Phú Yên: Người nuôi dưỡng được tập huấn kỹ năng chăm sóc người tâm thần
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 20:00 - 01/01/1970
Đây cũng là một trong những giải pháp mà tỉnh Phú Yên đề ra, với mục tiêu phấn đấu 100 % gia đình có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng. Bước đầu hình thành các nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại các xã, phường, thị trấn có đông đối tượng.
Ông Tô Cửu, ở khu phố 5, Phường 2, thành phố Tuy Hòa có con là Tô Thành Đức mắc bệnh tâm thần từ lúc nhỏ. Khi chúng tôi đến nhà, anh Đức như đứa trẻ con, nhút nhát không muốn ra gặp khách. Cha mẹ dụ dỗ mãi bằng thức ăn, đưa tab cho anh chơi anh mới vui cười ngồi vào bàn khách. Ông Cửu cho biết, con mình bình thường chỉ ở quanh quẩn trong nhà, ít tiếp xúc với người lạ nên nhút nhát. Với lại, do cháu bệnh nên không dám cho ra đường sợ không quản lý được có chuyện gì bất thường thì khổ. Cháu nó cũng hiền, nhưng vì tâm trí bất thường nên gia đình lúc nào cũng có người canh giữ chứ lơ đễnh là xảy ra chuyện bất trắc ngay.
Anh Cửu đã được chính quyền Phường 2 cử đi tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần tại gia đình vaò tháng 3 năm 2017. Qua lớp tập huấn anh đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản cơ bản về tâm lý khi tiếp xúc với người bệnh. Nói năng nhỏ nhẹ, gần gũi với bệnh nhân. Những lúc bệnh nhân lên cơn kích động thì tránh xa để phòng những băt trắc xảy ra khi người bệnh không làm chủ được mình.
Anh Cửu cho biết, sau khi tập huấn anh đã biết những biểu hiện thường gặp của người tâm thần để chăm sóc tốt hơn bệnh tình cho con. Đó là, do con mình khó diễn đạt cho người khác hiểu, đối khi nó tỏ ra không hiểu và nhìn vô hồn vào khoảng không trước mặt. Gặp trường hợp này, tốt nhất là chúng ta đừng bận tâm đến và cứ tiếp tục nói chuyện.
Khi gặp con có những phản ứng do ảo giác, hoang tưởng. Tôi đã biết xử trí bằng các biện pháp như giải thích vỗ về, giảm sang chấn. Nên giữ một khoảng cách về cảm xúc, đừng biểu lộ cảm xúc quá ồn ào, đừng nói chuyện “tâm tình”, hay đặt nó vào các mối tương tác quá kích thích. Tạo cơ hội và động viên khích lệ con bằng những lời khen, hành vi có thưởng nhưng không nên buồn vì lời đề nghị của mình bị từ chối. Nên tạo cho con một bảng kế hoạch công việc hàng ngày và giải trí, với tình yêu thương cần phải chịu đựng và kiên nhẫn.
Ông Tô Cửu ở khu phố 5, phường 2, thành phố Tuy Hòa có con là anh Tô Thành Đức mắc bệnh tâm thần
đã được tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc cho người bệnh tâm thần tại gia đình
Theo các chuyên gia của Trường Đại học Lao động-Xã hội, bệnh nhân tâm thần phân liệt tại Việt Nam và trên thế giới được xem là một bệnh xã hội, xu hướng điều trị và chăm sóc hiện nay nhằm đưa người bệnh tái hòa nhập lại cộng đồng, phục hồi chức năng sống và các mối quan hệ xã hội. Từ lâu mục tiêu của pnên được ưu tiên điều trị và chăm sóc tại môi trường ít hạn chế nhất cụ thể là tại gia đình. Việc chăm sóc tại cộng đồng không phải chỉ đơn thuần là cho thuốc mà còn phải kết hợp các biện pháp điều trị khác như tâm lý liệu pháp, phục hồi chức năng, tái hòa nhập xã hội.
Một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc điều trị bênh tâm thần phân liệt tại cộng đồng là khuyến khích và hướng dẫn người nhà bệnh nhân tham gia chủ động vào quá trình điều trị con em mình cùng với các y, bác sỹ. Khi thực hiện phục hồi chức năng (PHCN) cho người bệnh, người làm công tác PHCN đóng vai trò là người bác sỹ, điều dưỡng, nhà tâm lý, nhà giáo dục và nhà xã hội.
Người làm công tác PHCN phải có kiến thức về bệnh tâm thần và cách chăm sóc để có thể đánh giá chính xác tình trạng người bệnh, chọn thời điểm thích hợp và chọn phương pháp thích hợp để áp dụng, đó là vai trò của bác sỹ và điều dưỡng.
Người làm công tác PHCN phải hiểu biết về tâm lý của người bệnh và gia đình để có thể tạo sự tin tưởng và hợp tác một cách tốt nhất. Đồng thời phải biết cách thuyết phục người bệnh và gia đình để người bệnh không bị ruồng bỏ, đối xử bất công và bị cách ly ra khỏi cộng đồng như bản chất của bệnh tâm thần phân liệt.
Tình huống nguy hiểm nhất gây ra cho người chăm sóc bệnh nhân tâm thần và cộng đồng là tính hung hăng của người bệnh, có thể xuất hiện nhưng không thường xuyên. Khi gặp tình huống này, thân nhân nên giữ im lặng và không tranh cãi, cần có không gian cá nhân riêng tư và an toàn về tâm lý cho bệnh nhân. Không nên tiếp cận bệnh nhân quá gần về cơ thể. Tránh làm tổn thương, trêu chọc, lăng mạ hay làm bệnh nhân trở thành lố bịch. Nếu hành vi bạo lực xảy ra đừng tỏ ra bị dọa dẫm bởi bệnh nhân mà làm tất cả những gì cần thiết để giữ an toàn cho các đối tượng liên quan. Đôi lúc cần đòi hỏi sự cứng rắn, sự giúp đỡ của bạn bè, hàng xóm hay công an. Cho bác sỹ biết nếu có hành vi bạo lực xuất hiện tại nhà vì hành vi gây hấn có thể là một dấu hiệu cần xem xét lại để điều trị hiệu quả hơn. Nếu hành vi bạo lực xuất hiện quá thường xuyên, cần có các biện pháp can thiệp mạnh.