CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

Báo chí người đồng hành cùng đồng bào các dân tộc thiểu số

Món ăn tinh thần” giúp dân giảm nghèo

Những năm qua, cùng với nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, việc chăm lo đời sống văn hoá tinh thần, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương rất chú trọng.

Từ năm 1991, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tiến hành cấp phát miễn phí 5 ấn phẩm báo in cho các địa phương vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1637/QĐ-TTg về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Sau khi Quyết định 1637 kết thúc, ngày 20/7/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 975/QĐ-TTg thực hiện tiếp việc cấp một số báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở vùng này.

Điểm mới trong Quyết định 975 so với Quyết định 1637 là ở chỗ, danh sách các báo, tạp chí cấp phát miễn phí tăng số lượng lên là 24 ấn phẩm của 19 cơ quan báo chí và mở rộng đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là chủ trương đúng đắn, là sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước ta trong việc nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và phù hợp với nguyện vọng của đồng bào.

Thực hiện Quyết định 975/QĐ-TTg, các cơ quan báo chí đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2006-2010, đã có 166.042.168 tờ báo và tạp chí cấp cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các trường dân tộc nội trú, đồn biên phòng, thư viện với tổng kinh phí là 263 tỷ đồng.

Mặt khác, triển khai thực hiện Quyết định 2472/QĐ - TTg, ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015, theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc (UBDT), 100% báo chí được cấp phát đúng đối tượng, đảm bảo về chất lượng nội dung, số lượng, địa chỉ, cũng như đúng thời gian quy định. Các báo, tạp chí đã bám sát định hướng nội dung tuyên truyền do Ủy ban Dân tộc gợi ý. Tin, bài, ảnh đăng trên các báo, tạp chí ngắn gọn, ảnh rõ nét, trình bày đẹp, dễ đọc, dễ xem, cơ bản phù hợp với trình độ dân trí và nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp đồng bào dễ đọc, dễ hiểu và nhớ lâu.

Theo khảo sát của UBDT, công tác quản lý, sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí ngày càng được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm hơn. Những xã có điều kiện về cơ sở vật chất, có điểm bưu điện văn hóa xã, báo chí được lưu giữ ở các điểm bưu điện cho mọi người cùng được sử dụng. Đối với những xã có loa truyền thanh, các thông tin trên báo, tạp chí được chọn lọc, biên tập lại và phát trên loa. Đối với những ấn phẩm cấp cho hội phụ nữ, hội nông dân được sử dụng làm tài liệu sinh hoạt hội...

Nhìn chung, các ấn phẩm báo, tạp chí được người dân đón nhận khá nhiệt tình bởi hình ảnh bắt mắt, nội dung thiết thực với bà con. Nhiều nơi, người dân đã chủ động đến nhà trưởng thôn mượn về đọc và chuyển cho nhiều người khác cùng đọc, cùng bình luận, trao đổi.

Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, ít có điều kiện tiếp cận thông tin mọi mặt của xã hội. Do đó, báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận nâng cao dân trí và văn hóa đọc, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. Các ấn phẩm báo chí bám sát nhiệm vụ chính trị, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Định hướng nội dung tuyên truyền trên cơ sở tôn chỉ mục đích và nhiệm vụ được giao, nhiều chuyên trang, chuyên mục như: các mô hình kinh tế, các kinh nghiệm làm giàu, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; gương điển hình về sản xuất giỏi; những kiến thức về bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc; phê phán những phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội...

Các cơ quan báo chí thường xuyên đề xuất, kiến nghị với các cơ quan ban ngành Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề mới phát sinh nổi cộm, bức xúc, tháo gỡ những khó khăn trong đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

Thực tế trong các cuộc họp với báo chí do UBDT tổ chức đã chỉ ra rằng, Báo chí phát huy vai trò là người đưa đường chỉ lối bằng việc chuyển tải những câu chuyện có thật, những con người cụ thể, kịp thời tuyên truyền, cổ vũ, động viên gương người tốt việc tốt… các tin, bài gần gũi, dễ đọc, những bức ảnh sinh động, rõ nét, trình bày đẹp, phù hợp với trình độ dân trí và nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thông qua việc tiếp cận với báo, tạp chí, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thêm kiến thức trong sản xuất, đã áp dụng quy trình canh tác mới, chủ động đầu tư thâm canh, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi, trở thành nhân tố điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Qua đó khơi dậy trong mỗi người dân ý thức tự giác vươn lên, tương trợ lẫn nhau, xây dựng cộng đồng dân cư no ấm, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống, xây dựng cuộc sống ngày một văn minh, tiến bộ.

Từ việc đọc báo chí, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cùng những nét đẹp trong phong tục, tập quán và phê phán những hủ tục lạc hậu cũng được nhân rộng. Ngoài ra, những thông tin và hình ảnh đến với đồng bào đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần ngăn chặn những luận điệu tuyên truyền phản cách mạng, giúp cho đồng bào nêu cao cảnh giác và phân biệt rõ những vấn đề tiêu cực nảy sinh trong cuộc sống, củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.

Ảnh trong bài: Báo chí đến với đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Mạnh Dũng

Bên cạnh đó, các báo và tạp chí đã giải đáp cho đồng bào những thắc mắc khi thực hiện chính sách dân tộc, giúp bà con hiểu thêm về sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với họ, từ đó củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đổi mới tư duy để phục vụ bà con tốt hơn

Việc cấp báo, tạp chí miễn phí cho đồng bào dân tộc, miền núi đã phát huy tính tích cực trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng... Thực tế là, trong các yếu tố góp phần làm khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, báo chí đã đóng vai trò tích cực.

Trong các cuộc họp tổng kết hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phu, lãnh đạo UBDT cho biết: Trong thời gian tới, UBDT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi, đánh giá về chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm báo, tạp chí cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời chỉ đạo các địa phương việc theo dõi quản lý, khai thác, sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng; phối kết hợp đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động của các báo, tạp chí làm công tác tư tưởng. Duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng các kỳ giao ban khối báo chí; chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền về các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại quan trọng, các sự kiện quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình chính trị ở địa phương và trong nước.

Về phía báo chí tham gia chương trình, cần tiếp tục biên tập và đổi mới nội dung, hình thức để phục vụ cho công tác tuyên truyền ngày càng có chất lượng hơn. Đồng thời chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Trong quá trình thực vẫn còn một số vấn đề như: Một số tờ báo, tạp chí có chỗ, có bài nội dung phản ánh còn chưa thực sự phù hợp với trình độ nhận thức đồng bào. Không ít tờ báo, chỉ phiến diện một chiều, không biên tập ngôn ngữ, văn phong gần gũi, dễ hiểu cho đối tượng đặc thù; lạm dụng về chữ nghĩa, ít đề cập đến đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc và việc xây dựng nếp sống văn hóa mới trên nền tảng đặc trưng văn hóa của từng dân tộc; chạy theo những chuyện “giật gân”, dễ ăn khách…

Thực tế là, việc phát triển nghề ở vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều trở ngại. Đồng bào cần nhất là có được những ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế. Trồng cây truyền thống như lúa, ngô chỉ đủ ăn, khá đông đồng bào miền núi hiện chưa tìm được hướng nuôi trồng cây, con gì là phù hợp, có giá trị kinh tế, giúp họ xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Mặc dù các loại cây có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào trồng như cao su nhưng phải chục năm sau mới đem lại giá trị kinh tế.

Trước mắt, trong khoảng thời gian chờ đợi thu hoạch rất cần có một giải pháp “lấy ngắn nuôi dài” giúp người dân ổn định cuộc sống. Vì vậy, báo chí làm sao tiếp cận và là cầu nối giữa người dân với các nhà khoa học để họ gợi mở ra những phương hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, miền trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau.

Đối với địa phương, nhiều nơi chưa biết tranh thủ, vận dụng kênh thông tin đặc biệt hữu ích của các báo, tạp chí để lựa chọn những bài viết có nội dung phù hợp tuyên truyền cho đồng bào thông qua các hình thức như đọc trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, đọc trên loa truyền thanh, qua đó vận động bà con lao động sản xuất. Thiết nghĩ, ý kiến phản hồi với các cơ quan báo chí cải tiến nội dung sao cho phù hợp với độc giả vùng cao là điều cần thiết. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các Đề án, các Quyết định của Chính phủ… tại mỗi địa phương, tranh thủ kênh thông tin đặc biệt hữu ích này cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi ngày một phát triển bền vững.

THANH NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh