THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:36

Độc đáo Lễ tạ ơn Giàng Xứ của người Cơ Tu A Lưới

Nghi thức hiến tế sản vật nông nghiệp, tạ ơn núi rừng

 

Theo các già làng ở xã Hương Nguyên, từ xa xưa, một bộ phận người Cơ Tu đã di chuyển và dần định canh, định cư tại mảnh đất Hương Nguyên cũ, sau đó từ năm 1997, họ chuyển về sinh sống tại khu vực đèo Tà Lương trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. Sinh sống trên dãy Trường Sơn, đồng bào Cơ Tu ở miền núi luôn gắn bó mật thiết với rừng và hưởng lợi từ rừng núi, cộng đồng người Cơ Tu xã Hương Nguyễn luôn luôn biết ơn, và tỏ lòng thành kính của mình đối với “thần núi sông”, “thần rừng”. Điều đó được thể hiện rõ nhất thông qua các lễ hội tâm linh mà con người nơi đây vẫn tổ chức thường xuyên trước đây, trong đó có Lễ tạ ơn Giàng Xứ - tạ ơn núi rừng và cầu mong giang sơn được yên ấm, thái bình, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa vụ tốt tươi. Lễ hội đã được đồng bào Cơ Tu truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác và đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, khơi gợi ý thức nhắc nhớ về nguồn, thiên nhiên, rừng núi với vai trò vị thế là vị ân nhân vĩ đại, thiêng liêng mà mỗi cá nhân đều phải ghi nhớ, nghiêm cẩn.


Người dân múa hát quanh cây nêu cầu mong những điều may mắn

 

Trải qua những biến cố lịch sử của quê hương, đất nước và những khó khăn trong cuộc sống của chính cộng đồng người Cơ Tu xã Hương Nguyên, suốt một khoảng thời gian dài, lễ tạ ơn Giàng Xứ đã không được người dân tổ chức, chỉ còn lớp già làng, những người uy tín ở thôn làng mới biết rõ được nghi thức tổ chức trọn vẹn mà nếu như không có sự kế thừa của thế hệ trẻ thì sẽ có nguy cơ bị quên lãng.

Trước nguy cơ mai một của một nét đẹp văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với việc gắn kết các cá nhân trong một cộng đồng hài hòa, cùng chung lợi ích, được sự hỗ trợ bởi Dự án Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống ở gần khu bảo tồn thiên nhiên Sao La do Huyện Đoàn A Lưới, UBND xã Hương Nguyên thực hiện, lễ hội đã được khôi phục và tái hiện trong 2 ngày 13 và 14/5 vừa qua. Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức sau 44 năm vắng bóng.

 

Các già làng Cơ Tu tỉ mẩn chuẩn bị trang phục để thực hiện các nghi lễ tại lễ tạ ơn Giàng Xứ

 

Lễ hội bao gồm 2 phần, gồm: phần nghi thức và phần hội. Trong đó, phần lễ nghi thức gồm có: Tạ ơn rừng núi vì những điều xấu đã xảy ra, dựng cây nêu, hiến tế nông sản sống. Đăc biệt chính lễ có nghi thức hiến tế khi các vật phẩm đã chín, tạ ơn ngọn đồi A BÁ nơi đầu nguồn nước của xã Hương Nguyên. Trong quá trình thực hiện nghi thức, mọi người cùng nghiêm cẩn chứng kiến hội đồng già làng hát lý đối đáp, hiến tế chuối, dứa, sắn, bắp, gạo... Sau đó, người dân cùng nhau múa điệu Tân tung za zã quanh cây nêu cầu mong may mắn vô cùng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa và phong tục của đồng bào Cơ Tu.

Bên cạnh phần nghi thức trang trọng, phần hội đã thu hút hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia chơi các trò chơi dân gian như kéo co, trèo cột mỡ; hát dân ca với các làn điệu Ba Bội, Cha chấp...; hơn 30 em trường mầm non xã Hương Nguyên cũng đã được trải nghiệm ở lễ hội truyền thống, học về các vật phẩm có trong lễ hiến tế, chơi trò chơi dân gian. Các thôn như Giồng, Tù Mú Tà Rá tham gia thi nấu ẩm thực truyền thống đậm đà bản sắc.

 

Ở phần hội, người dân đã cùng nhau tham gia nhiều trò chơi, hoạt động thể thao lành mạnh

 

Già làng Hồ Văn Hương (90 tuổi) cho biết: "Già dù tuổi cao, nhưng biết sáng nay có lễ cho Giàng Xứ, già nói con cháu đưa tới đây để chứng kiến. Lễ hội nuôi phần hồn người Cơ Tu, như nuôi cái cây để tre già măng mọc, những người thế hệ trước truyền dạy đạo lý cho thế hệ sau... Trước đó, người dân và già làng, những người có uy tín đã tham gia tích cực từ khi sưu tầm nghi thức theo nguyên bản, chọn địa điểm, thời gian, góp công, góp sức vào lễ hội".

 

Nhiều trẻ em cũng được đưa tới dự lễ hội

Và trải nghiệm các nghi thức của lễ tạ ơn núi rừng

 

Tham dự lễ hội, Bà Nguyễn Thị Sửu - Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết, Đảng bộ và chính quyền huyện rất quan tâm đến việc duy trì và phát huy bản sắc của các dân tộc ở A Lưới trong đó có đồng bào Cơ Tu. “Lễ hội tạ ơn Giàng Xứ là một phần bản sắc như thế cần được gìn giữ”, bà Sửu nói.

THẢO VI - BẢO HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh