CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:08

Độc đáo lễ Khảu hó của dân tộc Lào ở Sơn La

Người dân tộc Lào có mặt ở tỉnh Sơn La từ rất sớm, chiếm 0,3% dân số toàn tỉnh tập trung chủ yếu ở hai huyện: Sông Mã và Sốp Cộp. Đặc biệt, đây là một dân tộc bảo tồn được nhiều phong tục, tập quán, lễ nghi mang đậm bản sắc tộc người, trong đó có lễ Khảu hó (mừng cơm mới). Đặc biệt đây là ngày tập trung tất cả con cháu trong gia đình, những người đi xa trong ngày này đều cố gắng trở về để dâng lễ lên tổ tiên và đoàn tụ gia đình, hàng xóm láng giềng.

Người dân tộc Lào có nhiều cách để xác định thời gian làm lễ, nhưng cơ bản là bằng các yếu tố tự nhiên, bằng quy luật mùa vụ, bằng lịch thời gian. Khi mùa màng đã thu hoạch xong, đồng bào thờ cúng và khấn trời phật, tổ tiên, ông bà phù hộ cho mưa thuận, gió hòa để cho mùa sau thu hoạch năng xuất cao hơn vụ mùa trước. Thường thì các gia đình tổ chức lễ cúng từ 10g sáng.

Lễ Khảu hó có nhiều ý nghĩa: Mừng cơm mới, cúng tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho con cháu làm ăn thuận lợi, có sức khỏe, cúng giỗ những người đã khuất

Lễ Khảu hó có nhiều ý nghĩa: Mừng cơm mới, cúng tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho con cháu làm ăn thuận lợi, có sức khỏe, cúng giỗ những người đã khuất

Một điều mà người Lào kiêng kỵ không làm trong ngày Tết Khẩu Hó là việc sát sinh cho nên việc mổ trâu, bò, lợn, gà sẽ được chuẩn bị từ chiều tối hôm trước. Những công việc này sẽ được người nam giới trong gia đình đảm đương. Người phụ nữ sẽ đảm nhận công việc như chuẩn bị nguyên liệu hoa quả, bánh và gói xôi lại cùng các loại thịt để dâng lên tổ tiên. Sau khi chế biến xong các loại lương thực, thực phẩm, người ta gói đồ lễ lại bằng lá dong (hó khảu). Trong gói đồ lễ bao gồm một nắm nhỏ xôi cốm, một nắm nhỏ xôi trắng; một vài con ong; 1 con dế mèn; thịt gà, thịt vịt, thịt nhái, thịt ếch, cá trê... mỗi thứ một miếng. Trong mỗi gói có thể đủ các thành phần, có thể thiếu một vài món. Mâm cơm cúng cũng không thể thiếu rượu được chưng cất từ gạo nương và phải được bày biện trên mâm làm bằng chất liệu gỗ hoặc mây, tre. Khác với dân tộc khác, khi bày biện mâm cơm cúng tổ tiên, người Lào không thắp hương và công việc khấn vái sẽ được người nam giới trong nhà hoặc thầy cúng thực hiện.

Thường có 5 mâm lễ gồm: các loại rau, củ, quả, hoa râm bụt, và các gói Khảu hó. 5 mâm lễ được đặt ở các vị trí: bàn thờ tổ tiên để cúng tổ tiên; đặt giữa nhà để cúng giỗ người đã khuất; đặt trên chiếc ninh đồng ở góc bếp để cúng hồn ông chủ nhà; đặt ở bàn thờ ngoài vườn để cúng bên ngoại; đặt ở ngoài hành lang để cúng chúng sinh; đặt dưới gầm sàn để cúng bồ thóc.

Chuẩn bị các mâm cúng xong, chủ nhà bắt đầu cúng. Sau khi cúng xong, người ta sẽ làm thủ tục mở gói. Tục mở gói có thể do ông chủ nhà chủ trì hoặc giao cho vợ chồng con trai, con gái chủ trì. Lễ mở gói chính là để hưởng lộc của tổ tiên và cùng tham gia cuộc thi đố vui. Sau đó, gia đình dọn cơm để cả nhà ăn. Trong mâm cơm, ngoài gia chủ, con cháu về đoàn tụ còn có hàng xóm, những người khách được mời là dân tộc khác ăn Tết cơm mới cùng gia đình. Mọi người ăn cơm, uống rượu hỏi thăm, chúc tụng nhau. 

Lễ mừng lúa mới của dân tộc Lào tại Sơn La là một trong những nét văn hóa đặc sắc vẫn còn lưu giữ được đến thời điểm hiện tại. Những nét văn hóa đặc trưng này cần được bảo tồn và lưu giữ để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc, đầy tính nhân văn của mỗi gia đình, dòng họ, bản mường của đồng bào dân tộc Lào. Hiện nay tuy phần nghi lễ đã được đơn giản hơn nhưng vẫn được tổ chức đều đặn, có sức lan tỏa và cần được bảo tồn và phát huy.

Nguyễn Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh