Hợp tác APEC - Cơ hội và thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
- Tây Y
- 01:16 - 11/05/2017
Bộ Công Thương cho biết, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế là xu hướng phát triển tất yếu và ngày càng được mở rộng trong giai đoạn hiện nay, với tầm ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của các cơ chế đa phương và khu vực.
Trải qua quá trình 25 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã khẳng định được vị thế và vai trò đầu tàu của khu vực trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực sâu rộng, toàn diện theo tinh thần của Mục tiêu Bô-go, hướng tới tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực vào năm 2020.
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, sau gần 20 năm gia nhập APEC, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác của diễn đàn này. Có thể thấy APEC đã và đang mang lại cho các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam nhiều vận hội phát triển, song cũng đặt ra không ít thách thức buộc các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt.
Về thuận lợi, với 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 59% dân số, 50% lãnh thổ, hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu, APEC là một thị trường đặc biệt rộng lớn và tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác. Xu hướng thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại trong APEC đã mở ra nhiều cơ hội to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trong và ngoài khu vực.
Quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, APEC hiện là khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất, chiếm khoảng 78% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 79% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Thống kê thực tế những năm qua đã cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tương đối hiệu quả cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường châu Á Thái Bình Dương mang lại từ hợp tác APEC, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nền kinh tế thành viên không ngừng tăng lên theo từng năm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt khoảng 98,37 tỷ đôla; năm 2015 đã tăng lên khoảng 8% (tương đương 106,12 tỷ đôla) và đến năm 2016 đạt khoảng trên 119,69 tỷ đôla. Bảy nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ (đứng đầu), Trung Quốc (thứ 2), Nhật Bản (thứ 3), Hàn Quốc (thứ 4), Hồng Công - Trung Quốc (thứ 5), Malaisia (thứ 9) và Xingapo (thứ 10).
Một số đối tác quan trọng trong đó được biết đến như những nhà xuất khẩu trung gian lớn, thực hiện tái xuất hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sang các quốc gia phát triển; nhờ vậy hàng hóa Việt Nam ngày càng có cơ hội tiếp cận các thị trường ngoài khu vực và đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Không chỉ là thị trường xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, các thành viên APEC còn là những đối tác quan trọng của các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam, đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng và đặc biệt là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, phụ tùng nhằm phục vụ tích cực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng gia tăng trong nước.
Các cam kết quan trọng về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại trong khuôn khổ APEC có tác động tích cực và trực tiếp lên các hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp với các đối tác chủ yếu là thành viên APEC. Theo đó, các công đoạn nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất hay hàng hóa từ các thị trường châu Á láng giềng hoặc ngay cả các thị trường bên kia bờ Thái Bình Dương đều trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn đối với các doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi đáng kể từ cắt giảm thuế quan, các rào cản thương mại, thủ tục hải quan và tiết kiệm đến 5% chi phí giao dịch thương mại, từ đó hạ giá thành và từng bước cải thiện khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Quá trình tham gia hợp tác APEC đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để thành viên chia sẻ kinh nghiệm, các thông lệ tốt, khuyến khích nỗ lực riêng của từng thành viên thông qua các chương trình cải cách và hoàn thiện cơ chế chính sách trong 15 lĩnh vực của Kế hoạch Hành động Quốc gia (IAP), các chương trình hợp tác liên quan đến thuận lợi hóa thương mại, đầu tư của APEC như Kế hoạch Hành động về Kết nối (SCFAP), Chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs), hàng hóa và dịch vụ môi trường (EGS), Rà soát chính sách đầu tư v.v.
Đặc biệt, APEC còn tập trung hợp tác xây dựng năng lực thông qua các dự án trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh tế - kỹ thuật (Ecotech), tạo thuận lợi cho đi lại của doanh nhân (thẻ ABTC), hợp tác về y tế, giáo dục, thành lập Quỹ học bổng APEC v.v...
Việt Nam còn có thể tận dụng các kênh quan trọng như Đối thoại giữa Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và Chính phủ hàng năm; Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC và Chương trình Doing business with Viet Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực đồng thời mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh doanh.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực tận dụng các chương trình hợp tác trong khuôn khổ APEC, từng bước điều chỉnh cơ chế, chính sách, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tháo gỡ dần các rào cản về thương mại và đầu tư cho phù hợp với luật chơi chung.
Qua đó, Việt Nam đã và đang tận dụng hợp tác APEC cũng như các quan hệ song phương với các thành viên của diễn đàn nhằm mở rộng cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp dồi dào và ổn định, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại; góp phần tích cực thúc đẩy năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nội địa.
Bên cạnh những lợi ích và cơ hội mà tiến trình hợp tác APEC mang lại, về quan hệ song phương, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức không nhỏ. Các thành viên trong khu vực, ngoài việc hợp tác tích cực, còn có sự cạnh tranh khá gay gắt trong quan hệ thương mại và đầu tư.
Việt Nam có khoảng cách khá xa về trình độ phát triển so với các thành viên, nên gặp khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước. Thực hiện các cam kết về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khuôn khổ Diễn đàn đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ gặp phải không ít trở ngại từ áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ phía các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài khu vực APEC khi phải mở cửa thị trường và xóa bỏ dần các quy định bảo hộ đối với doanh nghiệp nội địa.
Thực tế cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa với trình độ công nghệ phát triển còn hạn chế, phương thức quản lý chưa phù hợp, chiến lược kinh doanh thiếu chủ động. Trái lại, sức cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ đến từ những nền kinh tế thành viên APEC vốn có trình độ phát triển khoa học - công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là điều không thể phủ nhận.
Đặc biệt trong các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, công nghiệp điện, công nghiệp chế tạo, vận tải biển v.v., sự cạnh trang tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh đe dọa khả năng tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước lại thiếu tính gắn kết chủ động và chặt chẽ với nhau, trong khi các hiệp hội chưa nâng cao sức mạnh và vai trò dẫn dắt trong chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và nâng cao năng lực kinh doanh của toàn ngành trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ bên ngoài.
Hơn nữa, cơ cấu kinh tế và thương mại của hầu hết các nước thành viên đều coi trọng việc đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài nên Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn lớn trong việc mở rộng và bảo vệ thị phần của mình ở cả trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tham gia hợp tác APEC nói riêng, đặc biệt là năm 2017, Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức APEC, hướng tới kỷ niệm 20 năm gia nhập APEC, ngoài những nỗ lực của Chính phủ trong quá trình điều hành, định hướng các sáng kiến phát triển trong khuôn khổ các hội nghị APEC, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực nắm bắt các cơ hội đầu tư, kinh doanh nhằm tối đa hóa lợi ích và tăng cường kết nối với các đối tác APEC để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cung ứng dịch vụ cho toàn khu vực và trên thế giới.