THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:55

Độc đáo gốm cổ Bàu Trúc

In đậm văn hóa Chăm 

“Mỗi người Chăm luôn gìn giữ nghề gốm như giữ sự linh thiêng. Nếu người Chăm nào xem thường nghề gốm Bàu Trúc họ sẽ phải thú tội trong những đêm hội Katê, Ramưwan. Trong những đêm hội này, tiếng kèn Kanhi, Saranai của những nghệ nhân già réo rắt cùng nắng gió trên đỉnh tháp cùng với ánh mắt đăm chiêu nhìn những đốm lửa lò nung gợi nhắc những người Chăm phải khắc ghi cái nghề của ông cha mình vì đó chính là văn hóa nguồn cội”- Nghệ nhân Đang Y Linh giãi bầy.

Làng gốm cổ Bầu Trúc còn được coi như một bảo tàng mang đặc tính gốm truyền thống của dân tộc Chăm. Bàu Trúc hiện có 460 hộ với trên 2.000 nhân khẩu người Chăm, đa phần sống với nghề gốm. Theo truyền thuyết dân gian cũng như lời kể của các nghệ nhân già thì, Bàu Trúc có tên gốc là Paley Hamu Trok, có nghĩa là làng trũng, nhô ra ở phần cuối của triền sông. Tương truyền, ông tổ của nghề gốm Bàu Trúc là Poklong Chanh. Cách đây 1.200 năm ông đã dạy cho người dân trong làng cách nặn và nung đất sét thành vật dụng gia đình, đồ thờ cúng, đồ lưu giữ của cải.

 

             Nhiều nghệ nhân nặng lòng với gốm

Nhớ ơn này, hàng năm người dân Chăm tổ chức cúng tế long trọng Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê. (cuối tháng 9 dương lịch). Không giống như nhiều làng nghề khác, làng gốm Bàu Trúc ngày càng phát triển mạnh mẽ bằng những nét riêng biệt và độc đáo của nó. Đến Bàu Trúc, từ đầu làng đến cuối làng là hàng loạt các gian hàng trưng bày các sản phẩm gốm với đủ chủng loại khác nhau như bình hoa, tháp tượng được mô phỏng, các vũ nữ Apsara, bình, ấm nước, nồi niêu, chum vại, đàn, kèn, trống... Theo nghệ nhân Sử Thị Dinh thì hình như Bàu Trúc được trời ban ơn nên đất Bàu Trúc làm gốm rất đẹp. Đất sét là đất của dòng sông Quao và cát lấy ở sông Lu. Sau khi khai thác hết đất sét, người dân san lấp lại sản xuất thì 5 năm sau chỗ đất ấy có thể khai thác lại được. Làm ra được một sản phẩm gốm cũng lắm công phu. Đất sét phải đập nhỏ, luyện cho dẻo. Sau đó, đất được rưới nước vừa phải, trùm ủ trước một đêm. Sáng hôm sau, trộn đất với cát mịn nhào nhuyễn. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm gốm Bàu Trúc đều được các nữ nghệ nhân Chăm nắn và tạo hình hoàn toàn bằng tay, không dùng bất cứ dụng cụ này như bàn xoay, phay gọt…

Lúc đã tạo xong hình dáng, sản phẩm được đem phơi nắng nửa ngày, sau đó dùng mảnh sành, sứ để cắt, gọt rồi trà cho bóng sau đó bỏ vào lò nung ngoài trời. Nung gốm Bàu Trúc phải nung bằng củi, sau 4-5 giờ đốt với nhiệt độ khoảng từ 500-600C, gốm được lấy ra để phun màu (loại màu được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở trên rừng) rồi được đốt, nung tiếp, thêm 3 giờ nữa gốm sẽ đạt độ vừa chín. Sau khi nung chín, gốm Bàu Trúc sẽ có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, bợt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang dấu ấn, dáng vẻ đặc sắc của văn hóa Chăm.

 

                                                  Sản phẩm gốm Bàu Trúc hết sức độc đáo

Nghệ nhân nặng lòng

Nghệ nhân Đàng Xem ở làng gốm cổ Bàu Trúc là người nặng lòng với gốm cổ. Không quản ngày đêm, ông vượt qua những định kiến lao vào làm gốm và truyền dạy cho người khác.

 Từ xa xưa đến nay, các ngành, nghề truyền thống của tổ tiên thường giao cho nam giới đảm nhiệm. Nhưng ở làng gốm Bàu Trúc thì nữ giới nắm vai trò chủ đạo. Nhưng phụ nữ thường bận nhiều công việc gia đình nên công việc kém hiệu quả. Thế nên, năm 2000 thấy ông Đàng Xem xắn tay vào lò gốm, nhiều bà con dân tộc Chăm ngạc nhiên, thậm chí có người còn cho là kẻ “gàn dở”. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, ông quyết chí thực hiện ước mơ, bởi ngày ấy những gánh nồi, lu, lục bình. Đàng Xem say sưa chế tác những bức phù điêu, ngọn tháp, bình trang trí... với nét hoa văn tinh xảo của người Chăm. Hơn 10 gắn bó với nghề, giờ đây nghệ nhân Đàng Xem đã thành chủ hai cửa hàng gốm mỹ nghệ bề thế nhất làng. Khách hàng của ông giờ không chỉ trong nước mà còn vươn tầm châu lục. Mỗi ngày ông đều bỏ ra 3 tiếng đồng hồ truyền nghề cho thế hệ trẻ của người Chăm. Ông bảo: ''Nếu mất nghề này coi như mất cả linh hồn của người Chăm. Thế nên dù có phải thế nào cũng nhất quyết phải gìn giữ cho bằng được. Bây giờ thì đỡ chứ mấy năm trước có khi phải đi vay mượn tiền để trang trải cuộc sống vì bỏ nhiều thời gian đi truyền nghề rồi mà”.

Chia sẻ về thành công của mình, nghệ nhân Đàng Xem tâm sự: “Muốn gìn giữ và phát triển được nghề truyền thống, muốn có những sản phẩm tiêu biểu, người thợ phải lao tâm khổ tứ, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới sáng tạo nên những đề tài, mẫu mã mang nét đặc trưng riêng của dân tộc Chăm. Sản phẩm làm ra thể hiện được nét tinh tế và sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa dân tộc”. Đàng Xem còn vạch ra hướng đi cụ thể, bà con yên tâm phát triển làng nghề. Đàng Xem cũng cơi nới nhà xưởng, tuyển thêm thợ giỏi chế tác đồ gốm mỹ nghệ. Ông còn chủ động cất công vào Nam, ra Bắc giới thiệu quảng bá sản phẩm gốm Chăm và tìm đối tác cho làng gốm cổ Bàu Trúc. Không chỉ dạy cho lớp thanh niên, Đàng Xem còn hướng đến các học viên là các cháu học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Mỗi lớp đào tạo trong thời gian 3 tháng vào dịp hè. Từ năm 2006 đến nay ông đã mở được gần 20 lớp, đào tạo hơn 600 học viên tuổi học sinh. 

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh