THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:38

Phục dựng, bảo tồn nghệ thuật múa dân gian ở Điện Biên

Nghệ thuật múa dân gian truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên đã có bề dày lịch sử lâu đời và đã được bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị đến tận hôm nay. Đây là một trong những di sản văn hóa giàu giá trị, chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, liên quan tác động tới nhiều khía cạnh khác nhau trong kinh tế - văn hóa - xã hội và tình cảm, nhận thức của đồng bào dân tộc đó, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng, đồng thời là vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa truyền thống dân tộc cần được quan tâm gìn giữ.

Đối với các dân tộc Điện Biên, hầu hết những truyền thuyết về nghệ thuật múa đều do dân gian qua các thời đại truyền ngôn, truyền điệu lại, không có sách vở, cổ tự nào ghi chép. Nghệ thuật múa dân gian từ khi hình thành đã mang dấu ấn đậm nét của cư dân nông nghiệp mang bản sắc vùng cao, phản ánh mối quan hệ với thiên nhiên (đất, trời, mưa, nắng…), mang dấu ấn của không gian lao động và tập quán canh tác, đồng thời thể hiện nguyện vọng, ước mong về những vụ mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no thanh bình. Xuất phát từ nhu cầu ban đầu là giải trí sau thời gian lao động, các động tác hình thể dần được cách điệu và nghệ thuật hóa, trở nên bài bản và hàm chứa những giá trị tinh thần của người sáng tạo. Múa dân gian tồn tại trong cộng đồng một cách tự nhiên, vốn có như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần.

Trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, đến nay, nghệ thuật múa dân gian tỉnh Điện Biên đã đạt đến trình độ phát triển nhất định. Những động tác múa đạt đến tính khái quát, tượng trưng của nghệ thuật múa. Tuy nhiên, cùng với sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội với nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân ngày một nâng cao, một số thể loại, hình thức múa dân gian truyền thống đã có sự biến đổi, yếu tố nguyên bản cũng mai một, phai nhạt đi ít nhiều. Nghệ thuật múa dân gian đã và đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền khi những người nắm giữ di sản truyền thống đa phần đều đã có tuổi cao; rất nhiều điệu múa, dân vũ chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của người già, một số khác mai một hẳn, không ai còn nhớ đến. Nếu không kịp thời khai thác, tiếp thu lưu giữ rất có thể nhiều di sản văn hóa phi vật thể sẽ mai một, biến đổi thậm chí biến mất, không có khả năng phục hồi, đặc biệt là giới trẻ, thanh niên các dân tộc sẽ ít còn cơ hội tiếp cận được những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Múa dân gian của người Khơ mú

Múa dân gian của người Khơ mú

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa, nghệ thuật múa dân gian trong phát triển du lịch đang đặt ra những vấn đề cấp bách. Việc khai thác di sản quá mức, phát triển du lịch quá nóng, đem tới những mặt trái, những tác động tiêu cực đến nhiều di sản văn hóa nhất là đối với di sản văn hóa phi vật thể như múa dân gian.

Bảo tồn nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Điện Biên gắn với phát triển du lịch từ lâu đã là vấn đề được các nhà quản lý văn hóa quan tâm. Xuất phát từ quan điểm đó, mới đây Sở VHTTDL, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh Điện Biên và các đơn vị liên quan đã đã tổ chức triển khai đề tài nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn nghệ thuật múa dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên phục vụ phát triển du lịch, đồng thời nghiệm thu 10 tiết mục, thể hiện các điệu múa đặc trưng của 5 dân tộc đại diện là Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì.

Qua 6 tháng triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã phối hợp với các nghệ sĩ, nghệ nhân và những người có am hiểu về múa dân gian, sưu tầm, thu thập tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau phục dựng, bảo tồn 10 tiết mục, thể hiện các điệu múa đặc trưng của 5 dân tộc đại diện là Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì. Đây là những dân tộc có đặc trưng văn hóa riêng hết sức độc đáo, có nền nghệ thuật trình diễn dân gian phong phú, giàu bản sắc truyền thống và đã đón nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng như bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Các tiết mục đều được phục dựng, bảo tồn đều là  những điệu múa truyền thống được sưu tầm, lưu truyền trong dân gian, đảm bảo khai thác âm nhạc, đạo cụ và trang phục truyền thống của cộng đồng dân tộc. Qua đó, nhóm đề tài mong muốn mang lại cảm nhận chân thực và cái nhìn sâu hơn về di sản văn hóa, đồng thời đây sẽ là tư liệu khoa học đáp ứng cho nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa gắn với phát triển du lịch hiện nay và những năm tiếp theo, góp phần phát triển phong trào văn hóa cơ sở, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Nguyệt Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh