Độc đáo trò diễn dân gian Xuân Phả
- Văn hóa - Giải trí
- 17:34 - 13/11/2021
Trò diễn độc nhất vô nhị
Theo tương truyền rằng, trò diễn Xuân Phả có từ thời nhà Đinh, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả (nay là làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) thì trời tối và gặp mưa to, gió lớn. Sứ thần cùng đoàn tùy tùng phải trú ngụ trong ngôi miếu nhỏ ở ven sông. Đêm đến, thần Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng bày cách đánh giặc. Sứ giả trong lòng vô cùng phấn khởi, vội quay về kinh đô đem chuyện báo mộng tâu với nhà vua. Nghe có lý, nhà vua lập tức thân hành cùng quan quân lên đường. Khi gặp giặc, nhà vua đã làm đúng như lời dặn của vị Thành hoàng làng. Quả nhiên giặc bị tiêu diệt, nhà vua chiến thắng trở về. Đất nước trở lại yên bình, nhà vua mở hội mừng công.
Nhớ ơn vị Thành hoàng làng Xuân Phả có công lớn với đất nước, nhà vua đã ban đạo sắc phong hiệu cho Thành hoàng làng Xuân Phả là “Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân” và truyền cho dân làng Xuân Phả lập đền thờ; đồng thời ban thưởng những điệu múa hát hay nhất, đẹp nhất mang tên làng Xuân Phả.
Trò diễn Xuân Phả gồm 5 điệu múa dân gian đặc sắc với tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm các trò Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh. Đạo cụ diễn trò hầu như được chế bằng những nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si… Các nhân vật tham gia trò diễn ăn mặc sặc sỡ, với màu chủ đạo là màu đỏ, màu xanh và màu vàng. Các loại đạo cụ diễn trò hấp dẫn với những lốt voi, lốt hổ, lốt ngựa, lốt kỳ lân, mặt nạ, mũ da bò, mũ nan, siêu đao, mái chèo thuyền, cờ chạy giải.
Trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2016
Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả là những chiếc trống, thanh la, mõ hoặc xênh tre tạo thành những âm thanh hết sức vui nhộn. Trò Hoa Lang là một điển hình, trò gồm 1 chúa, 1 mế nàng, 2 lính hầu, 10 quân và 2 người điều khiển ngựa. Đạo cụ cầu kỳ, với cờ, roi, quạt, siêu đao, mái chèo. Các con trò vừa múa vừa hát theo nhịp thanh âm của trống, nạo bạt, mã la, mõ tre, lúc khoan thai, khi dồn dập. Lời hát thể hiện tình bang giao và “chúc mừng tuổi vua vạn niên/ ngai rồng ngự trị dân yên thái hòa”…
Gìn giữ cho muôn đời sau
Theo các nghệ nhân ở địa phương, từ những năm 1930, trò Xuân Phả được mời đi trình diễn ở nhiều nơi, điển hình như năm 1935, trò Xuân Phả trình diễn tại hội chợ nông sản có các quan đầu tỉnh người Việt và người Pháp đến dự, năm 1936, vua Bảo Đại mời trò Xuân Phả diễn tại Hội chợ Kinh đô Huế, sau đó được đưa đi biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội. Sau cách mạng Tháng 8, trò diễn Xuân Phả đã đi phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp... Đến những năm 90, địa phương tiếp tục có chủ trương cho khôi phục lại trò Xuân Phả, thành lập ở mỗi làng một đội múa để biểu diễn trong các dịp lễ tế Thành hoàng hay các sự kiện của huyện, tỉnh, trung ương.
Hiện nay, hàng năm UBND xã Xuân Trường, UBND huyện Thọ Xuân đều xây dựng kế hoạch, chương trình bảo tồn, phát huy trò Xuân Phả cả chiều rộng và chiều sâu. Kể từ năm 2009 đến nay, địa phương thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng trò Xuân Phả cho lớp trẻ, chủ yếu là học sinh THCS, THPT trong xã, trong huyện, mỗi đợt từ 100-200 cháu. Không chỉ những diễn viên trong Đoàn nghệ thuật truyền thống múa Xuân Phả ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy giá trị của di sản Xuân Phả mà người dân trong làng, ai ai cũng tự nguyện tham gia các công việc liên quan như chuẩn bị trang phục, đồ diễn, nhạc cụ, đồ ăn, thức uống cho diễn viên... bởi nếu biểu diễn đầy đủ các trò diễn, trò Xuân Phả cần từ 220-230 người cho một lần diễn. Vì vậy có thể nói, trò Xuân Phả là trò diễn gắn kết tình làng nghĩa xóm, là nơi để mọi người yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Tháng 9/2016, Trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, có thể xem là bước đệm để đưa trò Xuân Phả tiến lên nấc thang giá trị cao hơn, trở thành di sản văn hóa nhân loại. Đây là mong muốn của chính quyền địa phương, như một cách để trao truyền và gìn giữ di sản cho muôn đời sau.
Lễ hội làng Xuân Phải diễn ra vào các ngày 9 - 10/2 âm lịch. Lễ hội thu hút người dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân và các vùng lân cận, du khách thập phương đến xem diễn trò. Vì thế mà từ xa xưa, người dân Thanh Hóa truyền miệng nhau câu: "Ăn bánh với giò không bằng xem trò làng Láng" (làng Láng là tên gọi dân gian của làng Xuân Phả).