THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:55

Vụ 48 công nhân đòi tiền phụ cấp thôi việc tại Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm?

Bội ước, quỵt tiền phụ cấp?

Theo phản ánh của 48 lao động, nguyên là công nhân của Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên. Năm 2000, họ được ký hợp đồng lao động với công ty. Trong thời gian làm việc, những người lao động này luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đảm bảo đúng nội quy của cơ quan. Tuy nhiên, ngày 31/7/2013, họ bất ngờ khi được thông báo bị điều chuyển sang làm việc tại Liên doanh Công ty CPĐT Quốc Bảo – Công ty CPDV MT Thăng Long.

Đặc biệt, việc điều chuyển chỉ diễn ra sau một ngày thông báo khiến nhiều người không tránh khỏi ngỡ ngàng và lo lắng. Ngay thời gian đó, người lao động đã có ý kiến, tuy nhiên gần 1 năm sau (vào ngày 19/6/2014), đại diện Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên mới có buổi làm việc với tập thể người lao động này.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên đã cam kết “giải quyết đầy đủ các chế độ liên quan cho toàn thể người lao động khi chuyển sang đơn vị mới, như chi trả lương, phụ cấp, chốt sổ bảo hiểm xã hội...”. Cùng với đó là cam kết: “Sẵn sàng nhận lại công nhân khi người lao động có nhu cầu”.

Thế nhưng, tính đến nay đã hơn 2 năm trôi qua người lao động vẫn chưa hề nhận được một đồng trợ cấp nào. Mặt khác, khi người lao động viết đơn trình bày nguyện vọng trở lại làm việc liền bị Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên chối bỏ.

Thoái thác trách nhiệm?

Khi bị “đòi” tiền trợ cấp, Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên còn “phủi” trách nhiệm sang Liên doanh Công ty CPĐT Quốc Bảo – Công ty CPDV MT Thăng Long và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc.

Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên đã viện dẫn văn bản 94/BC-UBND ngày 20/07/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Yên trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 13 – HĐND tỉnh khóa XV. Theo lối trả lời đó, Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên đã không còn trách nhiệm với người lao động nữa. Cũng tại văn bản số 207/HC-CT ngày 21/10/2015 phúc đáp yêu cầu của người lao động, một lần nữa công ty cho rằng: “Sau khi chuyển giao sang đơn vị mới, công việc và chế độ khác của người lao động vẫn được thực hiện đầy đủ như đơn vị cũ...”.

Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao theo dõi và bảo vệ quyền lợi người lao động cũng chưa làm hết trách nhiệm. Tại văn bản phúc đáp UBND tỉnh Vĩnh Phúc số 1577/SLDDTBXH-LĐVL ngày 16/9/2015, do Phó Giám đốc Trần Việt Cường ký, Sở kết luận: “Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với 50 (có 48 người viết đơn kiện) lao động nêu trên, Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên đã thanh toán tiền lương, chốt sổ BHXH cho người lao động”. Rõ ràng, người lao động đang đòi tiền trợ cấp thôi việc nhưng trong văn bản này sở đã không nhắc đến mà chỉ tóm tắt qua loa về tiền lương và sổ BHXH.

Điều này khiến người lao động bức xúc. Một số người lao động cho biết: “Khi sang Liên doanh Công ty CPĐT Quốc Bảo – Công ty CP DV MT Thăng Long, chế độ của người lao động không được đảm bảo, chúng tôi không được đảm bảo điều kiện cần thiết về bảo hộ lao động, không được cấp phát đầy đủ bảo hộ thiết yếu phục vụ công việc; không được đóng bảo hiểm đầy đủ và theo đúng thang, bậc lương; công ty cũng chỉ cho người lao động ký hợp đồng 12 tháng. Đến 1/4/2015, Liên doanh Công ty CPĐT Quốc Bảo – Công ty CPDV MT Thăng Long lại chuyển chúng tôi sang làm tại Công ty CPMT&KCN Việt Nam và được ký hợp đồng lao động 12 tháng nhưng phải chịu các điều khoản bất lợi cho người lao động, trường hợp không ký sẽ phải nghỉ việc hoặc chuyển sang hình thức làm khoán”.

Vậy là từ chỗ đang có việc làm ổn định, doanh nghiệp đã đẩy người lao động đứng trước bờ vực thất nghiệp dài ngày và bị xâm phạm quyền lợi. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn giữ quan điểm là đã hết trách nhiệm với người lao động.

 

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Đoàn Luật sư Vĩnh Phúc (thuộc Công ty Luật TNHH Thái Hưng) cho biết: “Qua hồ sơ có thể thấy, Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên là đơn vị chấm dứt HĐLĐ với người lao động chứ không phải các công ty khác. Vậy nên chính Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên đã trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Điều này được cụ thể hóa tại khoản 1, điều 48, Bộ luật Lao động năm 2012: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10, điều 36 của bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương”.

VĂN NGHĨA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh