CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:15

Doanh nhân truyền lửa khởi nghiệp cho sinh viên

Trong buổi tọa đàm chiều 5/10 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Thành chia sẻ từng có thời gian làm việc với sinh viên Singapore. Khi so sánh với sinh viên nước bạn, ông thấy sinh viên Việt Nam thiếu hiểu biết về kinh doanh, thị trường, sản xuất. Lấy ví dụ trong lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp cần ứng viên có thể giải bài toán chuyên môn, nếu ứng viên chỉ giỏi mỗi môn Toán thì chưa đủ sức cạnh tranh với những người thông hiểu cả về kỹ năng kinh doanh lẫn sản xuất.

Do vậy, chủ động học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường là cần thiết đối với sinh viên. "Nếu các bạn có kiến thức nền tảng về công nghệ, kinh tế hay quy trình vận hành của doanh nghiệp, tôi chắc chắn các bạn sẽ nhận mức lương rất cao sau khi ra trường", ông Thành nói.

Không những chủ động, sinh viên cần rèn luyện tính bền bỉ. Theo ông Thành, đây là điểm khác biệt rõ rệt giữa người thành công và kẻ thất bại. Đối với những thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường, sự bền bỉ được thể hiện qua việc lĩnh hội kiến thức. Dù không thể lĩnh hội kiến thức đa lĩnh vực, sinh viên nên tiếp thu một cách có định hướng, liên tục song hành với việc nhìn nhận giá trị của bản thân đối với xã hội và cộng đồng.

Doanh nhân truyền lửa khởi nghiệp cho sinh viên - Ảnh 1.

Ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Công nghệ tập đoàn CMC trao đổi với sinh viên tại buổi tọa đàm ngày 5/10. Ảnh: Tú Anh.

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, Giám đốc Công nghệ CMC khuyên sinh viên nên tìm sự hỗ trợ từ những nhà cố vấn (mentor), đặc biệt mentor trong lĩnh vực khởi nghiệp để hạn chế rủi ro. Hầu như không có sinh viên nào vừa tốt nghiệp có thể nắm rõ về thị trường nên cần thời gian tích lũy kiến thức.

Sinh viên không nên nghĩ rằng cứ thành lập công ty mới là khởi nghiệp. Ông Thành cho biết, hiện nay có hai dạng, một là khởi nghiệp trong doanh nghiệp, hai là khởi nghiệp cho riêng mình. Sinh viên trước khi đưa ra ý định cần cân nhắc kỹ bản thân phù hợp với phương thức nào để lựa chọn đúng đắn.

Khi khởi nghiệp, vấn đề thường được nhắc đến là chuyện thành công và thất bại, nhưng thành bại là do cách nhìn của mỗi người. Nếu dừng việc khởi nghiệp và nhận thua lỗ, điều này chưa hẳn là thất bại vì những kinh nghiệm từ cú ngã đó có thể được sử dụng để làm lại từ đầu hoặc đầu quân cho doanh nghiệp lớn. "Khi bạn khởi nghiệp và biết dừng lại kịp thời, đó không phải là thất bại. Việc bạn cố đấm ăn xôi, tiếp tục lao vào thua lỗ, đó mới là thất bại", ông Thành nói.

Trong vai trò diễn giả của buổi tọa đàm, ông Đoàn Việt Dũng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hesman, cho rằng khởi nghiệp là quá trình gian nan, sẽ có nhiều lúc muốn từ bỏ. Vì vậy để thành công, sinh viên luôn phải giữ vững lập trường. Ông kể từng có thời gian rơi vào khó khăn, bị đối tác lừa sạch tiền, mẹ bị ung thư, họ hàng chê trách là "bất hiếu". Tuy vậy, ông quyết tâm làm lại từ đầu. Hiện tại, sau 5 năm khởi nghiệp, doanh thu của Hesman đã đạt ngưỡng trên 1.200 tỷ đồng.

Đồng tình với quan điểm của CEO Dũng, ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Nova, cho biết một trong những hành trang đầu tiên của khởi nghiệp là học tập chỉn chu, làm nhiệm vụ do nhà trường, đội nhóm hay doanh nghiệp giao phó đều phải nỗ lực. "Nếu ngày hôm nay không cố gắng thêm một chút, không lăn xả thêm một chút, các bạn sẽ đánh mất tương lai mà đáng lẽ xứng đáng được nhận", ông Hùng nhắn nhủ.

Theo TÚ ANH/Vnexpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh