CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:30

Rèn luyện đội ngũ thanh tra giỏi chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh

Tầm quan trọng về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ được thể hiện tại nhiều văn bản khác nhau, trong đó biểu hiện rõ nhất là Đề án tăng cường năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2155/QĐ-TTg ngày 11/11/2013, đã xác định ba mục tiêu của Đề án: Tăng cường về số lượng cán bộ thanh tra viên (toàn ngành có từ 1200 đến 1250 thanh tra viên); tăng cường về chất lượng (có 98% người làm công tác thanh tra được bổ nhiệm thanh tra viên, 20% được bổ nhiệm thanh tra viên chính, 1% được bổ nhiệm thanh tra viên cao cấp) và tăng cường về trang thiết bị phục vụ thanh tra (ít nhất 50% cơ quan thanh tra được trang bị các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, phương tiện đi lại, máy tính xách tay và 100% cán bộ, thanh tra viên được trang bị máy vi tính để bàn). Chỉ thị số 345/CT ngày 23/2/2012 của Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ mục tiêu rèn luyện đội ngũ cán bộ thanh tra là phải “...Nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư...”.

Hiện nay, tăng cường về số lượng thanh tra viên rất khó khăn, bởi sức ép tinh giản biên chế là một đòi hỏi khách quan. Tăng cường về trang thiết bị cũng không thể thực hiện được trong một sớm, một  chiều vì ngân sách nhà nước có hạn, phải dồn lực cho các mục tiêu an sinh xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, trong những năm trước mắt,  tăng cường chất lượng thanh tra LĐ-TB&XH là một yêu cầu cấp bách, nếu muốn thực hiện Đề án tăng cường năng lực thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn đang diễn ra là số lượng đối tượng quản lý của ngành LĐ-TB&XH ngày càng tăng, đồng thời cũng phù hợp với Chỉ thị của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra thực hiện chính sách pháp luật về an toàn lao động.     Ảnh minh họa.

Chất lượng thực thi công vụ của hệ thống thanh tra ngành LĐ-TB&XH sẽ được nâng cao chỉ khi trình độ của họ được nâng lên, đồng thời với bản lĩnh chính trị phải được trau dồi, rèn luyện vững vàng, đạo đức công vụ và sự liêm chính trong hoạt động thanh tra phải được chú trọng; mỗi cán bộ, công chức, viên chức thanh tra phải luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “...cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được...”.

Ghi nhận dấu mốc 70 năm, Thanh tra Bộ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1980 và 2003), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2009) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015). Về cá nhân, có 9 lượt cán bộ, công chức được tặng thưởng Huân chương Lao động các loại, 11 lượt cán bộ, công chức được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Mặc dù đã đạt được những thành tích đáng tự hào, song trước mắt Thanh tra Bộ còn nhiều khó khăn do tính đặc thù công tác của ngành, đa lĩnh vực với địa bàn hoạt động rộng... trong khi biên chế, kinh phí hoạt động hạn hẹp. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015 và những năm tiếp theo, Đảng ủy, Lãnh đạo Thanh tra Bộ thống nhất chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất: Thực hiện chiến lược đào tạo, bồi dưỡng thanh tra chuyên ngành với mục tiêu  đến năm 2020, năng lực của người làm công tác thanh tra lao động, người có công và xã hội được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của ngành và địa phương. Hiện tại, Thanh tra Bộ đang phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Bộ, các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ dài hạn và hàng năm; chú trọng bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành về các lĩnh vực lao động, việc làm, tiền lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dạy nghề, người có công... Ngoài ra, sẽ xây dựng phương án và hình thành đội ngũ giảng viên nguồn về nghiệp vụ thanh tra lao động, thương binh và xã hội; xây dựng phương án thành lập Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thanh tra lao động, tiến tới nâng cấp thành Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra lao động khu vực ASEAN.

Thứ hai: Động viên mỗi cán bộ, thanh tra viên nỗ lực phấn đấu, nghiên cứu, rèn luyện về tác phong làm việc và kết thúc công việc đúng giờ, sử dụng trang phục quy định, không làm việc riêng trong giờ hành chính, thời gian rảnh rỗi phải tự tu dưỡng, tìm tòi, nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức xã hội... nhằm hiểu chính xác, đúng các quy định pháp luật ở lĩnh vực được giao phó, bởi một kết luận, quyết định thanh tra có sai sót sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Tìm mọi cách để cán bộ, thanh tra viên hiểu rằng chỉ có thể nâng cao kiến thức bản thân nếu tôn trọng và yêu quý công việc của mình, với tôn chỉ “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, từ đó xây dựng cho bản thân lộ trình rèn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn bằng cách nghiên cứu kỹ các quy định để ứng dụng trong thực tiễn thanh tra; chủ động tham gia viết bài trao đổi kinh nghiệm, tham luận trên các báo, tạp chí cũng như giảng bài tại các lớp tập huấn chuyên đề... Những hoạt động này vừa rèn luyện kỹ năng chuyên môn đồng thời cũng là kênh tiếp nhận phản hồi của dư luận, của học viên, từ đó nâng cao trình độ và hoàn thiện bản thân.

Tiếp đó, thường xuyên giáo dục, động viên từng cá nhân trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức của người thanh tra, tự đưa mình vào vị trí điển hình, hạt nhân trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để tự tu dưỡng, rèn luyện, nắm vững các quan điểm, đường lối, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đối với từng lĩnh vực, nhất là những vấn đề về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, về tự hào dân tộc, chủ động áp dụng vào thực tế công việc, chuyên môn.

Thứ ba: Phát động phong trào tự học tập nâng cao trình độ gắn liền với học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp, bởi thực tế, có cá nhân mạnh về thuyết trình, khả năng phán đoán, tiếp cận vấn đề, hay người khác lại có kinh nghiệm trong việc xác minh qua hồ sơ, tài liệu, kinh nghiệm trong phỏng vấn, tiếp xúc, có người lại được tôn trọng qua cách sống giản dị, khiêm tốn, thân tình... Tóm lại, mỗi chúng ta đều có những ưu, nhược điểm và luôn cần bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, phong cách sống từ bạn bè, đồng nghiệp sẽ giúp ta có kiến thức tổng hợp, bao quát hơn, khắc phục được những hạn chế của mình để tiến bộ.

Thứ tư: Mỗi cán bộ, thanh tra viên phải luôn xác định trách nhiệm của mình trong sự phát triển của ngành LĐ-TB&XH nói chung và Thanh tra Bộ nói riêng, biểu hiện cụ thể bằng việc quan tâm chăm lo tập thể và công việc chung. Mỗi sự cống hiến và thành tích của bản thân phải được ghi nhận kịp thời, góp phần tạo nên “thương hiệu” của tập thể, từ đó khuyến khích cán bộ, thanh tra viên không ngừng tu dưỡng, gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, phát huy tinh thần tự chủ, tự giác hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Khuyến khích mỗi người dành thời gian cụ thể trong ngày để rà soát những việc đã làm nhằm kịp thời điều chỉnh cũng như có những định hướng phù hợp với kế hoạch chung của đơn vị. 

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Tùng (Phó Chánh thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh