THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:10

Độc đáo tranh thờ Tết của người Dao

 

Đặc sắc tranh thờ người Dao

Từ xa xưa cho đến nay, tục treo tranh thờ vào dịp Tết nguyên đán của người Dao ở xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa đặc sắc trong phong tục của đồng bào nơi đây. Những ngày cận Tết, cùng với việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu cho Tết Nguyên đán thì một nghi thức không thể thiếu của người Dao Quần chẹt ở Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) là phải treo tranh trên bàn thờ.

Tranh thờ luôn chiếm vị trí trang trọng trong đời sống người Dao.

Theo những cụ cao niên trong làng, tranh thờ tồn tại trong nghi lễ người Dao có từ rất lâu đời. Tranh thờ vẽ xong phải làm lễ khai quang, rồi cất đi bao giờ có việc mới đem ra treo, những bộ tranh hàng trăm năm vẫn được người dân nơi đây lưu giữ cẩn thận. Lễ cúng treo tranh mới hay còn gọi là lễ khai quang của người Dao được tổ chức theo nghi lễ trang trọng với cá lễ vật là một chén nước lã, một bát hương, 5 chén rượu trắng và 2 con lợn đã mổ và làm sạch. Lễ cúng bắt đầu lúc 1h sáng, thầy mo sẽ làm lễ cúng báo cáo với các thần linh, tổ tiên, thần rừng, thần núi, thần sông, cầu mong phù hộ cho con cháu một năm mới có sức khoẻ, có cơm no áo ấm, thóc lúa đầy nhà, lợn gà đầy chuồng…

Tất cả thủ tục, từ mổ lợn đến cúng và treo tranh đều được diễn ra trong đêm, khi trời sáng thì mọi việc phải hoàn tất. Đến lúc mặt trời lên, gia đình hạ cỗ và nấu nướng cho bữa tiệc mừng tranh mới. Lúc này bạn bè và bà con lối xóm mới đến chúc mừng và chúc phúc cho gia chủ một năm gặp nhiều may mắn.

Trong quan niệm của người Dao, mỗi gia đình phải có ít nhất một bộ tranh thờ. Người Dao chỉ thờ tranh vẽ, không thờ tranh in, người vẽ tranh phải là người có uy tín, được thầy truyền dạy thì bộ tranh mới có giá trị về mặt tâm linh. Trong mỗi gia đình phải có một trong số các bộ tranh là: Sò Phản, Hành xư, Tam Thanh Đại đường. Trong đó, bộ Tam Thanh Đại đường là bộ tranh quan trọng hơn cả, góp phần thực hiện trong nghi lễ Cấp Sắc, Tết nhảy, đám ma tươi, ma khô… Tranh được vẽ theo kiểu tranh dân gian với nét vẽ tả thực, các vị thần có vẻ mặt khác nhau nhưng đều có nét oai nghiêm, quyền lực.

Mỗi dịp lễ, tết khác nhau, người Dao lại có những loại tranh riêng. Trong đó phổ biến là bộ tranh Tam Tượng và bộ Đại Đường Quân. Hai bộ tranh này dòng họ nào cũng phải có, bởi vì không có thì không thể tiến hành các lễ cúng.  Bởi đồng bào Dao quan niệm tranh chính là cái hồn làm nên phong tục, tập quán của mình. Nếu thiếu đi những bức tranh thờ cúng là đồng bào Dao không thể thực hiện được những nghi thức trong lễ, tết như: Cấp Sắc, Tết Nhảy, tạ mả, đám ma tươi, đám ma khô.

 

Ông Triệu Hùng Cường là người vẽ tranh thờ người Dao duy nhất ở Thanh Hóa.

Người giữ “hồn” tranh thờ tộc Dao

Theo các cụ cao niên tại Thạch An xã Cẩm Liên, tục thờ bằng tranh được người Dao bảo tồn từ bao đời nay, tạo nên nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc. Tuy nhiên, người còn giữ nghề vẽ tranh thờ hiện nay lại rất hiếm, kể cả trong những cộng đồng người Dao sinh sống đông đúc. Người vẽ tranh thờ duy nhất ở Thanh Hóa hiện nay chính là ông Triệu Hùng Cường ở thôn Thạch An, xã Cẩm Liên. Ông Cường kể, từ xưa đến nay đồng bào Dao Quần chẹt Thanh Hóa đều phải lặn lội ra các tỉnh Thái Nguyên, Hà Đông để tìm thầy vẽ tranh.

Theo quan niệm của người Dao, không phải ai biết vẽ tranh, vẽ đẹp là đồng bào Dao mua tranh về để treo, mà bức tranh ấy phải là những người thầy có uy tín, được đồng bào Dao tín nhiệm, tin tưởng mới mời vẽ tranh. Bởi bộ tranh thể hiện sự trang trọng, uy tín và mang lại may mắn cho gia chủ. Với năng khiếu bẩm sinh về hội họa, cùng mong mỏi lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người Dao Thanh Hóa, ông Cường đã theo học các cụ cao niên trong làng, nghệ nhân nổi tiếng ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Gần chục năm qua, ông Cường được đông đảo đồng bào Dao tín nhiệm, tin tưởng mời vẽ tranh.

Cũng theo ông Cường, những bức tranh thể hiện quan niệm của người Dao về vũ trụ, triết lý và mối quan hệ giữa cuộc sống với con người và vạn vật. Trong đó bảo trợ cuộc sống của con người là 3 vị thần (còn gọi là Tam thanh) gồm: nguyên thủy thiên tôn - Ngọc thanh (thần cai quản trên trời); Linh bảo thiên tôn - Thượng thanh (thần cai quản trần gian); đạo đức thiên tôn – thái thanh (thần cai quản âm phủ). Trong 3 vị này, Ngọc thanh có vị trí cao hơn cả, 3 vị này có khi được vẽ độc lập ở từng bức ttranh, nhưng cũng có khi được vẽ chung hoặc vẽ cùng các vị thần linh khác. Tam thanh luôn giữ vị trí trung tâm trong các bộ tranh người Dao. 

Chất liệu sử dụng vẽ tranh là tấm giấy dó tùy theo kích cỡ bức tranh, sau đó dùng keo da trâu (da trâu khô nấu lên thành keo) làm chất kết dính, đồng thời keo da trâu pha với nước hòa cùng bột màu để vẽ tranh, tranh giữ được màu sắc tươi tắn mà không phai. Màu sắc mỗi bức vẽ tùy thuộc vào chủ đề hay nhân vật mà đưa ra những gam màu có đặc thù tương ứng như bức Tam thanh thì gam màu chủ đạo cũng như trang phục của Ngọc thanh thì chủ đạo là xanh da trời; Thượng thanh thì chủ đạo là màu xanh lá cây; Thái thanh chủ yếu là màu đỏ, đen. Tranh thờ của người Dao được vẽ theo kiểu tranh dân gian với nét tả thực, các vị thần có vẻ mặt khác nhau nhưng đều mang nét oai nghiêm. Màu chủ đạo trong tranh là xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen. Trong các bức tranh vẽ thần linh đều có vẻ mặt khác nhau, từng vị thần đều có nét uy vũ riêng biệt trên nền hào quang.

Trong số bộ tranh trong nghi lễ thờ cúng của đồng bào Dao, thì bộ Tam thanh đại đường rất quan trọng, cái hồn cốt trong thực hiện nghi lễ Cấp sắc, Tết nhảy, tạ mả, đám ma…. Trong đó có lễ cấp sắc, nghi lễ quan trọng bắt buộc người đàn ông Dao, chứng minh người đàn ông ấy đã trưởng thành. Vì người Dao quan niệm, trong đời nếu không có lễ cấp sắc, linh hồn sẽ mãi mãi không được khôn lớn và không được đoàn tụ với ông bà tổ tiên.

Ông Triệu Hùng Cường giới thiệu bộ tranh Tam Thanh Đại đường, mất 40 ngày mới hoàn thiện.

Ngoài ra người Dao tổ chức Tết Nhảy để tạ ơn trời, đất, long vương, thánh thần, tổ tiên; đồng thời còn là dịp để cầu mùa, cầu bình an, hạnh phúc, để con cháu đoàn viên, tri ân tổ tiên và gửi gắm ước vọng về cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, bộ Tam thanh đại đường được nhiều người đặt vẽ nhất, bộ tranh Tam thanh đại đường gồm 17 bức, trong đó có 12 bức to, 4 bức nhỏ gọi là Tứ phủ và 1 bức binh lính gồm 120 quân, hoàn thiện bộ tranh phải mất mất 40 ngày. Mỗi bộ tranh Tam thanh đại đường có giá khoảng 15 triệu đồng; bộ tranh khác có giá khoảng 5 triệu đồng.

Có thể thấy, tranh thờ Tết của người Dao là nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao. Tranh thờ Tết không chỉ là nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng của dân tộc Dao, mà còn mang tính giáo dục, hàm chứa những nội dung tri thức dân gian rất lớn. Vì thế, hàng trăm năm qua tục tranh thờ Tết vẫn được người Dao bảo tồn, lưu truyền.

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh