THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:34

Doanh nghiệp tại Huế kiến nghị đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động trở về từ vùng dịch

 
Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và đến kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung. Trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế 2020 chỉ đạt 2,22%, là mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch, dịch vụ chịu tác động nặng nề, tăng trưởng âm 0,55%, doanh thu du lịch giảm sâu, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2019; thiệt hại về doanh thu du lịch ước khoảng 8.000 tỷ đồng.

Bước sang năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế đã có khởi sắc, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 5,64%. Đây là mức tăng khá so với các tỉnh/thành vùng duyên hải miền Trung, trong đó khu vực du lịch, dịch vụ có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng 4,86%.

Tuy nhiên, do bùng phát dịch Covid-19 trở lại (lần thứ 4), ngành du lịch chịu tác động nặng nề, trong 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế chỉ đạt bằng 1/6 so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu chỉ bằng gần 1/3 so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu ngành du lịch bị thiệt hại ước hơn 6.000 tỷ đồng, lao động trực tiếp trong ngành bị nghỉ việc hơn 10.000 người, 90% cơ sở lưu trú dừng hoạt động. Cùng với ngành du lịch thì nhiều ngành khác cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trong 2 năm qua, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm hơn 120 doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngưng tăng 291 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể ở mức cao 239 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp bị thiệt hại về doanh thu khoảng 4.255 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo đó, Thừa Thiên Huế đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương đến cộng đồng doanh nghiệp, như: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp kết nối, giao dịch.        

Các doanh nghiệp cũng đã chủ động trong tiếp cận các sàn giao dịch điện tử, vận dụng nền tảng chuyển đổi số để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp, thích ứng kịp thời trong trạng thái bình thường mới... Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi phải hoạt động trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp cũng gặp khó trong tiếp cận các hỗ trợ từ chính quyền, các gói hỗ trợ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 5/11/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị về thực trạng, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế trong điều kiện “bình thường mới” gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp mong muốn tỉnh Thừa Thiên Huế tạo điều kiện tiêm phòng vaccine cho người lao động, đặc biệt là lao động trong ngành du lịch - dịch vụ để đảm bảo thực hiện cơ chế “hộ chiếu vaccine”, “thẻ xanh” trong thời gian tới; tiếp tục có các chính sách miễn giảm thuế, lãi suất vay vốn ngân hàng, lệ phí bến bãi, phí cầu đường bộ, phí bảo trì đường bộ… Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; triển khai các gói kích cầu du lịch trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai nhanh chóng việc xét nghiệm; hạn chế việc cách ly, phạm vi cách ly đối với các doanh nghiệp có lao động được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch tốt.  Đồng thời, cần thống nhất các biện pháp phòng chống dịch giữa các địa phương trên địa bàn để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động trở về từ vùng dịch. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, kết nối công tác tuyển dụng, giải quyết việc làm cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Đại diện doanh nghiệp đề nghị Thừa Thiên Huế đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động trở về từ vùng dịch

Đại diện doanh nghiệp đề nghị Thừa Thiên Huế đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động trở về từ vùng dịch

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế Hồ Dần cho biết, Sở đã đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, dạy nghề và triển khai chương trình giới thiệu việc làm cho các lao động. Tuy nhiên qua khảo sát, nhu cầu ở lại làm việc của người dân vẫn chưa rõ ràng và do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đến hiện tại, các kế hoạch, chương trình vẫn chưa thể thực hiện được.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, như: Công an, Cục thuế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế đều cho biết, trong thời gian qua đã hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn về xuất nhập khẩu, giảm mức thuế và lãi suất vay vốn, đầu tư tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh. Các cơ quan này đều thống nhất quan điểm sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh trong thời gian tới.

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, doanh nghiệp là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần quyết định vào tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội khác. 

Gần đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và đến kinh tế - xã hội nói chung. Các ngành hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Theo ông Phương, trước tình hình đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông Phương cho rằng, hiện nay tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy điều tất yếu hiện nay là cần thích ứng an toàn để sống chung với dịch. Để làm được điều đó, Thừa Thiên Huế sẽ phấn đấu đẩy nhanh công tác tiêm phòng, tăng cường độ bao phủ vaccine trong toàn dân. Các doanh nghiệp, người lao động cần nâng cao tinh thần phòng, chống dịch để từng bước phục hồi kinh doanh, sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế bám sát các văn bản, quy định của Trung ương, của tỉnh để triển khai một cách kịp thời, nhanh nhất các chế độ chính sách ưu đãi đến các doanh nghiệp, người dân nhằm khắc phục hậu quả do Covid-19. Đồng thời cần sớm ban hành các giải pháp, chính sách, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh trong trạng thái “bình thường mới”.   

CT

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh