chuồng trại,..

Đến nay, sau hơn 1 năm triển thực hiện, dự án đã phát huy hiệu quả tương đối tốt, nhất là mô hình nuôi gà. Các hộ đã duy trì được con giống, cải thiện đời sống. Họ cũng đã biết biến gà từ dự án thành gà đẻ trứng rồi cho ấp nở để tăng được số lượng con giống nhằm duy trì sản xuất.

Đánh giá về tác động của dự án, ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Hương Trà cho rằng, dự án “Hỗ trợ bền vững tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh tâm thần” tuy hiệu quả kinh tế không lớn, nhưng nó đã giúp cho bệnh nhân tâm thần sau khi tái hòa nhập cộng đồng có việc làm tạo ra thu nhập từ đó họ có niềm vui, tin yêu trong cuộc sống, phát triển các kỹ năng sống.

Ông Trương Trọng Khánh, Chủ tịch Quỹ Những Trái tim Huế cho biết, từ kết quả đạt được như trên, Quỹ đã tiếp tục huy động các nhà tài trợ hỗ thêm cho một số gia đình kinh phí đầu tư. Tới đây, mỗi hộ trong dự án sẽ được hỗ trợ kinh phí mua thêm 100 con gà giống để tái sản xuất.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh