THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:30

Độc đáo văn hóa cao nguyên Đắk Lắk

Ngày nay, đến Đắk Lắk hầu như ai cũng ngạc nhiên trước một không gian văn hóa dân gian vô cùng sống động, phong phú, đa dạng của các dân tộc cư trú ở Cao nguyên này. Các nền văn hóa dân gian ấy thống nhất trong sự đa dạng và đa dạng trong sự thống nhất, tạo thành một bức tranh văn hóa dân gian Đắk Lắk với những mảng màu khác nhau, nhưng lại kết hợp khá hài hòa tạo nên một nét hòa sắc độc đáo, tinh tế của một phong cách Đắk Lắk, để rồi hình thành ba dòng văn hóa giàu bản sắc: Văn hóa bản địa các dân tộc bản địa Tây Nguyên - Trường Sơn; Văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc; Văn hóa dân tộc Kinh (người Việt), mang đủ sắc thái ba miền Bắc - Trung - Nam. Cả ba dòng văn hóa ấy tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam hiện đang có mặt và ngày càng phát triển, giao thoa, đan xen, bồi đắp cho nhau, tạo thành nền văn hóa Đắk Lắk phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, văn hóa cộng đồng ở Đắk Lắk là sự hội tụ của văn hóa nhà dài (Ê đê, M’nông) với văn hóa nhà rông (Ja rai, Ba na, Xê đăng) cùng nền văn hóa nhà sàn của các dân tộc thiểu số phía Bắc và văn hóa đình làng của người Việt. Nơi đây vừa có luật tục buôn, vừa có hương ước làng, bản... thể hiện sự gắn bó cộng đồng trong việc xây dựng và phát triển đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Cưỡi voi – nét văn hóa được nhiều người yêu thích khi đến Đắk Lắk.

Bên cạnh nền văn hóa cộng đồng là nền văn hóa cồng chiêng khá độc đáo của các dân tộc thiểu số Đắk Lắk, với sự hội nhập của dàn chiêng K’nah (Ê đê), Goong la, Goong pế, Goong lú (M’nông), Arap (Xê đăng, Ja rai) và các dàn chiêng Vân Kiều, Mường, Thái... rộn rã trầm hùng, ngân vang, tạo thành một bản hợp xướng giàu âm điệu của núi rừng Tây Nguyên. Đặc biệt, ở Đắk Lắk cồng chiêng của các dân tộc bản địa đã được thiêng hóa. Nó là công cụ duy nhất để con người thông tin với các vị thần linh trong trời đất, là âm nhạc không thể thiếu được trong đời sống cộng đồng, trong sinh hoạt văn hóa, trong nghi lễ và lễ hội của các buôn làng. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nền văn hóa cồng chiêng, năm 1993, Sở VH-TT&DL Đắk Lắk đã tổ chức tổng điều tra cồng chiêng trong toàn tỉnh, bước đầu đã thống kê được 5397 bộ cồng chiêng; đến nay đã thống kê lại còn gần 4000 bộ cồng chiêng khác nhau, đồng thời hàng năm đã tổ chức ngày hội văn hóa cồng chiêng từ tỉnh đến cơ sở, qua đó gây lòng tự hào dân tộc và động viên đồng bào tham gia gìn giữ nền văn hóa cồng chiêng độc đáo của dân tộc mình. Đặc biệt, ngày 25/11/2005, UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, càng làm cho văn hóa cồng chiêng của Đắk Lắk, Tây Nguyên được tôn vinh và có giá trị trong cuộc sống cộng đồng.

Ngoài ra còn có thể kể đến hàng trăm làn điệu dân ca (lời nói vần) và trên 100 loại nhạc cụ khác nhau. Mỗi loại nhạc cụ đều có những nét độc đáo, hấp dẫn riêng. Chính vì vậy mà âm nhạc của các dân tộc thiểu số Đắk Lắk rất phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, có khả năng phát triển thâm nhập vào đời sống văn hóa đương đại và rất dễ dàng lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân yêu thích nghệ thuật âm nhạc dân tộc.

Đến Đắk Lắk, chúng ta sẽ được tham dự các nghi lễ nông nghiệp (ăn cơm mới, cúng hồn lúa, cầu mưa, cúng bến nước, ăn trâu - mừng được mùa)… Nghi lễ vòng đời người (đặt tên, thổi lỗ tai, trưởng thành, cúng sức khỏe, kết nghĩa anh em, lễ cưới, lễ bỏ mả…) khá độc đáo và sinh động của các dân tộc bản địa. Lễ Hội mùa xuân của các dân tộc thiểu số phía Bắc, Lễ Hội truyền thống của người Việt. Đó là những Lễ Hội vô cùng quan trọng trong đời sống cộng đồng của mỗi dân tộc. Nó mang trong mình sức sống và ước mơ lý tưởng nhằm cầu mong cho mỗi gia đình và cả cộng đồng ngày càng phát triển phồn thịnh. Về dự lễ hội, chúng ta sẽ được thưởng thức những lời ca, điệu múa của các dân tộc cùng hương vị rượu cần ngọt ngào nồng ấm và nghe các già làng kể sử thi (khan): Đam San, Xing Nhã, Dam Di, Khinh Dú, Đăm Tiông, Đăm Trao, Đăm Rao... của các dân tộc Ê đê và sử thi (Ót N’rông): Đẻ Tiăng, Bông - Rong và Tiăng, Ndu thăm Tiăng, Nước lụt, Đánh cá hồ Lau Lách, Tiăng bán tượng rỗ... của dân tộc M’nông cùng các sử thi nổi tiếng của nhiều dân tộc khác đang định cư ở Đắk Lắk như sử thi Mo Mường, sử thi của người Thái...

Còn rất nhiều loại hình văn hóa khác như: nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, thủ công, mỹ nghệ, trang trí hoa văn, múa, văn hóa ẩm thực, trang phục, giao tiếp, luật tục, phong tục tập quán... trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau, nó đều được hoàn thiện hơn, vừa có cái nét riêng của từng dân tộc vừa có cái chung của cả cộng đồng. Cùng với nền văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và văn hóa người Việt, văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng còn mang nhiều dấu tích của thời kỳ thị tộc, bộ lạc. Ở đây, việc quản lý buôn làng theo chế độ mẫu hệ với luật tục cộng đồng khá nghiêm ngặt. Mỗi buôn đều do chủ đất, chủ bến nước cai quản. Các thành viên đều phải chấp hành theo những quy định của luật tục và sống hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng làng. Trong một xã hội như vậy, lại gắn bó với thiên nhiên hùng vĩ, nên con người ở đây giàu trí tưởng tượng, giàu ước mơ, ý chí bất khuất, kiên cường, tâm hồn lạc quan và phóng khoáng.    

Đó là những tiền đề tất yếu làm cho văn hóa các dân tộc bản địa Đắk Lắk nảy sinh, tồn tại và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

BÁ THĂNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh