Doanh nghiệp lao đao sau 2 lần bùng dịch covid -19
- Huyệt vị
- 00:46 - 04/10/2020
38,6 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường kinh doanh
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết có gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường trong bảy tháng đầu năm, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập.
Gần 33.000 doanh nghiệp trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Đây là năm ghi nhận lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất từ 2015 đến nay, tăng đều ở tất cả lĩnh vực.
Hầu hết doanh nghiệp chọn phương án này có thời gian hoạt động ngắn, một nửa là dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống có tỷ lệ ngừng kinh doanh cao nhất.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%. Gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%, trong đó có 10,7 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống...
Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa có báo cáo Thủ tướng kết quả khảo sát tác động của sự bùng phát dịch COVID-19 lần 2 đối với doanh nghiệp. Đây là cuộc khảo sát lần 3 do Ban IV thực hiện với gần 350 doanh nghiệp và 15 hiệp hội nhằm nhận diện rõ hơn các khó khăn của doanh nghiệp khi dịch bệnh bùng phát lần hai.
Kết quả cho thấy 20% doanh nghiệp cho biết đã phải tạm dừng hoạt động; 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi; 2% doanh nghiệp đã giải thể và chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, phải chịu áp lực để đảm bảo tiền lương, trả bảo hiểm xã hội và các chi phí khác cho người lao động, trả tiền vay ngân hàng lãi và nợ gốc, các chi phí đầu vào như điện, nước, nguyên liệu, thuê kho, nhà xưởng... Đặc biệt một số hiệp hội cho biết tiền thuê đất năm 2020 tăng đột biến bởi một số điều chỉnh chính sách, cách thức tính toán giá thuê đất...dẫn tới các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất lớn phải nộp tiền thuê đất tăng từ vài chục phần trăm tới mấy trăm phần trăm so với giá thuê 2019 trở về trước. Đây là vấn đề gây áp lực nghiêm trọng với doanh nghiệp bởi bối cảnh hiện nay, đơn hàng sụt giảm mạnh hoặc không có, nhiều ngành như du lịch thì hoạt động thậm chí đang "đóng băng".
Đề xuất gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp và người lao động
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Chính sách hỗ trợ lần 2 tập trung vào người lao động mất việc làm gặp khó khăn và cho vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì sản xuất, phát triển kinh doanh, mở rộng việc làm.
Đối tượng của chính sách hỗ trợ tín dụng khôi phục, duy trì sản xuất, phát triển kinh doanh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động tại khu vực nông thôn. Mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, đối với cơ sở sản xuất-kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới.
Lãi suất vay ưu đãi là 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021. Ước tính sẽ có khoảng 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh và 100.000 người lao động vay vốn, kinh phí cho vay khoảng 15.000 tỷ đồng.
Đối với lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn thì hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Cụ thể, đối tượng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020.
Ước tính có khoảng 1 triệu lao động và 200.000 trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được hỗ trợ. Kinh phí hỗ trợ ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo (3,96%/năm; hiện nay lãi suất cho vay là 7,92%/năm). Thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng, áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh kể từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021. Tổng kinh phí hỗ trợ trong đợt 2 là khoảng 18.600 tỷ đồng.
Là một doanh nghiệp du lịch, lữ hành, ông Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn sớm được tiếp cận gói hỗ trợ an sinh lần 2. Ông Dũng chia sẻ, để hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi khi nguồn vốn của doanh nghiệp còn rất mỏng thì bên cạnh việc Chính Phủ tiếp tục cho thực hiện gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội lần 2 dành cho doanh nghiệp, người lao động cần đồng thời cắt giảm mạnh các quy trình, thủ tục hành chính và các điều kiện bất hợp lý, đẩy mạnh trực tuyến quá trình này để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận chính sách thuận lợi hơn. Ngoài ra các chính sách cần sửa đổi theo hướng có nhiều hơn những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra.
Từ góc nhìn của chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc tiếp cận các gói hỗ trợ đầu tiên của doanh nghiệp còn thấp do tiêu chí khá khắt khe khiến quá trình thực thi gặp khó. Ông Hiếu cho rằng, để các gói tín dụng triển khai có hiệu quả, cần có cơ chế bảo lãnh của Chính phủ để các ngân hàng mạnh dạn cho vay, đồng thời cần kéo dài chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sang năm 2021, thay vì dừng lại ở năm 2020 như việc giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp.