Độc đáo trò diễn Xuân Phả
- Văn hóa - Giải trí
- 07:33 - 04/02/2022
Trò diễn độc đáo
Lễ hội Lam Kinh xưa tổ chức theo nghi thức triều đình nhà Lê. Từ năm 1995 đến nay, Lễ hội Lam Kinh được tổ chức thường xuyên, với quy mô cấp tỉnh mang đậm nét văn hóa dân gian, truyền thống, đồng thời phát triển thêm những sắc thái mới của lễ hội hiện đại, tích hợp được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nhân văn, góp phần bảo tồn nền văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Lễ hội xưa diễn ra vào mùa xuân tháng 2 (âm lịch), sau đó được chuyển vào tháng 8 (âm lịch) nhân dịp giỗ vua Lê “Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi”.
Có dịp tham dự Lễ hội Lam Kinh, du khách sẽ được chứng kiến phần lễ tổ chức trang trọng, uy nghiêm, phần hội náo nhiệt, tưng bừng. Cách thức tổ chức Lễ hội Lam Kinh rất phong phú, vừa mang tính dân gian, vừa mang tính cung đình, kết hợp với nghệ thuật hiện đại, tái hiện lại các sự kiện: “Hội thề Lũng Nhai”, “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, “vua Lê Thái Tổ đăng quang”... và điều đặc biệt không thể thiếu trong Lễ hội Lam Kinh là trò diễn Xuân Phả.
Theo các bậc cao niên kể lại, trò diễn Xuân Phả thuộc làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân có từ thời nhà Đinh. Tích xưa kể rằng, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì trời tối và gặp mưa to gió lớn. Sứ thần cùng đoàn tùy tùng phải trú ngụ trong ngôi miếu nhỏ ven sông. Đêm đến, Thành hoàng làng Xuân Phả hiển linh báo mộng bày cách đánh giặc. Sứ giả trong lòng vô cùng phấn khởi, vội quay về kinh đô đem chuyện báo mộng tâu lên nhà vua. Nghe có lý, nhà vua lập tức thân hành cùng quan quân lên đường và đã làm đúng như lời dặn của vị Thành hoàng làng. Quả nhiên giặc bị tiêu diệt. Đất nước yên bình, nhà vua mở hội mừng công. Để tỏ lòng biết ơn vị Thành hoàng làng có công lớn với đất nước, nhà vua đã ban đạo sắc phong hiệu cho Thành hoàng làng Xuân Phả là “Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân” và truyền cho dân làng Xuân Phả lập đền thờ, đồng thời ban thưởng những điệu múa hát hay nhất, đẹp nhất mang tên làng Xuân Phả.
Trò diễn Xuân Phả gồm 5 điệu múa dân gian đặc sắc với tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm các trò: Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh, vừa tỏ lòng khâm phục vua nước Đại Việt, vừa tỏ mối giao bang hòa hảo.
Đạo cụ diễn trò hầu như được chế tạo công phu bằng những nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si... hấp dẫn với những lốt voi, lốt hổ, lốt ngựa, lốt kỳ lân, mặt nạ, mũ da bò, mũ nan, múa siêu đao, chèo thuyền, múa quạt hay những bộ trang phục đặc sắc của ông phỗng, ông chúa, của mế nàng... Các nhân vật tham gia trò diễn hầu như đều do nam giới đảm nhiệm và phải đeo mặt nạ, ăn mặc sặc sỡ với màu chủ đạo là đỏ, xanh và vàng. Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả là những chiếc trống, thanh la, mõ hoặc xênh tre tạo thành những âm thanh vui nhộn. Những động tác khi múa lúc uyển chuyển, nhịp nhàng, khi lại mạnh mẽ tạo nên cao trào, đem đến cho khán giả cảm giác rộn ràng, đứng ngồi không yên... Chính vì vậy, trò diễn luôn được người làng Xuân Phả gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay.
Nỗ lực để bảo tồn
Với ý nghĩa và giá trị to lớn, năm 2012 tỉnh Thanh Hóa đã đưa toàn bộ 5 trò diễn Xuân Phả nổi tiếng có tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” được ví như đỉnh cao của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam vào nội dung chính của Lễ hội Lam Kinh. Tháng 9/2016, trò Xuân Phả được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản này không chỉ là báu vật văn hóa của xứ Thanh, mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với du khách thập phương mỗi khi dự Lễ hội Lam Kinh.
Dành cả cuộc đời với từng trò diễn, Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân được xem là người còn nắm giữ đầy đủ nhất những kiến thức về trò Xuân Phả qua từng nhịp trống, điệu múa, cho biết: “Năm 1990, Nhà nước có chính sách phục hưng văn hoá dân tộc, xã Xuân Trường khi này mới bắt đầu khôi phục trò diễn Xuân Phả. Tôi là một trong số 20 thanh niên đầu tiên được các cụ trong làng lựa chọn để truyền dạy. Vào thời điểm đó, trong làng chỉ còn 4, 5 cụ còn đủ sức khoẻ để truyền dạy lại các trò trong Xuân Phả. Ngoài lắng nghe, mình còn ghi chép tỷ mỷ những lời truyền dạy của các cụ. Những ghi chép đó lại có dịp so sánh, bổ sung sau mỗi dịp lễ hội làng diễn ra, hay một dịp nào đó được đi lưu diễn trong và ngoài tỉnh. Cứ thế, qua thời gian tôi đã có quyển tư liệu riêng tương đối hoàn chỉnh về trò Xuân Phả. Trong cuốn tư liệu ấy, không chỉ miêu tả bằng lời các câu hát, động tác, mà còn minh hoạ các tư thế múa bằng hình vẽ để đảm bảo những người dân ít học nhất khi xem cuốn sách cũng có thể hiểu và múa được theo các động tác”, Nghệ nhân Hùng chia sẻ.
Khi các cụ cao niên trong làng, những người thầy dạy ông Hùng lần lượt về cõi tổ tiên, thì cuốn sách ghi chép của Nghệ nhân Hùng lại là cuốn tư liệu quý về trò Xuân Phả. Cũng từ đấy Nghệ nhân Hùng chính thức bước sang một vai trò mới - người thầy, người đạo diễn của dân làng Xuân Phả. Với mong muốn các con, cháu đời sau lưu giữ những hồn cốt nghệ thuật cha ông để lại, Nghệ nhân Bùi Văn Hùng không ngừng nỗ lực truyền dạy cho các thế hệ học sinh, người dân trong xã.
Nghệ nhân tâm sự: “Hàng năm, UBND xã Xuân Trường, UBND huyện Thọ Xuân đều xây dựng kế hoạch, chương trình bảo tồn, phát huy trò Xuân Phả theo cả chiều rộng và chiều sâu. Kể từ năm 2009, Câu lạc bộ do tôi chủ nhiệm cứ đều đặn hàng năm tổ chức truyền dạy bình quân cho trên 100 cháu học sinh. Học sinh lớp 8, 9 thì câu lạc bộ tổ chức truyền dạy để các cháu vừa làm quen vừa biết được truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm vừa rồi việc tổ chức dạy bị gián đoạn. Tuy nhiên, trước các kỳ lễ hội lớn của địa phương, Câu lạc bộ vẫn thường xuyên tổ chức cho các lứa tuổi trung niên ở các xóm, làng luyện tập để sẵn sàng phục vụ du khách tham dự lễ hội…”.
Với những giá trị đặc sắc, độc đáo, trò Xuân Phả đã vượt khỏi không gian làng quê xứ Thanh để tham gia các sự kiện quan trọng của tỉnh, của đất nước như: Lễ hội chào thiên niên kỷ mới (năm 2000), Festival Huế, Lễ hội Lam Kinh, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa... Qua những lần xuất hiện ấy, trò diễn Xuân Phả đã đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước. Với những bước đi vững chắc đó, trò Xuân Phả sẽ trường tồn mãi với thời gian...