THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:26

"Giữ chân" người lao động nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thời gian qua một bộ phận công nhân lao động rời các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tự phát.

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thời gian qua một bộ phận công nhân lao động rời các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tự phát.

Trước tình hình trên, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, hiện Tổng Liên đoàn vừa có văn bản gửi Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn các Tổng công ty về thực hiện một số giải pháp "giữ chân" người lao động nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, với quyết tâm cao và nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, dịch bệnh Covid-19 đã dần được khống chế, các địa phương đang khẩn trương bắt tay vào thực hiện lộ trình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”, “thích ứng, an toàn, linh hoạt”. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thời gian qua một bộ phận công nhân lao động rời TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tự phát. Tình trạng này có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn khi di chuyển, an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến.

 

Trước tình hình này, Đoàn Chủ tịch Tổng LDLĐ Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau đến từng người lao động, tại khu trọ, nơi cư trú, nơi đang làm việc hoặc qua ứng dụng công nghệ thông tin, về việc người lao động không tự phát rời nơi đang cư trú để về quê; nêu rõ các hệ lụy của việc về quê tự phát, động viên người lao động tiếp tục trở lại doanh nghiệp khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất.

Công đoàn cấp trên chỉ đạo công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như  trả “lương tạm nghỉ việc”, hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả; viết thư hoặc nhắn tin mời người lao động đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương  hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp.

Giúp người lao động có điều kiện để bám trụ, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Giúp người lao động có điều kiện để bám trụ, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các cán bộ công đoàn tập trung hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động trong hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19; giúp người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận các gói hỗ trợ nhanh nhất, giảm bớt khó khăn, thực hiện mục tiêu duy trì, phục hồi sản xuất và phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Cùng với đó, các cấp công đoàn tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các chương trình hỗ trợ của địa phương, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn hoặc người lao động đã về quê nay trở lại doanh nghiệp gặp khó khăn, giúp người lao động có điều kiện để bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chủ động đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm các thủ tục để người lao động có nhu cầu trở lại làm việc cho doanh nghiệp, đảm bảo quy định của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chị Nguyễn Thúy An, công nhân Công ty TNHH Bình Yên (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết mình phải nghỉ việc, ở nhà 2 tháng do dịch bệnh. Trong trạng thái bình thường mới, chị cùng nhiều đồng nghiệp quay trở lại công ty làm việc. Ngay trong lúc còn bộn bề đó chị đã được LĐLĐ TP.Hà Nội đến tận công ty trao hỗ trợ đã giúp chị bước đầu vượt qua khó khăn. Hay như tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, 300 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng được nhận hỗ trợ của LĐLĐ TP.Hà Nội với số tiền 150 triệu đồng. Với sự hỗ trợ này, Công đoàn Hà Nội mong muốn đoàn viên, người lao động ổn định cuộc sống, trở lại sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp sớm phục hồi và có những bước tăng trưởng trong thời gian tới. 

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động như hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” và hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg. Đặc biệt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” với tinh thần “Mỗi cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động là một chiến sĩ”, “Mỗi công đoàn cơ sở là một pháo đài, là mái nhà bình yên”.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, người làm chính sách và giới sử dụng lao động, các chính sách gần đây của Công đoàn không chỉ chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động mà còn góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trở lại sản xuất trong giai đoạn khó khăn. 

THANH HÒA
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh