Ngân hàng tăng lãi suất huy động: Lãi suất cao dành cho… người giàu?
- Huyệt vị
- 16:21 - 11/03/2016
Đua nhau tăng lãi suất…
Ngay sau Tết, hàng loạt ngân hàng công bố biểu lãi suất tiền gửi tăng so với trước Tết. Theo đó, từ ngày 24/2, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) thông báo đẩy mạnh chương trình khuyến mãi huy động vốn với lãi suất cách biệt. Khách hàng tham gia chương trình khuyến mãi “Gửi dài lâu, thêm tài lộc” dành riêng cho người gửi tiền VND từ 15 tháng trở lên, với lãi suất từ 7,2%/năm (15 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ) đến 8,0%/năm (36 tháng, gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ).
Trong đó, tại kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng, khi khách hàng gửi với số tiền dưới 1 tỷ đồng, lĩnh lãi cuối kỳ sẽ được hưởng mức lãi suất 7,2%/năm. Với số tiền từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất được áp dụng ở mức 7,4%/năm và trên 10 tỷ đồng là 7,5%/năm. Để nhận được mức lãi suất 8%/năm, khách hàng phải gửi số tiền trên 10 tỷ đồng vào kỳ hạn 36 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) áp dụng mức lãi suất mới cao hơn, đặc biệt ở các kỳ hạn dài. Cụ thể, kỳ hạn 13 và 21 tháng là 7,7%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 7,8%/năm, kỳ hạn 36 tháng lên tới 8%/năm. Đặc biệt, theo chính sách ưu đãi cho sản phẩm gửi tiết kiệm trực tuyến tại OCB, khách gửi tiền còn có thể nhận được mức cao nhất tới 8,1%/năm. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á đã điều chỉnh tăng lãi suất lên 8%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất cao nhất này, khách gửi phải thỏa mãn các điều kiện ngân hàng đưa ra…
Ngân hàng đang bước vào cuộc đua lãi suất mới.
Tại các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, lãi suất huy động cũng được điều chỉnh tăng. Mặc dù niêm yết công khai, nhưng để được hưởng mức lãi suất cao hơn so với mặt bằng chung thì khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện tương đối cao từ phía ngân hàng.
Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay đã lên mức 8,1 - 8,2%/năm.
Ai hưởng lợi ?
Qua tìm hiểu, điều kiện để khách hàng được hưởng mức lãi suất tiền gửi cao, khách phải thuộc diện có số tiền hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Còn người đi vay, hiển nhiên phải trả lãi suất cao hơn vì ngân hàng đã tăng lãi suất huy động! Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất như vậy chủ yếu là trên danh nghĩa. Dù ngân hàng thông báo tăng lãi suất nhưng hầu hết người gửi tiền không được hưởng, bởi lãi suất này chỉ dành cho người giàu! Nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng trên là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn, nhất là trong bối cảnh sửa đổi Thông tư 36, dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%.
Cuộc đua lãi suất huy động này xem ra người gửi không được hưởng lợi, nhưng lại làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng. Khi đó, người đi vay lại chịu thiệt thòi. Hiện nay, các khoản cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng thường áp dụng theo phương thức thả nổi lãi suất. Nghĩa là lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ, thay đổi theo biến động thị trường tài chính. Mức điều chỉnh và kỳ hạn điều chỉnh sẽ theo thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng.
Thông thường, kỳ điều chỉnh lãi suất là 3,6 tháng hoặc một năm một lần. Mức điều chỉnh lãi suất thường được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lớn hơn hoặc bằng 12 tháng (tùy mỗi ngân hàng), cộng với biên độ nhất định, có thể là 2,3 hoặc 4%... Như vậy, nếu các ngân hàng tìm cách đẩy lãi suất tiết kiệm từ 12 tháng trở lên có thể khiến cho lãi suất cho vay bị đẩy lên. Đây thực ra là chiêu tăng lãi suất cho vay đối với khách hàng vay dài hạn có lãi suất sau thời gian ưu đãi ban đầu, điều chỉnh thành lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng biên độ lãi suất mà một số ngân hàng thường áp dụng.
TS Nguyễn Trí Hiếu đánh gia: Hiện nay mặt bằng lãi suất có xu hướng gia tăng, mặc dù chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đi vay và để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, lãi suất cho vay khó có thể giảm thời gian tới. Để đảm bảo quyền lợi, trước khi gửi tiền, người dân nên cân nhắc xem nhu cầu sử dụng để quyết định gửi ngắn hạn hay dài hạn. Nếu không chắc chắn về nhu cầu sử dụng của bản thân thì nên gửi ngắn hạn. Bởi nếu ham lãi suất cao mà gửi dài hạn, khi có nhu cầu tiền cần rút gấp khi chưa đến thời kỳ đáo hạn sẽ nhận lãi suất rất thấp hoặc không có lãi. |