Độc đáo Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer ở Đồng Nai
- Văn hóa - Giải trí
- 15:12 - 07/08/2021
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dân tộc Khmer hiện có 1.633 hộ với 6.255 khẩu, chiếm 3% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 0,2% dân số toàn tỉnh, sinh sống rải rác trên địa bàn các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa. Một số ít đồng bào dân tộc Khmer sống thành làng như: Ấp Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán có 70 hộ với 309 khẩu; ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ có 35 hộ với 116 khẩu; ấp Bình Minh, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc có 35 hộ với 175 nhân khẩu... Những năm gần đây có khoảng 190 hộ với trên 860 khẩu đang sống tạm trú tại địa bàn xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất.
Theo thông lệ hàng năm, Lễ Sene Đôn ta (lễ cúng ông, bà) là một trong ba lễ chính của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ Sen Dolta được diễn ra trong 3 ngày theo một trình tự cụ thể. Vào ngày thứ nhất, nghi lễ được diễn ra tại nhà, dưới sự chứng kiến của già làng, thân tộc. Sáng sớm, các gia đình dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ Phật, chuẩn bị chăn, màn, chiếu, gối và bộ quần áo mới để rước ông bà về dự. Một mâm cơm được bày lên, gồm thức ăn với chén, đũa, rượu, trà, bánh... để nơi ban thờ. Tất cả anh em họ hàng phải tập trung ngồi quanh mâm cúng theo thứ bậc, chắp tay lạy những người thân đã quá cố. Sau 3 lần rót rượu và trà khấn vái, gia chủ gắp thức ăn mỗi món một ít, rót một chút rượu, trà và 4 chén cơm để cúng, sau đó đem đi đổ tại bốn góc rào xung quanh nhà, mỗi nơi cắm một nén nhang mời ông bà về dự cùng con cháu.
Ngày thứ hai được tổ chức tại chùa vì họ quan niệm linh hồn ông bà, cha mẹ đã ở chùa từ tối hôm qua. Các gia đình chuẩn bị lễ vật như: Mía, bánh tét, khoai mì, khoai từ (còn sống)... mang lên chùa để cúng Mọi người mời vị sư cả tụng kinh, cầu siêu cho linh hồn tất cả mọi nhà trong phum sóc. Buổi chiều, họ rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm cúng và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu.
Ngày cuối cùng là ngày cúng tiễn gia đình làm một mâm cơm, đặt 4 chén cơm và 4 đôi đũa ở 4 góc ban thờ cúng tiễn đưa vong linh ông bà. Gia chủ sẽ gắp thức ăn mỗi thứ một ít cùng khoai mì, khoai từ, bánh tét... đặt vào thúng để gửi ông bà mang về thế giới bên kia. Sau 3 ngày ông bà, tổ tiên được chứng kiến sự thành kính và cuộc sống ấm no của người thân, con cháu, bây giờ các linh hồn này lại phải trở lại cõi vĩnh hằng.
Lễ Sen Dolta của người Khmer là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh to lớn của con cháu về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục đối với ông bà, cha mẹ những người quá cố. Lễ Sen Dotal còn thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo tín ngưỡng trong những ngôi chùa Khmer ở tỉnh Đồng Nai nói riêng và ở khu vực Nam bộ nói chung.
Trước mùa lễ, tại các ấp có đồng bào Khmer sinh sống như được khoác lên mình màu áo mới. Các chùa Khmer được trang hoàng rất chu đáo, báo hiệu một mùa lễ sung túc, ngập tràn niềm vui.
Mỗi một gia đình của người Khmer đều thực hiện nghi thức trang trí lại nhà cửa, quét dọn bàn thờ tổ tiên, rồi tự tay làm những loại bánh trái, cơm nước cúng ông bà và dâng lên chùa thể hiện lòng hiếu hạnh và biết ơn đối với những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống, tạo nên sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng.
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp luôn quan tâm đến các hoạt động của Lễ Sen Dolta. Năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid tại 2 chùa, Lễ Sen Đolta năm nay không rộn ràng bằng những chương trình nghệ thuật, các hoạt động thể thao truyền thống như mọi năm; nhưng bù lại, bà con luôn ý thức chấp hành các quy định phòng chống dịch luân phiên thực hành nghi lễ cúng, một bầu không khí ấm áp, chan chứa tình người khi các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đến thăm, tặng quà cho các hộ gia đình nghèo, hộ chính sách người khmer, tổ chức thăm và chúc lễ tại hai chùa với tinh thần chung là vừa đảm bảo an toàn, vừa giữ được truyền thống và bản sắc.
Sen Dolta là lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer Nam bộ, mang màu sắc tín ngưỡng dân gian xen lẫn tôn giáo, chứa đựng nhiều yếu tố tích cực. Lễ hội thể hiện truyền thống đạo lý “cây có cội, nước có nguồn” của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn và giáo dục đạo đức sâu sắc. Bên cạnh đó, qua nội dung của lễ hội làm cho gia đình sum họp, đầm ấm; thắt chặt tình đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau trong phum sóc. Lễ Sen Dolta là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm hỏi, bàn bạc, trao đổi chuyện tương lai. Qua đó làm cho tình thân tộc, nghĩa gia đình đầm ấm, thắt chặt tình đoàn kết trong phum sóc. Đồng thời, nó còn mang một ý nghĩa sâu sắc là sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết giữa đồng bào Khmer với các dân tộc khác trên vùng quê Nam bộ của Việt Nam.