THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:46

Độc đáo tranh tường chùa Khmer Nam bộ

Nghệ nhân Lâm Phiên (chồng nghệ nhân Sơn Sà The) thực hiện một bức tranh ở chùa Khmer Sóc Trăng.

Nghệ nhân Lâm Phiên (chồng nghệ nhân Sơn Sà The) thực hiện một bức tranh ở chùa Khmer Sóc Trăng.

Người Khmer Nam bộ sống tập trung đông nhất tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang và về tôn giáo họ theo hệ phái Phật giáo Theravada (phật giáo nguyên thuỷ) hay Phật giáo Nam tông (Nam truyền). Đây là hệ phái được truyền vào Việt Nam theo con đường của các nhà truyền giáo Ấn Độ đi theo đường biển tới Srilanca, Mianma, Thái Lan, vùng sông Mê Kông - Campuchia và các tỉnh Nam bộ của Việt Nam. Do đặc trưng văn hóa Phật giáo phù hợp với đặc điểm văn hóa dân tộc, từ đó được cộng đồng nơi đây đón nhận và trở thành tôn giáo chính thay cho đạo Balamôn của người Khmer xưa. Phật giáo Nguyên thủy luôn thực hành theo lý tưởng truyền thống và cho rằng Phật là nhân vật lịch sử, con người có thật, chứ không phải là hóa thân của bất cứ thế lực, hay một đấng tối thượng nào, nên người Khmer rất tôn kính ngưỡng mộ, vì thế sự oai nghi của Ngài đã trở thành lý tưởng sống truyền thống trong cộng đồng.

Xuất phát từ nền tảng văn hóa truyền thống với đặc trưng văn hóa Phật giáo thể hiện rõ nét ở biểu tượng ngôi chùa, chính vì thế ở mỗi phum, sóc (đơn vị cư trú của người Khmer) đều xây dựng chùa để thờ Phật, với 5,4 triệu tín đồ, sinh hoạt tôn giáo và văn hóa, xã hội ở 453 ngôi chùa. Chùa Khmer Nam bộ có nhiều chức năng, vừa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, vừa là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá - xã hội của cộng đồng, hơn nữa nơi đây còn là môi trường giáo dục nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa tôn giáo dân tộc đặc trưng của cộng đồng người Khmer Nam bộ.

Đối với những công trình kiến trúc chùa Khmer, tất cả những giá trị nghệ thuật đều được nảy sinh từ ý niệm tôn giáo và đời sống tâm linh. Trong đó, nghệ thuật tranh vẽ tường là đặc trưng văn hoá Phật giáo của tộc người Khmer, với những tác phẩm được vẽ trên các mặt tường trong Vihia (chính điện) hoặc trong các Sala (trai đường) ở tất cả các ngôi chùa lớn, nhỏ. Tranh vẽ tường (mural painting) một thuật ngữ từ lâu được dùng để chỉ những bức tranh lớn được vẽ trực tiếp lên tường, trần nhà hoặc trên các bề mặt rộng bằng phẳng là một loại hình hội họa lâu đời nhất. Ngoài chức năng trang trí, những bức tranh tường trong chùa Khmer còn họa lại sự tích đức Phật, giáo lý của Ngài với mục đích giáo dục con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ.

Những bức tường thể hiện về cuộc đời đức Phật ở chánh điện chùa Ba Chóp, Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Những bức tường thể hiện về cuộc đời đức Phật ở chánh điện chùa Ba Chóp, Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Hầu hết những tác phẩm tranh tường ở các ngôi chùa Khmer Nam bộ đều được những người nghệ nhân thể hiện theo sự chỉ dẫn của vị sư cả nhà chùa, hoặc dựa theo cốt truyện tích Phật, hay tích truyện dân gian mà bất cứ người Khmer nào khi đã tới tuổi trưởng thành đều thuộc nằm lòng. Với đặc trưng văn hoá tôn giáo tộc người, Phật giáo Nam tông duy nhất thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) nên Ngài đã trở thành đối tượng sáng tạo nghệ thuật hội họa của người Khmer. Chính vì thế đề tài Phật giáo, nhất là tiểu sử cuộc đời đức Phật được vẽ lên tường đều thể hiện sinh động và ấn tượng. Đó là những cảnh thật mà cuộc đời đức Phật từ lúc sinh ra rồi trải qua bao thăng trầm trong tu hành khổ hạnh tới lúc đắc đạo, nhập niết bàn.

Đến tham quan chiêm bái những ngôi chùa Khmer, du khách sẽ bắt gặp những bức tranh tường lớn nơi chính điện những hình ảnh trang trí màu sắc rực rỡ của cây cỏ hoa lá, cuộc đời sự nghiệp của đức Phật cùng những nhân vật có liên quan từ kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại, được các nghệ nhân trang trí trên vách, trên trần khá phong phú và sống động. Đặc biệt cảnh Phật Thích Ca từ lúc mới sinh ra, đến cảnh Phật đi dạo trong thành, Phật xuất gia đi tu, Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề có rắn thần Naga che chở, Phật tu khổ hạnh, cảnh Phật đắc đạo, Phật thuyết pháp và cuối cùng là Phật nhập niết bàn.

Ngoài ra, nhiều ngôi chùa vẽ những tích truyện dân gian, các loại linh vật như rắn naga (niết), tonsai pôthisat (thỏ), reakchsây (sư tử), voi và những hình ảnh triết lý về sinh - tử của đời người, với những yếu tố văn hóa tích cực và tiến bộ. Đối với loại hoa văn trang trí, đề tài thường lấy ra từ trong thiên nhiên. Những đoá hoa sen (phka Chhuôk), hoa tha la (phka răng), hoa mai (phka Không khia), lá bồ đề (son lât pô) đều được thể hiện cách điệu với trình độ thẩm mỹ cao. Ngoài ra tiên nữ (têvôđa), vũ nữ (têp apsor, apsara), nữ thần đất (khôn hing) được vẽ những với mô típ trang trí trong chùa Khmer phong phú, đa dạng. Những tác phẩm tranh tường, ngoài được vẽ trên tường còn được vẽ trên trần của chính điện với nội dung thể hiện cảnh giao đấu giữa các tiên nữ và chằn tinh, cảnh tiên nữ làm lễ, dâng hoa... hết sức sinh động. Có thể thấy nội dung các bức tranh phản ánh triết lý nhân sinh, nguyên lý nhân quả thật sâu sắc của Phật giáo ở các ngôi chùa Khmer được xem như một thư viện bách khoa toàn thư về thế giới Phật học.

Nghệ nhân Lý Lết thực hiện tranh tường trong chính điện chùa Khmer.

Nghệ nhân Lý Lết thực hiện tranh tường trong chính điện chùa Khmer.

Không gian nghệ thuật của những bức tranh tường là khoảng không gian rộng lớn như trên trần, vách tường, bức bình phong trong ngôi chính điện, các dãy sala hay trai đường. Những bức tranh được thể hiện rất công phu, trước khi vẽ các nghệ nhân đều phải trải qua khâu định vị tỉ mỉ. Trước tiên phải tiến hành quan sát không gian và kết cấu xung quanh để khi thực hiện tác phẩm sao cho phù hợp với từng vị trí và theo trình tự không gian, thời gian nhất định trong Phật tích, hay trong từng câu chuyện truyền thuyết dân gian.

Để thực hiện một tác phẩm tranh tường mỗi người nghệ nhân có thể dùng nhiều chất liệu khác nhau, nhưng nói chung họ chủ yếu sử dụng loại sơn dầu và vẽ bằng cọ mềm, hoặc sử dụng các chất liệu như loại sơn màu kim nhũ, màu dạ quang trộn với sơn để vẽ, với một trình độ rất chuyên nghiệp. Đặc biệt với những bức tranh trang trọng, nhất là thể hiện về cuộc đời của đức Phật, các nghệ nhân đều dùng chất liệu sơn son thếp vàng, tùy theo thị hiếu, góc độ nghệ thuật và điều kiện kinh tế của mỗi ngôi chùa. Một trong những điểm để phân biệt giữa trang trí và hội họa cổ xưa và hiện đại của người Khmer đó là việc sử dụng màu sắc. Theo đó, các tác phẩm cổ xưa thường sử dụng màu nguyên với màu đen, đỏ, xanh lá, vàng ngược lại, các tác phẩm hiện đại thường vẽ bằng sơn dầu với các màu sắc pha chế đậm nhạt khác nhau làm cho những tác tác phẩm hội họa sinh động hơn. Bên cạnh ý nghĩa của nghệ thuật đường nét, hội họa Khmer đã thể hiện sự vận dụng màu sắc độc đáo riêng với gam màu nổi bật đặc trưng của người Khmer, đó là màu vàng - màu của y cà sa đức Phật.

Theo nghệ nhân nổi tiếng Lý Lết, sự khác biệt ấy không chỉ là việc sử dụng màu sắc mà còn về bút pháp, phong cách và cá tính sáng tạo của từng nghệ nhân trong tạo hình, trong đề tài. Bởi lẽ, trong quá trình tạo tác nên những bức tranh tường, người nghệ nhân không chỉ rập khuôn, tuân thủ theo các mẫu cổ điển mà còn thổi vào tranh nguồn cảm hứng nhiều cung bậc cảm xúc và phản ánh nhân sinh quan trong nhận thức tư duy bằng lăng kính nghệ sĩ một cách đầy biến hóa sáng tạo. 

Nữ nghệ nhân Sơn Sà The đang hoàn thiện bức tranh tường trong một ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng.

Nữ nghệ nhân Sơn Sà The đang hoàn thiện bức tranh tường trong một ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng.

Nội dung của những bức tranh tường trong các ngôi chùa Khmer Nam bộ đều thể hiện chính nghĩa chiến thắng gian tà, phản ánh những tiền kiếp của đức Phật đã từng trải qua. Nội dung các đề tài, chủ đề được tạo tác trong tranh đều ca ngợi sự toàn năng, toàn giác của đức Phật, ca ngợi triết lý thâm sâu màu nhiệm của Phật giáo.

Người nghệ nhân Khmer sáng tạo nên tranh Phật giáo không chỉ là theo đuổi đam mê vẻ đẹp bề ngoài, mà là nghệ thuật hội họa mang tính tâm linh thiêng liêng, bởi chính mỗi người nghệ nhân đều là phật tử hay một vị sư đem hết tài năng, tâm huyết và đức tin của mình để họa lại các chủ đề theo câu chuyện trong Phật tích. Đồng thời mỗi bức tranh tường là bản sao của xã hội người Khmer qua thời gian, vì thế tranh tường trong những ngôi chùa Khmer, ngoài giá trị mỹ thuật còn có giá trị lịch sử tộc người. Thông qua đó khẳng định tài năng nghệ thuật hội họa của người Khmer đã đạt đến đỉnh cao, với những tác phẩm tranh tường Phật giáo không chỉ có tính nghi thức tâm linh trang nghiêm, mà còn có nghĩa giáo dục rộng lớn, sâu sắc trong cộng đồng người Khmer Nam bộ.  

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh