THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:57

Doanh nghiệp đồng hành cùng Thủ đô bình ổn giá thịt lợn

Doanh nghiệp đồng hành cùng Thủ đô bình ổn giá thịt lợn - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường mặt hàng thịt lợn cũng như các thực phẩm khác phục vụ người dân trong dịp Tết Canh Tý 2020, chiều ngày 30/12, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp bình ổn hàng hóa, giá cả thị trường với sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố đều khẳng định đồng hành cùng Thủ đô bình ổn cung cầu mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhất là nguồn cung thịt lợn trong nước không thiếu dù có xảy ra dịch tả lợn châu Phi như thời gian qua.

Nguồn cung không thiếu

Báo cáo từ Sở Công Thương Hà Nội cho hay, từ tháng 10-12/2019, trung bình mỗi tháng Hà Nội thiếu từ 3.300-4.300 tấn thịt lợn, riêng trong tháng Tết (tháng 1/2020), nhu cầu 23.520 tấn; trong đó, nguồn của thành phố khoảng 14.600 tấn, nhập từ các tỉnh khoảng 8.920 tấn cơ bản đáp ứng nhu cầu tháng Tết.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nguồn cung mặt hàng thịt lợn cho đến thời điểm hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, các tỉnh thành phố khác có thể cung cấp cho Hà Nội khoảng 43.000 tấn thịt lợn, tăng 80% so với nhu cầu nhập từ các tỉnh. Do đó, nguồn cung thịt lợn ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân là cơ bản đáp ứng đủ.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay, hiện nay Hà Nội đã tái đàn được 300.000 con/600.000 con đã bị tiêu hủy do dịch tả lợn; sản lượng thịt lợn xuất chuồng cũng tăng khoảng 17% so với tháng trước do lượng lợn đến lứa xuất chuồng tăng.

Các đơn vị giết mổ, phân phối tăng cường hoạt động thu mua từ các tỉnh về để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân (bình quân từ 8.000-9.000 tấn/tháng). Các đơn vị nhập khẩu sẵn sàng nhập khẩu khi nguồn cung còn thiếu.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, Bắc Giang có tổng đàn lợn đạt 1,1 triệu con, tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ tháng 3-9/2019, nên hiện đàn lợn của Bắc Giang còn 818.500 con; trong đó, lợn thịt là 625.000 con.

Dự tính, từ nay đến Tết Nguyên đán 2020, Bắc Giang sẽ cung ứng ra thị trường trong khoảng 300.000 con, tương đương 30.000 tấn lợn hơi.

Theo ông Phương, sau Tết Nguyên đán, sẽ cung ứng khoảng 19.000 tấn lợn hơi; trong đó, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chiếm 33% tổng sản lượng. Tỉnh còn khoảng 13.000 tấn thịt lợn trước Tết và 8.000 tấn thịt lợn sau Tết cung cấp cho các tỉnh, thành phố khác.

Cùng với thịt lợn, còn nhiều sản phẩm thực phẩm nông sản khác, Bắc Giang đồng hành và đề nghị Hà Nội hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản, hàng hóa của tỉnh.

Thực tế cho thấy, do giá thịt lợn tăng cao nên hiện nay người dân đang dần chuyển sang sử dụng các mặt hàng khác thay thế thịt lợn nên sản lượng bán ra của mặt hàng thịt lợn tháng 12 giảm từ 5-20% so với tháng 11/2019.

Trong khi đó, một số mặt hàng thịt gà, bò, thủy hải sản của các doanh nghiệp phân phối trong tháng 12 tăng lên so với tháng 11. Cụ thể, thịt gà tăng 10-15%, thịt bò tăng 4%, thủy hải sản tăng 12%, trứng gia cầm tăng 5%.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự phối hợp giữa Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố trong việc nỗ lực phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Dịch xảy ra vào tháng 5-7/2019, các tỉnh đã có chu kỳ 7 tháng tái đàn. Những tháng giáp Tết khi cung mới bắt đầu cho thu hoạch, cầu tăng khoảng 10-15%, sự “chạm” giữa cung và cầu dẫn đến thiếu hụt thịt lợn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị 13 tỉnh, thành phố phối hợp cùng Hà Nội trong việc theo dõi tình hình, cung cấp thông tin, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng, tránh tình trạng “găm hàng” bởi sẽ đến một lúc nào đó tất cả nguồn hàng đều đổ ra thị trường thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ.

Doanh nghiệp cùng đồng hành

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối trên địa bàn thành phố đều khẳng định đồng hành với Hà Nội trong việc bình ổn mặt hàng thịt lợn.

Cụ thể, Big C cam kết bán giá vốn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết; Sài Gòn Coop đảm bảo mặt hàng thịt dọi bán với giá thấp hơn thị trường 20%, sườn non thấp hơn 8%, xương đùi thấp hơn 25%, xương ống thấp hơn 35%.

Không nằm ngoài tác động của thị trường, bà Đinh Thị Hải Vân, Giám đốc thu mua Công ty Trách nhiệm hữu hạn Big C Thăng Long cho biết, vài tháng gần đây hệ thống Big C và Go Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng do giá thịt lợn có xu hướng tăng, nhất là vào tháng 11 và tháng 12 với mức giá tăng khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2018.

Để bình ổn giá mặt hàng thịt lợn, đảm bảo không thiếu nguồn hàng, Big C đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để lên kế hoạch sản lượng dự kiến. Bên cạnh đó, Big C cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong Chương trình bình ổn giá, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo Giám đốc thu mua Công ty Trách nhiệm hữu hạn Big C Thăng Long, Công ty này sẽ tiếp tục triển khai Chương trình “giá tốt” áp dụng với 7.000 mặt hàng thiết yếu; trong đó có thịt lợn.

Do sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để tham gia vào Chương trình bình ổn giá của Bộ Công Thương nên giá bán thịt lợn tại Big C luôn thấp hơn giá thị trường từ 5-10%.

Đặc biệt, Big C và Go Việt Nam đã áp dụng chính sách bán hàng thịt lợn không lợi nhuận từ ngày 28/12 cho đến hết Tết Nguyên đán.

Thịt lợn nhập khẩu cũng là một lựa chọn cung cấp cho khách hàng. Để giảm áp lực từ thịt lợn, Big C còn đẩy mạnh khuyến mại các mặt hàng khác như: thịt bò, cá, gà...

Theo ông Võ Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Nam Hà Nội, công ty đã phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội xây dựng thành công chuỗi sản xuất chăn nuôi truy xuất được nguồn gốc xuất xứ chuẩn bị cho khâu giết mổ và chế biến.

Năm 2019, dịch tả lợn xảy ra nhưng công ty không bị ảnh hưởng, vẫn đảm bảo nguồn cung thịt lợn ra thị trường cho các hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp.

Năm 2018, ngành chăn nuôi lợn xuất được 28,5 triệu con, trong khi đó, năm 2019 do dịch tả lợn châu Phi xảy ra số lợn tiêu hủy lớn làm giảm số lợn xuất nhưng doanh thu lại nhiều hơn đến 98.000 tỷ đồng so với năm 2018.

Số tiền chênh lệch này nằm ở các công ty chăn nuôi, trang trại lớn, chứ không nằm ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ông Dũng cho rằng, đây cũng là lúc các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến lớn chung tay cùng với người dân bình ổn giá, nhất là trong dịp Tết Canh Tý đang đến.

Đánh giá cao sự vào cuộc của Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp về vai trò, trách nhiệm cũng như việc triển khai bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung thực phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô trước, trong và sau Tết, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh đưa các sản phẩm đặc thù của địa phương phục vụ nhu cầu của người dân.

Đồng thời, ông Tuấn đề nghị các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt tình trạng “găm hàng”, đưa hàng kém chất lượng lưu thông tại thị trường.

Đối với mặt hàng thịt lợn, ôn Tuấn đề nghị các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo nguồn cung mặt hàng này trong thời gian tới.

“Rất đáng mừng, trong chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành, mấy ngày hôm nay, giá lợn hơi đã giảm, đây là một tín hiệu rất tốt. Nếu mặt hàng thịt lợn thiếu, chúng ta cũng hướng đến nhập khẩu. Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với Sở Công Thương trong việc đảm bảo thông tin, giá cả, cung cầu, chỗ nào có biến động, đề nghị Sở Công Thương báo cáo để Bộ tham mưu cho Chính phủ đảm bảo đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; trong đó có thịt lợn phục vụ người dân dịp trước, trong và sau Tết,” ông Hoàng Anh Tuấn nói.

Theo Nam Giang/TTXVN/Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh