Gia Lai: Phê bình huyện Chư Păh vì không thực hiện thống kê cây gỗ trên diện tích đất ngoài lâm nghiệp
- Dược liệu
- 00:16 - 14/08/2020
UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn số 1649/UBND-NL ngày 11/8/2020, về việc kiểm tra, đề xuất xử lý thông tin khai thác cây trắc trên địa bàn xã Hà Tây huyện Chư Păh. Trong đó, UBND tỉnh nhận định thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều trường hợp đào bới, thu gom, vận chuyển cây thân gỗ, trong đó có một số loài cây quý hiếm như Trắc, Hương về trồng tập trung ở các khu vườn, khu dân cư, hoặc vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ; một số đối tượng đã lợi dụng việc này để đào bới cây rừng tự nhiên trái phép, ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 2/3/2020, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản số 430/UBND-NL về việc thống kê số lượng cây thân gỗ hiện có ngoài đất rừng trên địa bàn tỉnh. Sau 3 tháng triển khai, đến ngày 2/6/2020, UBND huyện Chư Păh có báo cáo số 231/BC-UBND thì chỉ có hai xã hoàn tất công tác thống kê là Ia Ka và Ia Nhin với tổng số lượng 1.747 cây. Các xã còn lại không có thống kê, báo cáo về UBND huyện để báo cáo cấp trên.
Liên quan đến huyện Chư Păh, vừa qua báo chí đã đưa tại địa phương này đã xuất hiện việc mua bán rầm rộ cây gỗ trắc trên đất vườn của người dân. Đây được xác định là loại cây gỗ quý nằm trong danh mục những loài cần bảo vệ của CITES. CITES là Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp có 175 Quốc gia tham gia. Việt Nam có Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.
Do tính cấp bách của việc bảo tồn nguồn gien loại cây quý, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Chư Păh kiểm tra, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế, đề xuất Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhận dân tỉnh định hướng để giúp nhân dân giữ gìn, chăm sóc các loài cây gô quý hiếm nhằm bảo tồn nguồn gen, tạo giá trị về lâu dài; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/8/2020.