Doanh nghiệp ở TP.HCM sẵn sàng đón công nhân làm việc trở lại
- Bài thuốc hay
- 14:34 - 10/10/2021
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, một bộ phận rất lớn công nhân lao động rời TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tránh dịch. Vì vậy, các tỉnh, TP khu vực phía Nam đang thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi trở lại trạng thái “bình thường”.
Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải, hiện tại đã có hơn 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp tục khai trương, mở cửa trở lại.
Đánh giá kết quả sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND, “TP.HCM đánh giá, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu người dân, tạo nhiều việc làm. Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP đạt nhiều kết quả tích cực”, Phó Ban chỉ đạo nêu rõ.
Cũng theo ông Hải, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trước 1/10 có 70.000/288.000 lao động hoạt động (chiếm 24,3%), có 746/1.412 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 52,8%). Đến 6/10, có 164.000/288.000 lao động làm việc (đạt 56,8%) và có 972/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại (đạt 68,8%). Tại khu công nghệ cao, trước 1/10, có 25.000/50.000 công nhân làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, qua 6 ngày, số lao động tăng lên 27.300 công nhân (chiếm 54,6%) và có 88/118 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Từ đó cho thấy, các hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh đã thu hút ngày càng nhiều lao động sau khi khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, số lao động ở khu công nghiệp, công nghệ cao chỉ trên 50%, đây là bài toán rất lớn TP.HCM cần giải quyết. "TP trân trọng mời người lao động tiếp tục ở lại cũng như quay trở lại TPHCM để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh", Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ở khu công nghiệp TP cho biết, tại khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), ngoài 110/170 nhà máy sản xuất 3 “tại chỗ” với 6.000 lao động, từ đầu tuần đến nay có thêm 40 nhà máy hoạt động trở lại. Còn tại khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức) có gần 30 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Riêng tại khu chế xuất Tân Thuận, các khu công nghiệp: Cát Lái II, Lê Minh Xuân, Bình Chiểu, An Hạ…, có 80% nhân viên bộ phận văn phòng làm việc tại trụ sở công ty. Số công nhân đang ở các tỉnh giáp ranh với TPHCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương... đã được tiêm vaccine, cũng đang chuẩn bị lao động sản xuất.
“Các doanh nghiệp phải thực hiện bộ tiêu chí của thành phố quy định cho các doanh nghiệp, nhà máy, nếu đáp ứng đủ yêu cầu phòng ngừa dịch bệnh khi hoạt động. Ban Quản lý có trách nhiệm thẩm định, hậu kiểm. Hiện các doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị máy móc, vệ sinh công nghiệp để đón công nhân theo đúng quy định, công nhân tiêm 1 hay 2 mũi vaccine đều phải xét nghiệm trước khi vào làm việc”, ông Bé thông tin.
Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp TP.HCM (Hepza), các doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí theo quy định để sớm đón công nhân lao động trở lại nhà máy, xí nghiệp hoạt động trở lại. Trong đó, Hepza đang phối hợp với các cơ quan y tế thành phố, quận, huyện tăng cường tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho công nhân để họ đủ điều kiện quay lại nhà máy.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, công nhân của may tại Khu công nghiệp Tân Tạo, chia sẻ, trải qua 4 tháng thất nghiệp ở nhà chống dịch, hai vợ chồng tôi không biết làm gì để kiếm tiền, cuộc sống gia đình khó khăn chồng chất khi không có khoản thu mà khoản chi lai nhiều. Sau khi TP.HCM trở lại trạng thái “bình thường mới”, được đi làm trở lại chúng tôi vui mừng lắm, tuy nhiên chỉ có khoảng 30% công nhân của công ty đi làm lại thôi. Số người còn lại một phần là chưa tiêm vaccine hoặc về quê.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), cho biết, ngày đầu tiên, công nhân tiến hành sắp xếp lại hệ thống trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Ngoài yêu cầu công nhân giữ khoảng cách với nhau 2m, công ty đã thiết lập màn nhựa chắn giữa các bàn làm việc để hạn chế tối đa tiếp xúc, giảm nguy cơ lây lan dịch trong trường hợp có F0.
“Hiện công ty có đến 90% công nhân của công ty đã được tiêm vaccine, trong đó có 65% công nhân đã được tiêm 2 mũi. Dựa trên tiêu chí quy định cho phép tái hoạt động sản xuất của UBND TPHCM thì công ty có thể phục hồi khoảng 70%-80% công suất sản xuất. Trước mắt, công ty sẽ thương thảo với công nhân để tăng ca nhằm giải quyết nhanh những đơn hàng tồn đọng”, ông Hồng cho biết.
“Hiện công ty có đến 90% công nhân của công ty đã được tiêm vaccine, trong đó có 65% công nhân đã được tiêm 2 mũi. Dựa trên tiêu chí quy định cho phép tái hoạt động sản xuất của UBND TPHCM thì công ty có thể phục hồi khoảng 70%-80% công suất sản xuất. Trước mắt, công ty sẽ thương thảo với công nhân để tăng ca nhằm giải quyết nhanh những đơn hàng tồn đọng”.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3
Một trong những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp và người lao động được trở lại sản xuất sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách như tiêm đủ 2 liều vaccine; đảm bảo thời gian đủ 2 tuần sau khi tiêm liều thứ nhất (vaccine tiêm 2 lần) hoặc vaccine tiêm một liều; người lao động mắc COVID-19 đã khỏi bệnh có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền. “Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine trong công nhân lao động không chỉ giúp phòng, chống dịch được tốt hơn mà còn giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thành phố phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới,” ông Trực chia sẻ.
Chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể… vượt qua khó khăn, có thêm nguồn vốn để phục hồi hoạt động, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ qua Thông tư số 01, 03 và 14 như: giảm lãi suất, khoanh lãi, không nhảy nhóm,... Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn, vướng mắc có thể phản ánh trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM hoặc thông qua các Hiệp hội, Hội ngành nghề…
Riêng các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh có nhu cầu… có thể liên hệ với các Hội, đoàn thể tại địa phương, Ngân hàng Chính sách Xã hội để được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn với lãi suất thấp, bà Thắng cho hay.
Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực để thông quan nhanh cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh việc tạo thuận lợi thương mại với các doanh nghiệp ưu tiên về thủ tục hải quan và các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên đối với “Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại Cảng Cát Lái”.
TP.HCM sẽ thành lập Tổ điều phối giữa các địa phương trong Vùng để giải quyết khó khăn, vướng mắc về lao động, lưu thông, xuất nhập khẩu,... Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, phối hợp các địa phương đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất được lưu thông thông suốt; không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến chi phí xét nghiệm, doanh nghiệp (DN) phản ánh hiện nay DN phải tự chi trả chi phí xét nghiệm quá cao trong khi tình hình tài chính đang khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng chia sẻ, thời gian qua rất nhiều DN đã kiên cường để vượt qua những khó khăn, đặc biệt là giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ” hoặc triển khai bình ổn giá suốt thời gian giãn cách với việc trang trải kinh phí không hề nhỏ. Và hiện nay chi phí xét nghiệm cho nhân viên của các doanh nghiệp cũng là một gánh nặng khi hoạt động trở lại. Thấu hiểu điều này, TP đã có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về việc cho phép DN được hoạch toán các chi phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
“Thực trạng hiện nay có sự di chuyển một bộ phận người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam để về quê tránh dịch gây ra sự thay đổi về nguồn lực lao động. Nhưng cùng với đó, số lượng người dân từ các tỉnh, thành đăng ký trở lại TP.HCM để làm việc cũng khá nhiều. Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM đang kết nối, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phối hợp để đón lao động về TP.HCM. Về việc làm, người dân cần tìm việc làm có thể liên hệ lại với Công ty cũ hoặc Trung tâm giới thiệu việc làm của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM hoặc các tổ chức việc làm trên địa bàn để được hỗ trợ kịp thời”, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng thông tin.