THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:12

Độc đáo lễ hội Phá bàu của người Khmer ở Lộc Khánh

Phá Bàu của đồng bào dân tộc Khmer ở xã Lộc Khánh là lễ hội truyền thống. Đây là loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo riêng, nội dung phong phú, đa dạng của người Khmer ở Lộc Khánh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Lễ hội Phá Bàu phản ánh rõ đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Thông qua lễ hội, người Khmer ở Lộc Khánh cầu mong sự bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Không gian lễ hội được tổ chức ở 2 địa điểm là miếu Ông Tà (nơi thực hiện nghi lễ cầu xin bình an của người dân) và bàu nước (nơi thực hiện các nghi lễ chính, phần hội của hội bắt tôm cá).

Độc đáo lễ hội Phá bàu của người Khmer ở Lộc Khánh - Ảnh 1.

Đông đảo người dân địa phương và du khách thích thú tham gia lễ hội (ảnh: internet)

Già làng Lâm Bắc, ngụ ấp Chà Đôn cho biết: Người Khmer ở Lộc Khánh thường ở cạnh các bàu nước tự nhiên. Bàu được xem là tài sản chung của cộng đồng. Hiện bàu Ka Puốt là tài sản chung của cộng đồng người Khmer 3 ấp: Sóc Lớn, Ba Ven và Chà Đôn. Lễ hội Phá bàu được bà con tổ chức lần đầu tiên vào năm 1925, do các cụ Lâm Mơm, Lâm Mé, Lâm Chum, Lâm Mok… chủ trì. Từ đó, thông thường mỗi năm tổ chức 1 lần. Nhưng tùy vào điều kiện kinh tế, thời tiết mà lễ hội có quy mô khác nhau. Tuy nhiên cũng có những năm vì lý do khác nhau mà không tổ chức.

 "Nếu ngày xưa, để đánh bắt thủy sản, bà con phải phá bờ đập cho bàu cạn nước thì nay chỉ dùng nơm, lưới, vó… nên nguồn nước trong bàu vẫn giữ lại dùng tưới tiêu, cho gia súc uống. Cá, tôm bắt được, mọi người làm thức ăn tổ chức ăn uống tại chỗ. Những con cá lớn thường được nướng trên than hồng; cá nhỏ và tôm, tép dùng nấu canh thụt, canh bồi. Tất cả những ai tham gia lễ hội đều được mời thưởng thức" - già làng Lâm Bắc cho biết.

Độc đáo lễ hội Phá bàu của người Khmer ở Lộc Khánh - Ảnh 2.

Qua lễ hội Đá Bàu, người dân Khmer ở Bình Phước muốn gửi nguyện cầu cho bà con được bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu... (ảnh: internet)

Ông Lâm Đinh là người được giao nhiệm vụ giữ bàu nước từ năm 1998 tới nay cho biết: Bàu Ka Puốt trước đây rất rộng nhưng nay bị thu hẹp chỉ còn khoảng 1 ha. Hằng năm, đến mùa phóng sinh, hay các đại lễ, nhà chùa và phật tử thường mang cá đến đây thả. Nhờ vậy, trong bàu rất nhiều cá. Hằng ngày, mọi người có thể tới đây câu cá để cải thiện bữa ăn cho gia đình nhưng tuyệt đối không được đánh bắt theo kiểu tận diệt. Bởi, đó là tài sản chung, ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ, khai thác và phát triển. Việc đánh bắt tập trung chỉ được thực hiện vào ngày tổ chức lễ hội Phá bàu. Do hiểu được quy tắc của cộng đồng, tầm quan trọng của bàu nước trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Khmer nơi đây nên ít có trường hợp vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lộc Ninh cho biết: Hiện nay, huyện Lộc Ninh đã có phương án giữ lại 2 bàu nước để duy trì lễ hội. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ các bàu nước, ngăn chặn trường hợp xâm hại, đánh bắt cá trái phép trong các bàu nước. Thường xuyên bổ sung cá giống để phục vụ tốt hơn các hoạt động của lễ hội. Ngoài ra, tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh hiện có dự án phát triển du lịch cộng đồng do Ngân hàng châu Á tài trợ với nguồn vốn khoảng 14 tỷ đồng. Trong dự án này, bảo tồn lễ hội Phá Bàu là một trong những hạng mục được đưa vào triển khai thực hiện.

Thời gian tới, huyện sẽ triển khai giới thiệu, quảng bá di sản một cách đồng bộ, gắn hoạt động lễ hội với các loại hình phát triển du lịch ở địa phương. Hoạt động này vừa nhằm tạo điều kiện để di sản văn hóa biến thành tài sản góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương thông qua các loại hình dịch vụ nhằm thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Tương lai, đây cũng là nguồn lực đảm bảo để di sản văn hóa lễ hội được bảo tồn và duy trì thường xuyên.

Độc đáo lễ hội Phá bàu của người Khmer ở Lộc Khánh - Ảnh 3.

Đại diện Bộ VH-TT-DL tại TP.HCM (bìa phải) trao chứng nhận lễ hội Phá Bàu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo và người dân địa phương (ảnh: internet)

Bà Thị Chay, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, xúc động: "Đây là lễ hội truyền thống lâu đời của người đồng bào Khmer. Theo quan niệm của người Khmer, người bắt được cá trong lễ hội sẽ gặp nhiều may mắn và gia đình sang năm sẽ có một mùa màng bội thu".

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết: Xã có 50% dân số người dân tộc Khmer. Lễ hội Phá bàu tồn tại và phát triển từ bao đời nay, mang bản sắc văn hóa truyền thống của bà con đồng bào Khmer. Đồng thời thể hiện tính giáo dục, văn hóa ứng xử cộng đồng, tôn trọng quy tắc ứng xử, lòng tôn kính bề trên và tính liên kết cộng đồng. Đặc biệt, những người có công lao to lớn đối với dân làng. Với nhiều nét đặc sắc, ý nghĩa đó, lễ hội Phá bàu của cộng đồng người Khmer ở Lộc Khánh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh