THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:11

Thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi trong giai đoạn hậu Covid-19

Thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi trong giai đoạn hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã Việt Nam.

 * Ông có thể cho biết những yếu tố tác động đến thị trường lao động thời gian qua?

Năm 2020, thị trường lao động Việt Nam được dự báo tiếp tục phát triển theo hướng hết sức tích cực, đó là cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, kết nối lao động sẽ phát triển tốt, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng, lao động qua đào tạo được sử dụng nhiều. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp (DN), liên hiệp hợp tác xã, lao động tự do nên có tới hàng triệu người bị mất việc hoặc giảm việc làm; đặc biệt là khu vực dịch vụ, gia công, chế biến, kể cả các DN lớn như hàng không, sản xuất hàng xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua các DN, hợp tác xã đã tổ chức sắp xếp lại lao động, đổi mới phương thức làm việc để tạo việc làm và giữ chỗ cho NLĐ; đồng thời, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cũng hỗ trợ một cách tốt nhất đối với NLĐ khi bị mất việc. Nhiều DN, các tổ chức công đoàn cơ sở cũng như NLĐ đã chung tay, chia sẻ lẫn nhau để làm sao giữ được việc làm, có thu nhập cho NLĐ. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã tham mưu kịp thời gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đối với NLĐ và nhóm đối tượng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là những nhóm đối tượng lao động tự do.

Trong thời gian tới hy vọng chúng ta kiềm chế tốt đại dịch Covid-19 và các DN sẽ đi vào ổn định để phát triển sản xuất, nhu cầu sử dụng lao động sẽ tăng. Một tín hiệu hết sức vui, đó là sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những nhà đầu tư truyền thống đã đầu tư cho chúng ta sử dụng nhiều lao động có chất lượng. Bên cạnh đó, cũng có những chính sách để hỗ trợ cho các DN trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho NLĐ.

Thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi trong giai đoạn hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Nhóm lao động tự do chịu nhiều thiệt thòi do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tôi cho rằng những tháng cuối năm thị trường lao động sẽ hết sức sôi động theo chiều hướng tích cực. Tức là nhu cầu sử dụng lao động sẽ tăng do cầu lao động tăng; đặc biệt là những nhóm lao động có trình độ đã qua đào tạo. Cùng với đó, lao động phổ thông, thời vụ, lao động mà thời gian ngắn để đáp ứng cho các đơn hàng, đáp ứng cho việc xuất khẩu của những tháng cuối năm sẽ tăng. Trước hết là nhóm ngành dịch vụ, tiếp đến là các nhóm liên quan đến gia công, chế tạo, ngân hàng, dịch vụ vận chuyển, xây dựng… Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp chất lượng công nghệ cao và sản xuất hàng hóa cũng sẽ tăng.

* Vậy nhóm ngành dịch vụ nào tiềm năng nhất? Người lao động cần được đào tạo như thế nào để đáp ứng với thị trường lao động hiện nay, thưa ông?

- Tiềm năng cho thời gian tới vẫn là công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, đặc biệt là dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng, hàng hóa cũng sẽ tăng. Vì vậy, tôi cho rằng các DN và NLĐ cũng nắm bắt các cơ hội trên cơ sở dự báo của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức để định hướng cho vấn đề đào tạo, bồi dưỡng NLĐ. Trong lúc này các DN phải tái cấu trúc lại phương án sản xuất kinh doanh của mình; đồng thời cũng phải tính đến các biến đổi, thay đổi đột biến. Do vậy cần chuẩn bị nhiều phương án sản xuất kinh doanh nên việc sử dụng lao động cũng phải có nhiều phương án để đáp ứng. Ngoài ra, các DN nên áp dụng và có phương án làm việc từ xa, trong đó có làm việc tại nhà.

Thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi trong giai đoạn hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Sau hậu Covid-19, tiềm năng cho thời gian tới vẫn là công nghệ, công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó các DN nên tận dụng một cách tối đa các chính sách của nhà nước hiện nay để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ. Phối hợp với các cơ sở đào tạo theo phương châm ba cùng, đó là cùng tuyển sinh, cùng đào tạo, cùng giải quyết việc làm sau đào tạo.

Đối với DN cũng cần xác định NLĐ của DN là vật báu, là tài sản vô giá, là người quyết định sự thành công của DN. Với NLĐ, trong khi dịch Covid-19 và hậu Covid-19 này cũng như thị trường lao động, cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề nâng cao trình độ, kỹ năng, ý thức thái độ làm việc và phải chia sẻ với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong điều kiện hiện nay để giữa NLĐ và NSDLĐ phối hợp một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, sự thay đổi về công nghệ, phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ mới tiên tiến hơn, bắt buộc NLĐ phải nâng cao trình độ nghề để đáp ứng nếu không sẽ bị tụt lùi.

* Trong thời gian tới cần có thêm những chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thưa ông?

 - Về phía Nhà nước, tôi cho rằng cần đánh giá lại các chính sách hỗ trợ vừa qua và cần thiết phải thêm các chính sách mới, như: Miễn giảm thuế thu nhập DN, giảm vốn mà có thể phải áp dụng chính sách bảo lãnh tín dụng đối với các DN. Trường hợp gặp khó khăn, Nhà nước có thể có gói đặt hàng với các DN sản xuất các mặt hàng phục vụ cho người dân; đồng thời cần nâng mức hỗ trợ đào tạo cho NLĐ và DN. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách quan tâm hơn nữa vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ; đặc biệt lao động ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó một chính sách cần được hỗ trợ nữa là chính sách vay vốn đối với NLĐ ở khu vực nông thôn. Tất cả các chính sách này cần được rà soát lại để hỗ trợ cho NLĐ trong thị trường lao động thời gian tới.

Thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi trong giai đoạn hậu Covid-19 - Ảnh 4.

Người lao động đến tư vấn, tìm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm.

Trong thị trường lao động thì Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) đóng vai trò hết sức quan trọng, thực hiện các hoạt động của thị trường lao động, là đơn vị quản trị thị trường lao động, vì vậy các TTDVVL và các Sở LĐ-TB&XH phải làm tốt công tác dự báo thị trường lao động địa phương. Trước hết là dự báo cầu về TTLĐ, phải nắm được nhu cầu sử dụng của ít nhất từ 2 đến 3 năm ở địa phương mình để từ đó có phương án cung ứng về lao động, đào tạo lao động ở địa phương. Đồng thời, TTDVVL phải làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, các trung tâm phải trở thành một hệ thống để thông tin TTLĐ không bị cắc cứ ở từng địa phương và phải thông suốt.

Ngoài ra, trung tâm phải đẩy mạnh các hoạt động để phục vụ cho TTLĐ như tổ chức cung cấp thông tin TTLĐ, các hoạt động về sàn giao dịch việc làm, việc tổ chức phải theo từng chuyên đề: Việc làm cho sinh viên ra trường, bộ đội xuất ngũ, các nhóm đối tượng người tàn tật, phụ nữ, thanh niên muốn tìm việc làm ở khu vực thành thị, khu công nghiệp; đặc biệt, các trung tâm tổ chức được sàn giao dịch việc làm dành cho người cao tuổi, áp dụng tương tự như chương trình "Màn hai cuộc đời" của Hàn Quốc - chương trình này đã hỗ trợ cho các DN, người cao tuổi làm việc. Còn các tổ chức chính trị xã hội cũng như các bộ, ngành hỗ trợ cho ngành LĐ-TB&XH cung cấp thông tin để ngành có thể dự báo được TTLĐ.

* Xin cảm ơn ông!

Cù Hòa (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh