THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:31

Doanh nghiệp khó khăn trước cuộc đua lãi suất

Mặt bằng lãi suất tăng gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp.      Ảnh minh họa.

Vào những năm 2011 và 2012, lãi suất cho vay thường xuyên lên chót vót ở mức trên 20%. Giờ đây, lãi suất không còn cao ở mức đó, đi cùng với đó là con số lạm phát năm 2015 thấp ở mức kỷ lục trong 14 năm qua, đã làm nên thành tích “kép” cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ. Tuy nhiên, phía sau thành tích này, câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp vẫn hiển hiện như một “điểm tối” của nền kinh tế, kéo theo không khí căng thẳng cho túi tiền quốc gia.

Tại phiên họp thứ 46 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng 3/2016, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã than phiền về tình hình ngân sách “đi dây” mà “trong những năm tới, nếu đứt dây thì chúng ta chết”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu những con số mà ông nghe từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Doanh nghiệp giải thể, phá sản trong năm 2015 lên tới gần 80.000, trong khi năm 2011 là khoảng hơn 50.000. Từ năm 2011 đến nay, năm nào cũng đều đặn tăng hàng chục nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn, như năm 2013 có khoảng 60.000, năm 2014 đã lên khoảng 67.800 và tiếp tục đà đó cho tới nay...

Theo ông Giàu, lạm phát thấp góp phần giúp kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Tuy nhiên, kiểm soát chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn. Bàn về lãi suất, theo ông Nguyễn Văn Giàu, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn, dù Chính phủ chỉ đạo nhất quán trong điều hành phải chủ động, linh hoạt lãi suất theo diễn biến lạm phát, nhưng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng còn cao.

Sức khỏe” của nền kinh tế phụ thuộc hệ thống thanh khoản, lãi suất cho vay của các ngân hàng. (Ảnh minh họa).

Chỉ tính năm 2015, bình quân khoảng 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn,  9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn, trong khi lạm phát chỉ ở mức 0,63%. “Lãi suất vẫn bị cho là gánh nặng của doanh nghiệp, khi lãi suất cho vay so với các nước trong khu vực còn ở mức cao, khiến doanh nghiệp trong nước “ốm dở” nhiều năm qua sẽ càng chồng chất khó khăn trong cạnh tranh khi đất nước bước vào thời kỳ mới của hội nhập đặc biệt sâu rộng”, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, TS Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Tình hình doanh nghiệp thời gian tới có thể sẽ còn gay go hơn nữa. Theo quan sát của ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Đang có hiện tượng áp lực thanh khoản tăng lên, lãi suất có chiều hướng tăng kể từ cuối năm 2015 và có thể tăng 1 - 2% so với mặt bằng năm 2015. Với những diễn biến lãi suất như vậy, không thể đơn giản nói rằng doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh bình thường như năm 2015 hay tốt hơn 2015 được”. Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nếu để mặt bằng lãi suất tăng thêm 1 - 2% thì doanh nghiệp sẽ “tháo chạy” hàng loạt.

Cuộc đua lãi suất huy động đang ngày một nóng lên. Nếu như vào cuối năm 2015, chỉ lác đác ngân hàng cổ phần nhỏ tăng lãi suất, thì nay đã thành trào lưu với sự góp mặt của nhiều ngân hàng lớn và ngân hàng vốn nhà nước. Phân tích về những nguyên nhân tăng lãi suất cho vay, Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành nhắc đến diễn biến rất đáng ngại trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đó là vấn đề về lãi dự thu. “Các ngân hàng vẫn đang phải "nuôi" nợ xấu. Báo cáo tài chính của ngân hàng mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay, nhưng thực tế chưa nhận được “tiền tươi thóc thật”. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân. Thế nên, trong con số thu nhập lãi thuần mà các ngân hàng công bố có một phần “ảo” trong đó”- TS Thành nói.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, cần cảnh báo được sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống, bởi lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đến từ khoản này. Vấn đề không chỉ tập trung ở những ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu, mà tồn tại cả ở một số ngân hàng có quy mô vừa trở lên. Một số ngân hàng hiện nay đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ vì lãi dự thu chưa thu được, ngân hàng chưa có tiền. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng chính là được ghi nhận từ nghiệp vụ mang tính kỹ thuật này.  Nếu khoản lãi dự thu này cuối cùng không thu được thì một khoản lợi nhuận cho vay, nhẽ ra thu lãi định kỳ thì phải ghi nhận cuối kỳ rồi nhập vào gốc. Đây là một vấn đề lớn.

“Nếu nhà điều hành không có giải pháp điều chỉnh kịp thời thì các ngân hàng sẽ lâm vào khó khăn thanh khoản, sức khoẻ tiếp tục mong manh gây áp lực nặng nề hơn cho doanh nghiệp cũng như sự phát triển của nền kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ông Vũ Viết Ngoạn khuyến cáo.

CHÂU MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh