Đổi mới hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:26 - 20/10/2015
Chủ động thanh tra phát hiện sai phạm
Trong 5 năm, Thanh tra Bộ đã triển khai 1.996 cuộc thanh tra, phát hiện 16.049 sai phạm, ban hành 186 quyết định xử phạt hành chính với số tiền trên 4,7 tỷ đồng, phát hiện hàng ngàn hồ sơ ưu đãi người có công có sai phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước trên 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ còn luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn công tác thanh tra cho toàn ngành và chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thanh tra lao động theo phương thức sử dụng phiếu tự kiểm tra trong cả nước; thực hiện 21 cuộc thanh tra hành chính, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công tác quản lý và sử dụng tài chính, tài sản phòng chống tham nhũng tại các đơn vị thuộc Bộ; tiếp 6.720 lượt công dân, xử lý 22.359 đơn thư (tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2005 - 2009) và giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật 60 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ; tiếp nhận 34.848 đơn, thư; toàn bộ đơn, thư đều được xử lý kịp thời, chuyển đến các đơn vị thuộc Bộ giải quyết theo chức năng; 20 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã được rà soát, xử lý dứt điểm theo đúng Kế hoạch 1130 và Kế hoạch 2100 của Thanh tra Chính phủ.
Ông Nguyễn Tiến Tùng trao đổi trong buổi làm việc với ILO.
Cũng trong giai đoạn này, Thanh tra đã chuyển đổi hình thức, nội dung các cuộc thanh tra từ thanh tra trực tiếp các đối tượng quản lý chuyển sang tập trung vào công tác kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động, bình đẳng giới và bảo hiểm xã hội, tại các Sở LĐ-TB&XH qua đó nâng cao hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý về các lĩnh vực của ngành tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công tác thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đạt được nhiều thành tựu, có nhiều bước đột phá, trong đó phải kể đến việc rà soát hồ sơ người có công với cách mạng di chuyển; trưng cầu giám định làm rõ thật, giả của hồ sơ, phối hợp với Bộ Quốc phòng thanh tra tại các Quân khu, do đó đã phát hiện hàng ngàn hồ sơ không đúng pháp luật, nhiều trường hợp đã chuyển cơ quan điều tra để khởi tố vụ án hình sự.
Một số bài học kinh nghiệm
Để đạt được những kết quả, thành tích trên, lãnh đạo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào, phải thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng thông qua việc đảm bảo thực hiện quy chế làm việc và mối quan hệ công tác giữa tổ chức đảng với chính quyền và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội khác. Đặc biệt coi trọng rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; động viên, khích lệ kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ đức và tài, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chú trọng quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, quy hoạch cán bộ hàng năm để bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt trong tương lai.
Thứ hai, trong công tác xây dựng kế hoạch, phải luôn quán triệt và cụ thể hóa những quan điểm, đường lối của Đảng, của Bộ và Thanh tra Chính phủ để định hướng phát triển, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức chương trình, kế hoạch đã đặt ra. Muốn vậy, phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ của ngành và yêu cầu thực tiễn, tình hình trong nước và quốc tế, làm tốt công tác dự báo, chú ý đến những vấn đề mới nảy sinh, đang được dư luận xã hội quan tâm để kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới như vấn đề tiền lương của viên chức quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề hồ sơ thương binh giả, sử dụng lao động trẻ em .v.v..
Kết quả thanh tra tại 152 doanh nghiệp dệt may trên cả nước, phát hiện hơn 1.700 sai phạm tại các doanh nghiệp này.
Thứ ba, trong tổ chức thực hiện kế hoạch chuyên môn, với nguồn lực hạn chế, cần thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề nóng, nổi cộm, bức xúc trong xã hội để đưa vào kế hoạch công tác. Đối với các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, đông người được ưu tiên chỉ đạo thực hiện cả về thời gian, bố trí cán bộ. Việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch phải kiên quyết, rõ ràng và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lãnh đạo đơn vị, các phòng chuyên môn. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, nghiên cứu lý luận bổ sung vào thực tiễn công tác, đúc rút bài học kinh nghiệm để không ngừng cải tiến chất lượng công tác thanh tra.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, vừa có bản lĩnh và nhạy cảm chính trị sâu sắc; thanh tra viên phải liêm khiết “hết mình vì công việc, vì nhân dân và sự nghiệp chung của ngành”. Thực hiện tốt công tác tư tưởng và đảm bảo dân chủ trong quá trình quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, nâng lương, nâng ngạch và đảm bảo các chế độ khác cho cán bộ, công chức và người lao động, nhằm phát huy được nội lực, ý chí sáng tạo và ý thức lao động của từng cán bộ. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong, ngoài nước.
Thứ năm, trong công tác thi đua, khen thưởng, việc phát động các phong trào thi đua đảm bảo có chiều sâu, bằng những tiêu chí cụ thể, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; không ngừng đổi mới phương thức, nội dung phong trào nhằm tạo động lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Đảm bảo sự thống nhất giữa tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong việc đánh giá thành tích của tập thể và cá nhân trong từng đơn vị, hình thức và nội dung khen thưởng phải phù hợp với thành tích mà tập thể và cá nhân đã đạt được.
Thứ sáu, luôn nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về hội nhập quốc tế và đối ngoại; chủ động đổi mới phương thức làm việc, nâng cao chất lượng chuyên môn của từng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu và sự thay đổi của quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, giao tiếp, ứng xử cũng như các kiến thức cần thiết về hội nhập quốc tế để khi tham gia các quan hệ quốc tế, cán bộ, công chức luôn giữ được tính độc lập, tự chủ và tự tin trước đối tác nước ngoài.
Thứ bảy, trong hoạt động đoàn thể, cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tập thể và cá nhân, đẩy mạnh các hoạt động phong trào kết hợp với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên và gắn với công tác chuyên môn của đơn vị; tăng cường đối thoại giữa đảng, chính quyền và thành viên của các đoàn thể nhằm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, công chức trong đơn vị từ đó có những quyết định đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành.
Thứ tám, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và luôn quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ đảng viên, động viên kịp thời, khuyến khích và tạo động lực để các cá nhân tận tâm thực hiện nhiệm vụ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị.
Thứ chín, phải luôn chủ động, tăng cường và thực hiện tốt vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của Thanh tra Bộ đối với các địa phương. Duy trì sự phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và quan hệ công tác.
Trong 5 năm qua, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012), 4 năm được nhận Cờ thi đua của Bộ LĐ-TB&XH, 2 lần được nhận Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ (năm 2010 và 2014) và 1 lần được nhận Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ (năm 2012). Đảng bộ Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH 2 lần được tặng Cờ thi đua của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương (năm 2010 và năm 2013); Công đoàn Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH 3 lần được nhận Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam (năm 2010, 2012 và 2013); Cờ thi đua của Công đoàn Viên chức Việt Nam giai đoạn 2010 -2015. Về cá nhân, 5 lượt công chức được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 5 lượt công chức được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4 lượt công chức được tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ và 27 lượt công chức được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. |