THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:12

Đổi đời nhờ áp dụng khoa học-kỹ thuật

Từ xã nghèo thành xã điển hình tiêu biểu

Cách đây mấy năm, Đinh Trang Thượng là xã nghèo, hầu hết người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Cờ Ho chiếm số đông), quen với tập quán canh tác cũ nên cà phê và đậu phộng năm nào cũng chỉ đủ ăn. Nhưng 4 năm trở lại đây, xã đã trở thành điển hình của huyện trong việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Nhà nhà hồ hởi áp dụng các mô hình trồng trọt kiểu mới.

 

              Có khoa học-kỹ thuật nhiều buôn làng đổi mới

Là người tiên phong trồng cà phê lai ghép, ông K’Mé, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, ban đầu nghe các cán bộ của tỉnh, của huyện xuống tận rẫy cà phê hướng dẫn cứ thấy mơ hồ quá. Nhưng không thử thì làm sao mà biết được, dân mình xưa này trồng cà phê toàn mất mùa, cằn cỗi và chết luôn tục. "Phải mạnh dạn thôi. Nghĩ là làm nên tôi tiếp nhận tất cả các kỹ thuật lai ghép, tái táo lẫn cách trồng, chăm sóc cà phê và đậu phộng kiểu mới. Hiệu quả đã thấy ngay trước mắt. Trung bình hiện nay cứ hai héc ta cà phê, 2 héc ta đậu phộng với năng xuất vượt trội so với trước, lời 200 triệu đồng/năm". Ông cho biết.

 

                          Các mô hình hiệu quả được áp dụng

Khi giấc mơ của ông K’Mé thành hiện thực thì ông lại tiếp tục cùng các cán bộ của xã, huyện đi vận động từng gia đình trong xã áp dụng trồng cà phê, đậu phộng kiểu mới. Cán bộ đến tận nơi chuyển giao kỹ thuật đồng thời còn thành lập một tổ hướng dẫn, tư vấn khoa học tại địa phương cho đến khi nào người dân áp dụng thuần thục mới thôi. Mọi hoài nghi được xua tan, ai cũng căng tràn hy vọng làm giàu trên chính quê hương của mình.

Ăn ở cùng người dân địa phương, hướng dẫn từng chi tiết nhỏ nên chỉ trong thời gian ngắn, tổ hướng dẫn áp dụng khoa học-kỹ thuật xã Đinh Trang Thượng đã giúp từng người dân hiểu rõ các kỹ thuật ghép chồi cải tạo giúp vườn cây nâng cao năng suất, chất lượng, tỷ lệ cây ghép có thể sống trên 95%, chi phí ghép cây thấp, cây có thể cho năng suất sau 16 tháng. Kỹ thuật trồng đậu phộng lai cũng được truyền đạt đầy đủ.

Bên cạnh đó, xã Đinh Trang Thượng còn linh hoạt tổ chức cho người dân trong xã đi giao lưu với các xã điển hình tiên tiến trong việc áp dụng khoa học-kỹ thuật của tỉnh để mở rộng hiểu biết, thu nhận thêm các kinh nghiệm quý về áp dụng tại xã mình. Bằng hoạt động này, trên 3.000 người dân (chiếm hơn 90%) dân số trong xã đã thành thạo kỹ thuật ghép cà phê, trồng kiểu mới.

Làm giàu không khó

Sau khi tự giác, tích cực áp dụng khoa học-kỹ thuật vào trồng cà phê và đậu phộng, nhiều người dân ở Đinh Trang Thượng khẳng định, làm giàu không khó. Ông K’Jim (thôn 4) cho biết: "Cán bộ nói gì phải tiếp thu ngay, tối về không tụ tập uống rượu như trước nữa mà nghiền ngẫm, cái gì quên thì hỏi lại, hỏi tới khi nào thuộc các thao tác kỹ thuật chăm sóc, tạo tán cà phê, kỹ thuật lựa chồi ghép, tái canh… mới thôi. Kỹ thuật trồng và chăm sóc đậu phộng cao sản cũng vậy, phải áp dụng nhuần nhuyễn". Từ hộ nghèo, nhờ hăng say áp dụng kỹ thuật mới, đến năm 2017 gia đình ông K’Jim thành điển hình làm giàu ở địa phương. Với 2 héc ta cà phê, 6 sào đậu phộng, mỗi năm gia đình ông lời trên 300 triệu đồng. Vui mừng với thành quả của mình, ông Jim còn đi chia sẻ với nhiều người quen ở các xã lân cận.

Ông K’Mok (thôn 5) trước đây làm đậu phộng và cà phê kiểu cũ thiếu đói liên tục và hay chán nản rượu chè nhưng từ khi áp dụng kỹ thuật mới, năng suất cao, đầu tư thấp nên ông vận động hàng loạt thành viên trong dòng họ của mình cần mẫn cùng nhau làm giàu. Ông Mok chia sẻ: "Trước đây cứ trồng rồi khi nào cây có hiện tượng chết mới tưới nước, năng suất không đủ trả tiền phân bón. Từ ngày được cán bộ hướng dẫn cách hãm ngọn, sửa cành tạo hình, cắt, vặn chồi vượt, tưới nước, phòng trừ sâu đúng kiểu cách… quanh năm chả thấy cà phê mắc bệnh gì cả, cứ lên vùn vụt. Cả rẫy đậu phộng cũng thế, biết cách chăm sóc, chặn các dịch bệnh… năng suất gấp 3 lần trước kia. Cuộc sống đã khấm khá lên rất nhiều, con cái trong gia đình đủ điều kiện vật chất để có thể theo học ở các trường lớp ngoài thị trấn như bạn bè cùng trang lứa".

Theo Trung tâm nông nghiệp huyện Di Linh, việc triển khai mạnh mẽ việc chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho các thôn, buôn ở các xã khó khăn như Đinh Trang Thượng là rất cần thiết. Bí quyết để thành truyền đạt thành công là phải hiểu tâm lý bà con, chứng minh cho họ thấy rõ hiệu quả để ai cũng hăng say áp dụng. Khi người dân hiểu rồi thì phải liên tục củng cố kiến thức cho họ bằng cách liên tục tuyên truyền phổ biến ngay tại các xã. Cùng với đó, mở các lớp tập huấn kỹ thuật từ đơn giản đến nâng cao theo các cấp độ khác nhau cho người dân.  

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh